Ý kiến cử tri gửi đến phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII
(Baonghean.vn) - Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn các nội dung liên quan đến vấn đề tái định cư, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ảnh hưởng của các dự án thủy điện; chất lượng hạ tầng lưới điện; hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào đời sống. Báo Nghệ An đã ghi lại ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp.
Ông Lô Văn Thế - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳ Châu: 39 bản làng trên địa bàn chưa có điện
Ông Lô Văn Thế - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Quỳ Châu. |
Theo Quyết định 2081 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ thì trong giai đoạn 2015-2020 ngành điện lực phải đưa điện lưới về đến các thôn, bản. Tuy nhiên, hiện nay ở huyện Quỳ Châu vẫn còn 39 bản làng chưa có điện.
Để đảm bảo cuộc sống cho bà con nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện buộc phải lồng ghép sử dụng nguồn vốn của các chương trình, dự án để xây dựng trạm biến áp và kéo điện lưới đến trung tâm các xã.
Chỉ còn khoảng 1,5 năm nữa là kết thúc thời hạn phủ điện lưới đến các khu dân cư theo Quyết định 2081. Chúng tôi đề nghị ngành điện lực quan tâm giải quyết vấn đề này.
Ông Lương Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Châu Kim (Quế Phong): Dân gặp khó vì thủy điện
Lâu nay, nguồn nước từ sông Nậm Giải phục vụ tưới tiêu cho hơn 500 ha trồng lúa của các xã Châu Kim, Quế Sơn, Mường Noọc và nước sinh hoạt cho nhân dân một số bản trên địa bàn xã Châu Kim.
Ông Lương Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Châu Kim, Quế Phong. |
Trên sông Nậm Giải có Nhà máy thủy điện bản Cốc đã hoạt động trên địa bàn bản Hữu Văn của xã Châu Kim.
Mới đây phía thượng nguồn, đoạn giáp ranh giữa 2 xã Châu Kim và Nậm Giải có thêm một công trình thủy điện tiếp tục được đầu tư xây dựng nên người dân rất lo lắng.
Vì thực tế cho thấy, nhiều năm nay người dân xã Châu Kim nói chung và các bản sinh sống dọc theo sông Nậm Giải bị ảnh hưởng từ nhà máy thủy điện. Đó là tình trạng khan hiếm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, canh tác vào mùa khô hạn…
Người dân xã Châu Kim, đặc biệt là bản Hữu Văn đã đề nghị nhiều lần và mong muốn được phía nhà máy thủy điện xây dựng công trình nước tự chảy để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.
Ông Lô Văn Sơn, bản Lũng, xã Tam Thái (Tương Dương): Hệ lụy từ những công trình thủy điện
Ông Lô Văn Sơn, cử tri xã Tam Thái, huyện Tương Dương. |
Lợi ích từ các công trình thủy điện này mang lại đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của huyện miền núi Tương Dương. Tuy nhiên vẫn còn đó còn tồn tại nhiều vấn đề như có những công trình dân sinh, khu tái định cư thủy điện cho nhân dân trên địa bàn xuống cấp trầm trọng, hoặc để hoang do chất lượng công trình kém.
Ví dụ như liên quan đến thủy điện Khe Bố: đường vào các khu tái định cư cho người dân bản Cánh Tráp, xã Tam Thái cũng đã xuống cấp 3 năm nay; đoạn đường tránh ngập từ xã Tam Thái lên xã Thạch Giám cũng hư hỏng nhanh; đoạn đường thuộc địa phận bản Lau, xã Thạch Giám thì làm mãi không xong, vào mùa mưa lầy lội, sạt lở, đi lại rất khó khăn.
Cử tri rất bức xúc với tình trạng trên và đã nhiều lần nêu ý kiến, nhưng không thấy chủ đầu tư khắc phục… Thông qua kỳ họp HĐND tỉnh lần này, tôi kiến nghị: chủ đầu tư các nhà máy thủy điện cần giải quyết dứt điểm những công trình còn thi công dang dở. Cấp kinh phí duy tu, sửa chữa lại các công trình như đường, trường, trạm đã xuống cấp.
Và quan trọng nhất, chúng tôi mong mỏi nhất là mong cấp trên không cho xây thêm thủy điện nữa, vì hệ lụy đến môi trường, cấu trúc làng bản…
Ông Nguyễn Giang Hoài - Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ: Tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng để tiếp cận được chính sách về KH&CN
Ông Nguyễn Giang Hoài - Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ |
Về KH&CN điều cần nhất hiện nay là điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó cần thiết đưa doanh nghiệp, người dân tham quan, học hỏi các mô hình sáng tạo và ứng dụng KH&CN trong sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, theo tôi phải có các chính sách hỗ trợ vốn, kinh phí để đầu tư cho KH&CN và Nhà nước phải tích cực hơn trong việc tham gia vào quy trình bảo hộ, bảo vệ bản quyền đối với các sáng chế khoa học.
Hiện tại, nhà nước đã có các chính sách phát triển KH&CN từ cấp Trung ương đến địa phương và cơ sở, nhưng phải tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng để các đối tượng tiếp cận được.
Đối với các hộ nông dân, nếu yêu cầu họ giải quyết rất nhiều thủ tục hành chính, quy trình để được tiếp cận với chính sách hỗ trợ dường như là không thể.
Theo tôi áp dụng KH&CN vào sản xuất đời sống không nhất thiết phải là những thứ cao siêu, hàn lâm, bác học. Nó chỉ đơn giản là tạo ra những yếu tố mới, giá trị mới và sự khác biệt thông qua cách làm và giải pháp mới.
Có những công nghệ từ thời cổ đại bây giờ chúng ta vẫn áp dụng. Ví dụ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng nó vẫn tạo ra giá trị mới cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện đương đại, việc ứng dụng được kiến thức, tiến bộ của hàng ngàn năm trước cũng chưa hẳn là chuyện dễ.
Ông Phan Công Sỹ, xã Hưng Thông (Hưng Nguyên): Cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ nông dân khởi nghiệp
Ông Phan Công Sỹ - xã Hưng Thông (Hưng Nguyên). Ảnh: PV |
Là người nông dân gắn bó với đồng ruộng, sau nhiều lần trăn trở từ những trải nghiệm thực tế trên đồng ruộng, tôi đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy làm đất đa năng (cày, bừa, xới đất).
Công trình được giải Ba tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An năm 2018. Chúng tôi mong muốn phát triển mạnh hơn trong lĩnh vực nghiên cứu, ươm tạo sản phẩm sáng chế và ứng dụng thành quả KH&CN vào nông nghiệp, nông thôn. Để làm được điều đó rất cần việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng độ bền nhằm hoàn thiện sản phẩm.
Tôi mong muốn các cơ quan nhà nước hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm; có cơ chế chính sách, ưu tiên miễn giảm tiền thuê đất tại các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn để những nông dân như tôi có thêm điều kiện nghiên cứu, mua thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại để đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, độ bền, tạo ra nhiều sản phẩm hơn, góp phần cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn.