Nước lũ dâng cao, nhiều địa phương ở Nghệ An bị cô lập, một số hồ đập nguy cơ vỡ
(Baonghean.vn) - Mưa lớn đêm qua đã làm cho nước khe suối dâng cao, nhiều đường sá bị ngập, một số xã ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đang bị chia cắt, một số hồ đập ở Đô Lương, Thanh Chương đang có nguy cơ vỡ.
Nhiều tuyến đường huyết mạch ở Tân Kỳ ngập băng
Theo tổng hợp của phòng NN&PTNT huyện tính đến 8h30 phút ngày 19/7/2018, mưa lớn trong những ngày qua và ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 đã gây ngập 680 ha diện tích cây trồng ( trong đó lúa thu mùa là 430 ha, 250 ha rau hoa màu) và làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt; một số khu dân cư bị cô lập.
Các địa phương cử người túc trực và kiểm tra các cầu tràn. Ảnh: Cẩm Tú |
Hiện nay, trên địa bàn trời vẫn mưa, nước tiếp tục dâng cao tại các cầu tràn Khe Thần thuộc tuyến đường tỉnh lộ 534B nối liền xã Đồng Văn và xã Tiên Kỳ; cầu tràn Tân Diên nối liền xã Đồng Văn với xã Tân Hợp; tràn Khe Hao trên tuyến đường xã Tân Hợp đi Giai Xuân; tràn Bắc Sơn trên tuyến đường xã Nghĩa Phúc; tràn Khe Cầy trên tuyến đường xã Nghĩa Thái; tràn Khe Hao trên tuyến đường xã Tân Xuân và cầu Sụm thuộc xã Hương Sơn.
Xã Hương Sơn đã huy động lực lượng làm rào và cắm biển cấm qua lại tại cầu Khe Chui. Ảnh: Cẩm Tú |
Cầu Khe Chui trên trục đường Hương Phú Hành, thuộc xã Hương Sơn nước dâng cao. Ảnh: Cẩm Tú |
Xã Tân Hợp đã huy động lực lượng túc trực và sẵn sàng ứng cứu. Ảnh: Cẩm Tú |
Tràn Khe Hao, xã Tân Hợp nước dâng cao, đường bị chia cắt, xã đã cử lực lượng chốt tại đây. Ảnh: Cẩm Tú |
Nước ngập sâu gây chia cắt các địa phương, cô lập một số khu dân cư như các xóm Tân Quang, Trung Mỹ, Tân Xuân, Nam Hồng... Trước tình trạng đó, UBND các xã đã huy động lực lượng làm biển cấm qua lại và cử người túc trực 24/24h tại các cầu tràn. Lãnh đạo UBND huyện Tân Kỳ trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết và có biện pháp khắc phục để ổn định cuộc sống.
Cẩm Tú
4 xã ở Quỳ Hợp bị cô lập
Do ảnh hưởng cơn bão số 3, mưa to, lũ ở các khe, suối dâng cao làm ngập cầu vào các xóm, bản. Trước tình hình trên, Đoàn Thanh niên xã Châu Cường triển khai bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các điểm đầu cầu, treo biển cảnh báo nguy hiểm. Đồng thời tuyên truyền người dân không được ra bờ khe, suối vớt củi, xúc bắt cá, đề phòng trượt chân ngã bị lũ cuốn trôi.
Tuyến Quốc lộ 48C đoạn qua xã Châu Cường bị ngập hơn 1m chia cắt các xã Châu Cường, Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành với các xã vùng ngoài...
Hiện tại nước đầu nguồn đang đổ về mạnh, một số diện tích lúa sát khe suối bị ngập, nhiều nhà dân ở gần khe suối và những chỗ trũng thấp nước ngập vào sân. Người dân đã chủ động di chuyển đồ đạc, đến nhà người thân nơi cao ráo ở an toàn.
Nhiều tuyến đường bị chia cắt. Ảnh: Thu Hường |
Trước tình hình diễn biến khó lường do ảnh hưởng mưa lũ của hoàn lưu cơn bão số 3, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã xuống 21/21 xã, thị trấn thị sát tình hình, chỉ đạo các địa phương phải túc trực 24/24h; nhiều cầu tràn bị ngập nước phải có rào chắn cảnh báo; bố trí canh giữ không cho người dân đi vào vùng nguy hiểm.
Nước dâng vào nhà dân ở nhiều xã của Quỳ Hợp. Ảnh: Thu Hường |
Tính đến sáng 19/7, có 4 xã là Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Cường, Châu Thành bị cô lập do nước đang dâng cao.
Đoàn thanh niên huyện Quỳ Hợp cắt cử người canh gác đường bị ngập. Ảnh: Lao Thanh Chương. |
Nước lũ đang dâng cao khiến bản Mường Ham, xã Châu Cường bị chia cắt. Ảnh: Hồ Phương |
Nhiều tuyến đường huyết mạch bị cô lập Ảnh: Hồ Phương |
Nhiều diện tích lúa bị ngập. Ảnh: Hồ Phương |
Lao Thanh Chương - Thu Hường
Quế Phong di dời dân khẩn cấp
Do mưa to, nước tràn đường, chảy mạnh, đã làm chia cắt cục bộ tuyến đường Châu Kim - Nậm Giải. Tại xã Thông Thụ, vào 8h30 phút sáng nay 19/7 đã có 3 hộ dân của 2 bản Mường Piệt và Mường Phú phải di dời ra khỏi vùng lũ. Bà Lương Thị Hồng, Chủ tịch xã Thông Thụ cho biết: Hiện tại xã đã tập trung lực lượng để di dời khẩn cấp các hộ dân còn lại nằm dọc ven sông Chu, ven hồ thủy điện Hủa Na để tránh sạt lở, lũ quét.
Nước sông Nậm Việc đang dâng cao. Ảnh: Hoàng Tím |
Tại xã Hạnh Dịch, mưa bão đã làm ngập cầu tràn bản Pỏm Om, có 10 ha lúa của bản bị ngập nước. Mưa to, liên tục, nước ở các khe suối đổ về, dâng cao, ngập lên đến 1m, các bản bị chia cắt không lưu thông được. Nhiều ha lúa và ha màu bị ngập nước. Hiện, xã chỉ đạo làm các điểm chốt chặn, không cho dân qua lại, vớt gỗ.
Xã Hạnh Dịch chỉ đạo làm các điểm chốt chặn các đoạn đường ngập nước không cho dân qua lại, vớt gỗ. Ảnh: Hoàng Tím |
Về phía huyện, đã hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung phòng chống lụt bão, các đồng chí lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Quế Phong, các ngành liên quan đã chia thành nhiều đoàn, trực tiếp về cơ sở chỉ đạo nhân dân phòng tránh lũ lụt, không để thiệt hại về người và tài sản.
Lũ dâng cao ở xã Thông Thụ - Quế Phong. Ảnh: Thanh Sầm |
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Quế Phong tính đến 16h 30 ngày 19/7, hiện một số bản như: bản Pục, Méo, Piêng Lâng, xã Nậm Giải, bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, bản Tạ, xã Quang Phong đang bị chia cắt do nước lũ.
Cầu bê tông vào Nhà văn hóa bản Mường Phú, xã Thông Thụ (Quế Phong) bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Hùng Cường |
Thống kê thiệt hại, ngoài Quốc lộ 16 và 48 bị sạt lở với khối lượng trên 2.000m3,đến nay có gần 300 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, vùi lấp; hơn 20 ha ao cá bị tràn; gần 300m kênh mương bị đứt gãy, sạt lở, vùi lấp; 3 nhà dân bị sập hoàn toàn, 2 nhà dân bị ngập úng, 17 móng nhà bị sạt lở; 4 con trâu, bò bị cuốn trôi; 22 guồng nước bị trôi …
Hoàng Tím - Thanh Sầm-Hùng Cường
Đô Lương lo vỡ đập
Nhiều nhà dân ở xã Trù Sơn bị cô lập do nước ngập sâu. Ảnh: Hữu Hoàn |
Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, Đô Lương có trên 3000 ha lúa bị chìm ngập trong nước. Các xã Nhân Sơn, Mỹ Sơn, Hiến Sơn, Quang Sơn, Thái Sơn, mỗi xã ngập trên 200 ha lúa. Một số xã như Nhân Sơn, Thuận Sơn, Hiến Sơn nước bắt đầu vào nhà dân. Nhiều khu dân cư ở các xã vùng dưới đã bị chia cắt do nước ngập hoàn toàn. Nếu trời tiếp tục mưa, nước ngập lớn sẽ làm hàng nghìn ha lúa của bà con nông dân bị thối và có khả năng mất trắng.
Hiện nay, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo các xã chuẩn bị lực lượng di dời những hộ dân bị ngập nước ra khỏi vùng bị ngập úng. Tổ chức lực lượng kiểm tra hệ thống hồ đập để xử lý các vấn đề nảy sinh, đồng thời tổ chức khơi thông thoát nước để chống ngập úng cho lúa.
Đập Ô Quan có nguy cơ bị vỡ, UBND huyện Đô Lương bố trí lực lượng để bảo vệ thân đập. Ảnh: Hữu Hoàn |
Tại xã Đại Sơn, đập Ô Quan đang thi công chưa hoàn thành, có khả năng bị vỡ. Lãnh đạo UBND huyện đang chỉ đạo ban chỉ huy quân sự và điều động dân quân xã Đại Sơn cùng với đơn vị thi công thực hiện các biện pháp để bảo vệ. Xã Đại Sơn cũng đã di dời 15 hộ dân ra khỏi vùng chân đập để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân
Hữu Hoàn
Quỳnh Lưu: Nhiều cây xanh ngã đổ, một số vùng bị ngập
Trên Quốc lộ 48B đoạn qua địa bàn các xã Quỳnh Thắng, Tân Thắng (Quỳnh Lưu) do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Bão Son-Tinh) tối qua đã làm nhiều cây xanh bị gãy đổ, đặc biệt có nhiều cây to đổ gãy ngang đường gây ách tắc giao thông.
Lực lượng vũ trang huyện Quỳnh Lưu giúp dân khắc phục hậu quả sau bão. Ảnh: Thanh Toàn |
Nhằm giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão, Ban chỉ huy quân sự huyện Quỳnh Lưu đã huy động hơn 20 cán bộ, chiến sỹ đến tham gia dọn dẹp, chặt tỉa cây, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện.
Chặt tỉa cây, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: Thanh Toàn |
Hiện tại, thời tiết tiếp tục có mưa, nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ một số nơi trên địa bàn nên những ngày này, Ban CHQS huyện tổ chức ứng trực 100% quân số, phương tiện để sẵn sàng cơ động ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra với tinh thần tất cả vì nhân dân phục vụ.
Nước ngập nhiều khu dân cư ở xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Trần Vũ. |
Thanh Toàn
Tương Dương: Nước lũ đang dâng cao
Clip: Khánh Linh |
Khánh Linh
Quỳ Châu di dời 78 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm Tính đến 11h trưa 19/7, trên địa bàn huyện Quỳ Châu bị sạt lở các tuyến đường liên xã từ bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến đi bản Xăng, Cọc, xã Châu Bính; tuyến đường liên xã Châu Hội đi Châu Thuận và một số tuyến đường liên bản; Các cầu tràn tại xã Châu Tiến, Châu Phong, Châu Hội, Châu Hạnh, Châu Bính và đoạn đường 48 đoạn ngang bản Quỳnh 2 và 11 nhà tại xã Châu Bình bị ngập lụt. Hơn 572 ha lúa và 13 ha mía bị ngập, ước tính thiệt hại 900 triệu đồng.
Lực lượng chức năng cùng người dân khắc phục đoạn đường đi Châu Hội, Châu Nga. Ảnh: Kế Kiên
Hiện nay, huyện đã tiến hành di dời 78 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời cắt cử cán bộ trực chốt chặn tại các vùng ngập lụt, không để người và phương tiện qua lại.
Kế Kiên
Anh Sơn: Khu vực Thành - Bình - Thọ bị cô lậpCầu lên thôn 1 xã Thọ Sơn không thể lưu thông. Ảnh: Thái Hiền |
Ở Anh Sơn, tại địa bàn nhiều xã như Thọ Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn bị ngập lụt nặng nề. Tại xã Thọ Sơn có 2 cầu tràn là cầu tràn thôn 9 và cầu lên thôn 1 nước ngập cao không thể lưu thông. Tại xã Thành Sơn tuyến đường tỉnh lộ 534B tại Km32+150 cầu Khe San xã Thành Sơn nước dâng ngập đường 1,5m. Đây là tuyến đường nhân dân 3 xã Thành Sơn, Thọ Sơn, Bình Sơn giao thương, đi lại hàng ngày.
Nước ngập đoạn qua cầu lên thôn 1 xã Thọ Sơn |
Hiện nay, huyện Anh Sơn đang chỉ đạo các địa phương tuyên truyền người dân tuyệt đối không được đi lại cho đến khi nước rút hết, cử người trực 24/24h ở hai đầu tràn các cầu, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại.
Thái Hiền
Thanh Chương: Vỡ thân đập, lở cầu
Nước lũ chia cắt đường liên xã nối Thanh Khê - Thanh Thủy (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư |
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Thanh Chương trước và sau bão đã xảy ra mưa lớn. Sáng 19/7, nhiều tuyến đường, nhiều cụm dân cư ở các xã vùng thấp, vùng sâu đã bị chia cắt, một số đập, cầu cống đã bị hư hỏng.
Tại tràn Nhà Ông qua sông Rộ, nước dâng cao, chảy xiết đã chia cắt đường liên xã nối Thanh Khê - Thanh Thủy. Một số người dân đi xe máy qua đây đã bị nước cuốn trôi nhưng may mắn được ứng cứu kịp thời nên không thiệt hại về người và của.
Ở xã Thanh Thủy, người dân thuộc Tổng đội thanh niên xung phong 5 và 15 hộ dân sống bên kia khe Mừ đã bị cô lập do đường tổng đội và đường liên thôn đã ngập nước.
Người dân xã Thanh Ngọc (Thanh Chương) tích cực gia cố thân đập Thống Nhất. Ảnh: Huy Thư |
Cầu Bến Lội bắc qua sông Gang tại xã Ngọc Sơn đã bị nước cuốn, sập hổng một phía mô cầu khiến người và phương tiện qua cầu vô cùng nguy hiểm.
Đập Thống Nhất tại xóm Ngọc Xuân 1, xã Thanh Ngọc bị vỡ thân đập do nước dâng cao. Xã đã huy động lực lượng tổng hợp tham gia vận chuyển đất, đá gia cố thân đập kịp thời đã hạn chế được thiệt hại.
Huy Thư
Nghĩa Đàn: 4 nhà sập và tốc mái, 10 nhà bị ngập phải di dời
Theo báo cáo, toàn huyện Nghĩa Đàn có 4 nhà bị sập và tốc mái, 10 nhà bị ngập phải di dời, 5 cột điện bị gãy đổ, 15km đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng.
Về sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa mùa ở các cánh đồng, vùng trũng khe suối bị ngập úng gần 1.500ha, 140 m2 mạ bị ngập; 100ha ngô và rau màu các loại bị ngập và đổ gãy; 1.000ha cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị ngập. 50 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị tràn. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 1,5 tỷ đồng.
Cầu tràn qua xã Nghĩa Hưng bị nhấn chìm trong biển nước. Ảnh: Minh Thái |
Hiện, Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện đang phối hợp với các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Nhiều diện tích hoa màu bị ngập. Ảnh: Minh Thái |