Giật mí mắt: Điềm báo hay bệnh?
Co giật mí mắt xảy ra không thể đoán trước, thường xảy ra ở mí trên. Vậy mí mắt giật liên tục là bệnh gì hay điềm gở?
Biểu hiện này lặp lại trong vài ngày; sau đó, bạn có thể không gặp bất kỳ sự co giật nào khác trong nhiều tuần, thậm chí hàng tháng. Nếu triệu chứng không biến mất sau vài ngày, bạn nên cố gắng loại bỏ hoặc giảm các nguyên nhân tiềm ẩn, phổ biến nhất là căng thẳng, mệt mỏi và caffeine...
Co giật mí mắt (hoặc myokymia) là sự co thắt không tự nguyện của cơ mí mắt. Những cơn co thắt này thường rất nhẹ nhưng cũng có trường hợp mí mắt đóng hoàn toàn. Các co giật không đau và vô hại, nhưng lại gây lo lắng và phiền hà, vì quan niệm giật mí mắt là xui xẻo. Hầu hết các cơn co thắt sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.
Trong trường hợp hiếm, co thắt mí mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của rối loạn vận động kinh niên, đặc biệt nếu kèm theo co giật ở mặt hoặc các cử động không kiểm soát được.
Nguyên nhân gây co giật mí mắt
Co giật mí mắt thường xảy ra không vì bất kỳ nguyên nhân nào cụ thể; tuy nhiên, tình trạng co giật có thể trở nên tồi tệ hơn do: kích ứng mắt, mệt mỏi, thiếu ngủ, tác dụng phụ của thuốc, stress, sử dụng rượu, thuốc lá, hoặc caffeine.
Thiếu ngủ, stress làm tăng nguy cơ co giật mí mắt. |
Nếu việc nháy mắt không kiểm soát trở nên mãn tính, đó gọi là bệnh co thắt cơ mí mắt. Bệnh thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và có thể diễn biến xấu hơn do viêm bờ mi, mí mắt, viêm kết mạc, khô mắt, cũng như các kích thích từ môi trường (gió, ánh nắng, ô nhiễm).
Bệnh co thắt cơ mí mắt phổ biến ở phụ nữ hơn ở nam giới và tập trung vào nhóm đối tượng ngoài trung niên. Tình trạng này dễ chuyển biến xấu đi theo thời gian, gây giảm thị lực mờ, tăng độ nhạy cảm ánh sáng và co thắt cơ mặt.
Biến chứng co giật mí mắt
Co giật mí mắt hầu như luôn đi kèm với các triệu chứng khác trong một số rối loạn thần kinh hiếm gặp, ví dụ như liệt cơ mặt, bệnh loạn trương lực dystonia khiến cơ co bất ngờ, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, hội chứng Tourette… Các vết trầy xước giác mạc khó nhận biết cũng có thể gây co giật mí mắt.
Khi nào gặp bác sĩ?
Bạn cần đi khám bác sĩ nếu bị co giật mí mắt kéo dài cùng với bất kỳ triệu chứng nào sau đây: mắt đỏ, sưng, hoặc có sự xuất hiện bất thường; mí mắt trên sụp xuống hay đóng hoàn toàn mỗi khi co giật; sự co giật bắt đầu ảnh hưởng đến các phần khác trên khuôn mặt bạn.
Chườm ấm có thể giúp giảm triệu chứng co giật mí mắt. |
Để giảm co giật mắt, bạn có thể thử các cách sau: Uống ít caffein, ngủ đủ giấc, giữ ẩm bằng nước mắt nhân tạo hoặc thuốc nhỏ mắt, đắp khăn ấm.