Lá chắn Trung Quốc có thể hạ tên lửa đạn đạo khiến phương Tây lo ngại

Duy Sơn 18/07/2018 06:19

Trung Quốc đang phát triển lá chắn chống tên lửa đạn đạo thế hệ mới, được cho là không có đối thủ từ phương Tây.

Một vụ phóng thử tên lửa HQ-19 hồi năm 2016. Ảnh: Sina.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuần trước cho biết đang phát triển hệ thống phòng không thế hệ mới nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết. Giới phân tích đánh giá loại vũ khí này nhiều khả năng được thiết kế để đối phó với nhiều mối đe dọa, trong đó gồm cả tên lửa đạn đạo tầm xa, theo NationalInterest.

"So với các tên lửa phòng không trước đây, hệ thống mới có tầm phát hiện mục tiêu xa hơn và sở hữu nhiều công nghệ hiện đại hơn. Điều này giúp Trung Quốc nằm trong số những quốc gia có khả năng thiết kế, sản xuất hệ thống phòng không có thể tấn công chính xác mục tiêu ở cách 1.000 km", Wang Mengyi - Phó phòng Thiết kế Tổng hợp thuộc Học viện II, Tập đoàn Công nghệ và Khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc, tuyên bố.

Hệ thống phòng không này dường như là HQ-19, biến thể tối ưu cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo được phát triển từ tổ hợp phòng không HQ-9 chủ lực của Trung Quốc. Nó lần đầu được hé lộ năm 2016, khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo về tiềm lực quân sự Trung Quốc.

"Trung Quốc đang phát triển lá chắn tên lửa đạn đạo mới có tên mã HQ-19. Tính tới tháng 5/2016, nó vẫn đang trong quá trình thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000 km. Quả đạn HQ-19 sử dụng cơ chế diệt mục tiêu bằng động năng, có thể đánh trúng tên lửa đạn đạo hoặc vệ tinh ở quỹ đạo gần Trái Đất. HQ-19 sẽ là bản nâng cấp đáng kể từ HQ-9, tổ hợp phòng không chỉ đủ sức chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn", chuyên gia Alicia Sanders-Zakre thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nhận định.

Ngoài HQ-19, Trung Quốc cũng đang phát triển một số hệ thống phòng không có tầm bắn tới 2.000 km như HQ-26 và HQ-29, nhằm phục vụ mục đích diệt tên lửa đạn đạo.

Có rất ít thông tin về HQ-26, nhưng nó được cho là đạt uy lực tương đương dòng SM-3 của Mỹ và dự kiến trang bị cho khu trục hạm hạng nặng Type-055. Trong khi đó, HQ-29 có thể có uy lực ngang ngửa với tổ hợp Patriot PAC-3 của Mỹ, được phát triển từ năm 2003 và từng được thử nghiệm thành công năm 2011.

Hệ thống phòng không mới của Trung Quốc cũng có thể là HQ-18, biến thể sao chép từ dòng S-300V của Nga. Một khẩu đội HQ-18 có thể trang bị tối đa 6 bệ phóng với 24 quả đạn sẵn sàng chiến đấu.

Tổ hợp S-300V, nguyên mẫu để Trung Quốc phát triển dòng HQ-18. Ảnh: Global Security.

Dù khả năng phòng không của Trung Quốc hiện nay còn thua kém Nga và phương Tây, các tổ hợp của nước này trong tương lai sẽ rất mạnh và khiến phương Tây lo ngại.

"Dòng S-300V nằm trong nhóm các tổ hợp chống tên lửa đạn đạo mạnh nhất thế giới. Bản nâng cấp của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến phương Tây lo ngại bởi họ không có vũ khí tương đương. Chỉ có tiêm kích tàng hình như F-22 và F-35 mới đủ khả năng xâm nhập và tiêu diệt những hệ thống như HQ-18", chuyên gia quân sự Dave Majumdar nhận định.

Duy Sơn