Cử tri Nghệ An đề nghị không phát triển thêm thủy điện
(Baonghean.vn) - Chiều 19/7, tại kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra phiên chất vấn ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương liên quan đến những bất cập trong các dự án thủy điện trên địa bàn.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 47 dự án được phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất 1.407,1 MW. Trong đó có 8 dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ có công suất 1.011MW; 24 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương với tổng công suất 291,8MW; 15 dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh với tổng công suất 102,8MW.
Tuy nhiên, mới đây 15 dự án thủy điện với tổng công suất 46,15 MW do hiệu quả thấp đã được UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương loại khỏi quy hoạch. Toàn tỉnh hiện còn 32 dự án với tổng công suất 1.359,9 MW.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 32 dự án thủy điện. Ảnh: Tiến Hùng |
Người đứng đầu Sở Công Thương cho hay, trong số 32 dự án thủy điện thuộc quy hoạch được phê duyệt có 15 dự án đã vận hành phát điện với tổng công suất 855,5 MW; 9 dự án đang triển khai thi công với tổng công suất 101,4 MW.
“Có 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai với tổng công suất 327 MW, trong đó dự án thủy điện Mỹ Lý, Nậm Mô 1 đang chờ hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Lào. 3 dự án với tổng công suất là 67 MW đã có trong quy hoạch được phê duyệt nhưng chưa có chủ trương đầu tư…”, ông Tám nói.
Ông Hoàng Văn Tám trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường |
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lô Thị Kim Ngân, nêu câu hỏi “về quản lý an toàn hồ đập, Sở đã có bao nhiêu cuộc thanh tra, giám sát và đã có phát hiện nào về việc xả không đúng quy trình chưa?”.
Trả lời câu hỏi này của đại biểu Ngân, ông Hoàng Văn Tám cho rằng, quy trình xả đáy, xả lũ của các thủy điện được thực hiện theo phương án do cấp có thẩm quyền quy định. “Trong những năm qua, chỉ có nhà máy thủy điện Nậm Mô, phát hiện xả sai quy trình. Việc này sau đó đã được Sở Công Thương và UBND huyện Kỳ Sơn yêu cầu chủ đầu tư khắc phục và bồi thường cho người dân”, ông Tám nói.
Đại biểu Trần Duy Ngoãn chất vấn. Ảnh: Thành Cường |
Trong khi đó, đại biểu Trần Duy Ngoãn, cho rằng hiện nay có rất nhiều tồn tại, vướng mắc liên quan đến tái định cư cho người dân vùng thủy điện. “Tôi đã nghiên cứu kỹ giải trình bằng văn bản của giám đốc Sở nhưng vẫn chưa rõ giải pháp để giải quyết gọn những tồn tại này. Đề nghị giám đốc Sở cho biết các giải pháp cụ thể”, ông Ngoãn nói.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3 dự án thủy điện phải di dời người dân với số lượng lớn, đó là Bản Vẽ (3.002 hộ), Hủa Na (1.362 hộ) và Khe Bố (585 hộ). “Trong 3 thủy điện này, có đến 25 tồn tại vướng mắc, trong văn bản giải trình của Giám đốc Sở thì nêu tiến độ giải quyết phần lớn các tồn tại này là quý 3 và quý 4/2018. Vậy ông có cam đoan được với cử tri, với HĐND sẽ giải quyết gọn các vấn đề này trong quý 3, quý 4/2018 hay không?”, ông Ngoãn tiếp tục đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Tám không trực tiếp trả lời câu hỏi mà chỉ nêu một số vướng mắc để giải quyết tồn tại như thẩm quyền giải quyết, chủ trương chính sách thay đổi do kéo dài nhiều năm, cũng như giải pháp được dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới. “Những vấn đề này không phải mới diễn ra mà phát sinh gần 10 năm nay. Những vấn đề tồn tại đã được nhiều cấp, nhiều ngành làm việc với từng chủ đầu tư, địa phương, không phải hôm nay chúng ta mới giải quyết…”, ông Tám nói.
Đại biểu Phan Thị Thanh Thủy (Thái Hòa) đặt câu hỏi tại hội trường. Ảnh: Thành Cường |
Trong khi đó, đại biểu Đặng Quang Hồng và đại biểu Lục Thị Liên cùng cho rằng, cuộc sống tái định cư của người dân vùng thủy điện hiện nay chưa tốt. “Quan điểm của Nhà nước là đảm bảo cuộc sống tái định cư tốt hơn hoặc bằng với nơi ở cũ, nhưng phần lớn hiện nay thì ai cũng đã biết. Như vậy, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc lập dự án tái định cư như thế nào ?”, đại biểu Hồng nói.
Ngoài ra, các đại biểu còn cho rằng, có một số dự án thủy điện gây ảnh hưởng đến môi trường, sạt lở “đề nghị giám đốc Sở cho biết trách nhiệm của Sở trong việc tham mưu, cấp phép”.
Cũng tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền, cũng tham gia phát biểu, làm rõ những vướng mắc liên quan đến các dự án thủy điện. “Quá trình triển khai các dự án thủy điện trên địa bàn, cơ bản chấp hành nghiêm quy định, không xảy ra sự cố gì lớn. Chỉ có 3 dự án thủy điện tái định cư lớn, phần còn lại không có di dân hoặc di dân rất ít. Tồn đọng chủ yếu ở 3 dự án này…”, ông Điền nói.
Nhà tái định cư thủy điện Bản Vẽ đã xuống cấp nghiêm trọng sau gần 10 năm sử dụng. Ảnh: Hồ Phương |
Kết luận tại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho hay, trong các buổi tiếp xúc cử tri, có nhiều cử tri có ý kiến đề nghị không phát triển thêm thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ. Trước tình hình đó, việc phát triển thủy điện trên địa bàn sắp tới phải vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa phục vụ tốt cuộc sống người dân.
Người đứng đầu HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh, sở ngành liên quan tích cực giám sát, kiểm tra các hoạt động như xây dựng, vận hành các dự án thủy điện, tránh hệ lụy. Đồng thời thực hiện nghiêm quy tắc vận hành an toàn hồ chứa.
“Về vấn đề tái định cư, có những cái chúng ta làm chưa xong như đời sống người dân còn khó khăn, đất đai còn thiếu, nước sạch còn thiếu, hạ tầng bất cập, chính sách đền bù, hỗ trợ còn thiếu…. Đề nghị UBND tỉnh, các chủ đầu tư, chính quyền địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn để giải quyết”, Chủ tịch HĐND tỉnh nói.