Thảo luận tổ 8: Xây dựng NTM cần đi vào thực chất, bền vững
(Baonghean.vn) - Chiều 18/7, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Thành, các đại biểu HĐND tỉnh thuộc đơn vị bầu cử Yên Thành, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ tiến hành thảo luận tổ.
Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ 8. Ảnh: Phạm Bằng |
Tham dự buổi thảo luận có đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các ngành TN&MT, GD&ĐT, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Hội Nông dân.
Cần thẩm định lại các xã đạt chuẩn NTM
Mở đầu buổi thảo luận, đại biểu Vương Quang Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng, UBND tỉnh cần có sự quan tâm, hỗ trợ 27 xã đã đăng ký để có thể đạt chuẩn NTM trong năm 2018 như cam kết. Bên cạnh đó, đại biểu này cho rằng, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đang có biểu hiện chững lại, một bộ phận nhân dân nhận thức rằng xã đã về đích nên việc xây dựng NTM đã hoàn thành.
Quan tâm đến vấn đề nợ đọng trong xây dựng Nông thôn mới, đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh quan tâm đến công tác kiểm soát nợ đọng, rà soát nợ đọng nông thôn mới đến thời điểm này như thế nào so với năm 2017.
Đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị UBND tỉnh rà soát nợ đọng và các giải pháp giải quyết nợ đọng trong xây dựng NTM. Ảnh: Phạm Bằng |
“Đã xuất hiện tình trạng các xã bán đất trái thẩm quyền để trả nợ xây dựng NTM. Ban đầu mới thấy ở 2 xã nhưng qua tâm tư một số đồng chí lãnh đạo xã thì nếu rà soát sẽ còn nhiều xã nữa. Đề nghị UBND tỉnh rà soát những giải pháp trả nợ nông thôn mới để chấn chỉnh những giải pháp trái quy định”, đại biểu Chung nói.
Đại biểu Thái Thị An Chung. |
Còn đại biểu Phạm Văn Hóa - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh thẳng thắn cho rằng, chất lượng nông thôn mới thì “phần ruột” chưa có nhiều, tính bền vững của nông thôn mới chưa được đảm bảo. Có nhiều tiêu chí khi thẩm định hầu như được bỏ qua không đề cập đến, nhất là tiêu chí về môi trường, thu nhập, còn tiêu chí về hệ thống chính trị đang được đánh giá theo cảm quan.
Đại biểu này đề xuất, để nâng cao chất lượng nông thôn mới đối với các xã đã đạt chuẩn cần phải tăng cường thẩm định, xét một cách chặt chẽ. Trong Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh cần bổ sung thêm thành viên là Cục Thống kê tỉnh để hướng dẫn các địa phương thực hiện, đồng thời thẩm định tiêu chí thu nhập chính xác hơn. Để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới, đại biểu Hóa đề nghị sau 5 năm cần tổ chức thẩm định lại các xã đã đạt chuẩn NTM.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, hiện toàn tỉnh đã có 181 xã đạt chuẩn nhưng ngành nông nghiệp chưa làm rõ được hiện nay các tiêu chí ở những xã này như thế nào.
"Quan điểm của UBND tỉnh là không đặt chỉ tiêu, áp lực trong kết quả đạt chuẩn NTM bởi NTM thực chất là nâng cao đời sống người dân. Nhưng trong thời gian qua, vẫn còn tình trạng chạy theo chỉ tiêu trong công tác xây dựng nông thôn mới để được đạt chuẩn. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ có đánh giá, rà soát tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới để đề ra những giải pháp tháo gỡ”, ông Đại cho biết.
Đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao đổi một số nội dung các đại biểu phản ánh. Ảnh: Phạm Bằng |
Nhiều vấn đề "nóng"
Tại buổi thảo luận, đại biểu Vương Quang Minh cho rằng, diện tích trồng rừng cơ bản đạt, tương ứng với đó là sản lượng gỗ cũng sẽ tăng so với cùng kỳ, nhưng cần phải quy đổi ra là tăng bao nhiêu ha để có sự so sánh thuyết phục hơn. Tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt tốt, nhưng việc chuyển tuyến khám chữa bệnh có hiện tượng tiêu cực đề nghị được làm rõ.
Đại biểu Thái Thị An Chung nêu lên vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỷ lệ cấp lần đầu toàn tỉnh rất cao, nhưng một số địa bàn miền núi còn đạt thấp. Về vấn đề cấp đổi, toàn tỉnh mới chỉ đạt 45% đất nông nghiệp. Hiện còn trên 120 xã chưa thực hiện xong công tác đo đạc, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa.
“Liên quan đến công tác đo đạc, lâu nay nguồn kinh phí bố trí chưa đạt theo quy định là 10% tiền sử dụng đất và cho thuê đất. Trong công tác cấp giấy, còn tình trạng đáng lo ngại là số lượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký nhưng chưa trao cho người dân. Ngay như ở Yên Thành, Nghĩa Đàn, vẫn còn khoảng 17 nghìn giấy chưa trao cho người dân. Như vậy, của cả tỉnh thì sẽ rất lớn”, đại biểu Chung nói.
Đại biểu Vương Quang Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đang có biểu hiện chững lại. Ảnh: Phạm Bằng |
Về công tác xúc tiến đầu tư, đại biểu Vương Quang Minh cho rằng, hiệu quả xúc tiến đầu tư chưa cao, nhiều dự án đăng ký nhưng không triển khai. Hạn chế này đã tồn tại trong nhiều năm và đề nghị làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan đồng thời đề nghị tỉnh thay đổi tư duy để huy động đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực.
Đại biểu Vương Quang Minh. |
Cùng với đó, tại buổi thảo luận chiều nay, các đại biểu đã đề cập đến những bất cập trong công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông. Theo các đại biểu, giải tỏa hành lang an toàn giao thông nhiều nơi làm chưa nghiêm, mặc dù có nhiều đợt ra quân rầm rộ, nhưng sau đó lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, và nhiều tuyến đường xuất hiện việc tập kết rác rất bừa bãi.
Tại phiên thảo luận, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm thì việc cấp giấy cho hộ gia đình là thẩm quyền là cấp huyện. Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều quy định, hướng dẫn thực hiện vấn đề này.
"Việc cấp đổi, đo đạc sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, khó khăn lớn nhất về kinh phí. Sở đã nhiều lần báo cáo tỉnh xin được cấp bổ sung kinh phí đo đạc và mong UBND tỉnh quan tâm cấp kinh phí để thực hiện", đại diện Sở TN&MT nói.
Đại diện Sở TN&MT trả lời một số vấn đề các đại biểu thảo luận. Ảnh: Phạm Bằng |
Đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, công tác thu hút đầu tư quan trọng nhất là triển khai, và nội dung này đang có vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, quy hoạch… đó là những rào cản trong việc thu hút đầu tư.
"Về công tác đào tạo giáo dục, Nghệ An vẫn là địa phương có truyền thống hiếu học, luôn nằm trong tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh ta đang có vấn đề, đặc biệt là khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Trường chuẩn trên địa bàn tỉnh đạt 68%, nhưng chất lượng trường chuẩn đã đạt chưa, có việc nương nhẹ trong việc thẩm định các tiêu chí hay không, cần được làm rõ”, đồng chí Phó Chủ tịch nói.
Các đại biểu cũng thảo luận rất sôi nổi nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm, xử lý ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bạo hành trẻ em, nhất là đối với trẻ em gái; giải quyết tình trạng “cò” trong đấu giá quyền sử dụng đất; nâng cao chất lượng môi trường giáo dục, chất lượng y bác sỹ.
Kết thúc buổi thảo luận, ông Nguyễn Văn Đệ đánh giá cao các ý kiến đại biểu và cho biết sẽ tiếp thu để tổng hợp chuyển HĐND tỉnh trong phiên thảo luận tại hội trường vào sáng mai (19/7)./.