Những vấn đề Trump phải đối mặt tại Hội nghị thượng đỉnh NATO
(Baonghean.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Bỉ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/7, trong bối cảnh các nước thành viên châu Âu của NATO đang lo lắng về những kết quả xấu có thể xảy ra.
Có 2 vấn đề gây bất đồng giữa Mỹ với các thành viên châu Âu của NATO, đó chính là chi tiêu quốc phòng cho nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO (các thành viên phải dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng) và ý định cải thiện quan hệ với Điện Kremlin của chính quyền Trump.
Tổng thống Trump gây sức ép buộc NATO phải chi trả 2% chi phí quốc phòng. Ảnh: AP |
Chi tiêu quốc phòng - vấn đề chia rẽ Mỹ và các đồng minh NATO
Đối với vấn đề đầu tiên, Tổng thống Trump được cho là có lý khi thúc giục các nước đồng minh châu Âu thực hiện cam kết với nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO. Nguyên tắc này sẽ không có giá trị nếu các quốc gia châu Âu giàu có không thực hiện đầy đủ cam kết của mình.
Một trong những quốc gia đó là Đức, nước mới chỉ dành 1,22% GDP cho quốc phòng và dự tính sẽ chỉ tăng lên mức 1,25% GDP vào năm 2021. Mặc dù là một thành viên chủ chốt cho sự tồn tại của NATO và có GDP lớn gấp 2,5 lần của Nga nhưng Đức chỉ chi cho quốc phòng 45 tỷ USD/năm trong khi Nga đã chi khoảng 80 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, Đức không phải là thành viên giàu có duy nhất của NATO ở châu Âu từ chối không thực hiện quy định đóng góp 2% GDP bởi bên cạnh đó còn có các nước như: Bỉ 0,91%, Italy 1,13%, Tây Ban Nha 0,92% và Cộng hòa Czech 1,07%. Pháp do có các hoạt động quân sự ở châu Phi nên mức chi cho quốc phòng cao hơn, khoảng 1,79 % GDP.
Ngoài ra, Canada - quốc gia có nguồn tài nguyên dồi dào - cũng chỉ dành 1,31% GDP cho quốc phòng.
Trong khi đó, Mỹ chi cho quốc phòng cao hơn rất nhiều các quốc gia khác, ở mức 3,58% GDP. Ngân sách quốc phòng của Mỹ luôn ở mức cao và thậm chí còn cao hơn cả thời điểm nước này có mức chi tiêu nhiều nhất để xây dựng quân đội trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh của chính quyền R.Reagan.
Kể từ khi nắm quyền, Tổng thống Trump liên tục chỉ trích các đồng minh NATO. Ảnh: Getty |
Cải thiện quan hệ với Nga- mục tiêu xa vời?
Liên quan đến ý định muốn cải thiện quan hệ với Nga của chính quyền Trump, giới chức châu Âu hiện đang có nhiều lo ngại và không ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga dự kiến diễn ra tại thủ đô Helsinki của Phần Lan vào ngày 16/7 tới.
Hầu hết các nước châu Âu muốn được "hưởng lợi" từ phần đóng góp quốc phòng của Mỹ và không sẵn sàng đóng góp phần của mình nên nếu Mỹ và Nga có mối quan hệ tốt hơn thì phần đóng góp quốc phòng của các nước châu Âu sẽ phải xem xét lại.
Trước đó, một trong những bất đồng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 gần đây chính là mong muốn của Mỹ để Nga được tái gia nhập nhóm các cường quốc công nghiệp G7 và điều này gặp phải sự phản đối của Canada và các quốc gia thành viên châu Âu khác.
Không chỉ có Canada và các quốc gia châu Âu mà một số nghị sĩ Mỹ dường như cũng không mong muốn ông Trump có cuộc gặp hoặc thảo luận riêng với ông Putin. Hạ nghị sỹ Adam Schiff của tiểu bang California cho biết: "Tôi sợ rằng cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ chứng minh là một đòn tấn công khác vào NATO và các đồng minh của Mỹ, và cho Điện Kremlin một món quà”.
Ông Schiff là một trong những người cho rằng ông Trump đã có sự cấu kết với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 để giành chiến thắng trước ứng cử viên Hillary Clinton.
Tuy nhiên, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga vẫn được dư luận đánh giá là một sự tính toán khôn ngoan. Nga và Mỹ là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện tại, Nga vẫn có khả năng làm suy yếu lợi ích của Mỹ, hoặc hợp tác với Mỹ để đạt được lợi ích chung.
Thậm chí ngay cả khi Mỹ không thích ông Putin thì Nga cũng không thể bị lờ đi một cách đơn giản hay bị gạt sang một bên mà không có những ảnh hưởng tiêu cực đối với Mỹ.
Mặc dù ông Trump và ông Putin đã có những cuộc gặp nhanh bên lề hai sự kiện đa phương trước đó nhưng một cuộc gặp song phương trực tiếp chính thức có thể đem lại lợi ích lớn cho nước Mỹ.
Chính quyền Trump có thể đang quan tâm tới một sự sắp đặt để tranh thủ sự hợp tác của Nga nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria và giảm ảnh hưởng của Iran ở quốc gia này, đổi lại Mỹ sẽ giảm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Nếu Washington và Moskva có được một thỏa thuận mới, điều đó sẽ tốt cho nước Mỹ bởi một lý do đơn giản là mối quan hệ sẽ bắt đầu với ít bất đồng giữa hai cường quốc hạt nhân ưu việt này.
Moskva cũng có lý do để nghe một đề xuất như vậy bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của Nga.
Ngoài ra, Israel, quốc gia có mối quan hệ thân thiết với Điện Kremlin cũng tích cực vận động Nga rút quân khỏi Syria và ngừng viện trợ giúp Iran. Nga cũng muốn tìm kiếm một chiến lược thoát khỏi Trung Đông.
Quan hệ Mỹ-Nga chưa thôi hết sóng gió. Ảnh: AP |
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO và ngay sau đó là cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Nga, chính quyền Trump cần thận trọng vì lợi ích của Mỹ và phải đặt nước Mỹ lên trên hết.
Điều này đồng nghĩa với việc phải cải cách và hiện đại hóa NATO, bắt đầu với việc yêu cầu các đồng minh thực hiện đúng những đóng góp như đã cam kết cho phòng thủ tập thể. Sau đó, Mỹ sẽ yêu cầu các nước tăng sự đóng góp của mình do những kẻ thù tiềm ẩn và cũng bởi không thể chỉ dựa vào quân đội Mỹ.
Như vậy, trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới nếu ông Putin sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận có lợi cho Washington - để không phá hỏng những nỗ lực của Mỹ liên quan đến vấn đề Triều Tiên và để cứu vô số sinh mạng bằng cách giảm sự leo thang của cuộc chiến ở Syria - thì có khả năng cả hai nước sẽ đều gặt hái thành công trong những vấn đề cụ thể này./.