Thảo luận tổ 1: Địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản chưa được hưởng lợi
(Baonghean.vn) - Đây là ý kiến của ông Ngọc Kim Nam - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương tại phiên thảo luận tổ 1 của các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử huyện Đô Lương, thị xã Thái Hòa và thị xã Hoàng Mai trong chương trình kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII được tổ chức chiều 18/7.
Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Đại tá Trần Văn Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: Thành Duy |
Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh; đồng thời nêu lên một số kiến nghị trên các lĩnh vực.
Về lĩnh vực tài nguyên - môi trường, đại biểu Ngọc Kim Nam - Bí thư Huyện ủy Đô Lương cho biết trên địa bàn huyện có nhiều mỏ cát, mỏ đá. Mặc dù huyện xử phạt liên tục song tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra và đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý về vấn đề này.
Mặt khác, ông Ngọc Kim Nam dẫn chứng, trên địa bàn xã Trù Sơn, huyện Đô Lương có 4 mỏ đá cấp cho doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, vừa rồi có tình trạng người dân địa phương chặn xe vận chuyển đá vì ô nhiễm môi trường. Còn doanh nghiệp thì cho rằng đã đóng đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định về môi trường.
Qua nhiều cuộc họp xã không giải quyết được, cấp huyện phải xuống vận động cả doanh nghiệp, huyện, xã trích kinh phí để tu bổ, nâng cấp đường…
Nêu ví dụ trên, người đứng đầu huyện Đô Lương cũng cho rằng, những đơn vị có hoạt động khai thác khoáng sản chưa được hưởng lợi vì phân bổ phí bảo vệ môi trường còn thấp.
Bí thư Huyện ủy Đô Lương Ngọc Kim Nam phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy |
Dự phiên thảo luận, đối với vấn đề phát hiện, xử lý khai thác khoáng sản trái phép, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Duy Việt cho biết: Trách nhiệm quản lý trước hết thuộc về cấp xã. Chỉ khi nào cấp xã, huyện không làm được thì cấp tỉnh mới “làm thay”.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh, các sở, ngành liên quan về cơ sở để kiểm tra, xử lý khai thác khoáng sản trái phép cũng chỉ tức thời, không lâu dài và sau đó bàn giao lại công tác quản lý cho địa phương.
Phân tích bản chất vấn đề, ông Võ Duy Việt đề nghị lãnh đạo các huyện, xã tiếp tục nâng cao trách nhiệm, quyết liệt trong phát hiện, xử lý khai thác khoáng sản trái phép, nhất là lãnh đạo huyện phải trực tiếp vào cuộc; đồng thời cũng khẳng định quan điểm, cấp tỉnh luôn đồng hành với cơ sở để xử lý hiệu quả vấn đề này.
Ông Ngọc Kim Nam - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương phát biểu ý kiến. |
Còn về vấn đề tỷ lệ phân bổ phí môi trường, đại diện Sở Tài chính dự họp cũng cho hay, theo Luật Ngân sách và tất cả các nghị định, thông tư hướng dẫn quy định phí bảo vệ môi trường là một khoản chi của cân đối chi thường xuyên để đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên của cấp huyện theo tỷ lệ điều tiết được HĐND, UBND tỉnh quy định.
Cũng tại phiên thảo luận, đại diện Sở Tài chính cũng chia sẻ quan điểm, để đảm bảo nhiệm vụ chi cho các địa phương nhằm khắc phục môi trường trên địa bàn thì một số huyện tổng hợp đề xuất gửi Sở Tài chính để đơn vị này xin ý kiến UBND tỉnh có phương án hỗ trợ thêm ngoài định mức.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Duy |
Cũng tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến của các đại biểu đề cập đến các vấn đề như tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới…
Đồng tình với ý kiến đại biểu về việc các xã có tiềm lực thì đã về đích nông thôn mới, những xã còn lại thì điều kiện khó khăn hơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đề nghị các đại biểu nên nghiên cứu, thảo luận để xem xét, đề xuất phương án giải quyết bất cập này, như có thể xây dựng, ban hành một cơ chế mới về xây dựng nông thôn mới có các xã khó khăn còn lại.