Chuyện ở tiệm may “không lời“

Thanh Quỳnh 03/08/2018 09:04

(Baonghean.vn) - Nhiều năm nay, trên con đường Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh) ồn ào tấp nập, 2 cô gái ấy vẫn cần mẫn mưu sinh trong một tiệm may. Nhìn bàn tay thoăn thoắt cắt, may, thiết kế để làm ra những thành phẩm chỉn chu, xinh đẹp ít tai biết rằng, họ là những cô gái bị câm điếc bẩm sinh.

Hai số phận đặc biệt ở tiệm may “không lời”

Trong căn phòng nhỏ trên tầng 2 của một tiệm bán chăn ga gối đệm, chị Lê Thị Hải Yến (phường Quán Bàu, thành phố Vinh) đang chăm chú là ủi những tấm ga giường được cắt may cẩn thận để kịp giao cho khách hàng đúng giờ hẹn. Thi thoảng, tiếng máy may đều đặn vang lên theo bàn tay của chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (phường Lê Mao, thành phố Vinh) ở bàn bên cạnh như phá vỡ không gian yên lặng của căn phòng.

Đây là một tiệm may “đặc biệt” khi những người thợ ở đây đã bị câm bẩm sinh. Chủ tiệm may chẳng còn xa lạ với nhiều người, anh chính là Mai Hồng Quân, một trong những đại diện của tỉnh Nghệ An tham dự “Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi tiêu biểu toàn quốc”. Sau khi được anh Quân nhận vào làm tại xưởng may của mình, suốt 13 năm qua, dù không phải là người thân họ hàng nhưng hai chị đã cùng động viên, giúp đỡ lẫn nhau để trở thành những thợ may lành nghề có tiếng trên đất thành Vinh.

Được đảm nhận vị trí thợ chính của xưởng may, công việc của chị Lê Thị Hải Yến (sinh năm 1974) luôn đòi hỏi sự chỉn chu, khéo léo qua từng sản phẩm. 13 măm qua, chị vẫn luôn miệt mài để làm ra những sản phẩm khiến nhiều khách hàng ưng ý. Từ đó, chị có thêm kinh phí để trang trải cơm áo gạo tiền, không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn giúp đỡ cho gia đình, bố mẹ.

Sinh ra đã mất đi thính lực và không thể nói, tuy vậy, nỗi khát khao được đến trường để học chữ luôn âm ỉ cháy trong lòng chị. Vì vậy chị đã quyết tâm thuyết phục bố mẹ cho mình được đến Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh để học tập. Khi đã có nghề cầm tay, chị xin được làm may gia công tại chợ Vinh.

Những ngày đầu làm việc, chị không thể nào giao tiếp với khách hàng bình thường được nên phải dùng giấy viết. Ngày mới đi làm, cũng có khi làm không vừa lòng khách, bị mắng, chị cũng rất tủi thân. Đó cũng là thời gian sự mặc cảm, tự ti lên đến tận cùng, khiến cô gái nhỏ nhắn muốn rời bỏ sự sống.

Chỉ khi được nhận vào xưởng của anh Quân, nơi chị tìm được sự đồng cảm, sẻ chia của những người cùng cảnh ngộ, chị mới thực sự tìm được một chốn nương tựa ấm áp, quên đi mặc cảm của bản thân.

Là thợ chính nên có những hôm cắm cúi vào bàn cắt rồi lại khâu, máy từ sáng đến tối mịt mới xong hàng, mọi người thương bảo nghỉ, chị cũng chỉ cười. Cố gắng rèn luyện tay nghề của mình để sau một thời gian ngắn, chị đã thuần thục trong việc trong mọi thiết kế, kể cả những công đoạn khó nhất.

Vào sau chị Yến một thời gian, Nguyễn Thị Cẩm Vân (sinh năm 1986) cũng mang trong mình những khuyết tật bẩm sinh. Tuy nhiên, khác với chị Yến, khi tìm đến xưởng may để xin việc, chị Vân chưa hề có kinh nghiệm với nghề, mọi thứ đều bắt đầu từ con số không.

Hiểu được sự vất vả của Vân, thời gian này, chị Yến vừa là người bạn, người chị để động viên, an ủi, đồng thời cũng là người thầy tận tâm chỉ dạy chị Vân từng chi tiết. Dần dà, những sản phẩm do chị Vân làm ra đã khiến nhiều khách hàng hài lòng, khen ngợi.

Chính nhờ sự cẩn thận, tỉ mỉ, nghiêm túc với công việc mà tay nghề của hai chị ngày càng được khẳng định, nhiều khách hàng trong, ngoài thành phố tin tưởng để đặt nhiều mẫu sản phẩm có giá trị cao. Từ nguồn thu nhập có được, hai chị không chỉ nuôi sống được bản thân mà còn hỗ trợ người thân, gia đình.

Hạnh phúc nở hoa

Nở nụ cười hạnh phúc khi hồi tưởng lại mối lương duyên của mình, chị Vân tâm sự bằng… tay mà tôi phải nghe qua “phiên dịch”. Trong quãng thời gian làm việc tại tiệm may, chị đã gặp chồng mình là anh Phạm Văn Khánh. Anh cũng là người bị câm điếc bẩm sinh.

Tình yêu đơm hoa, kết trái, và họ đi đến quyết định cùng nhau xây tổ ấm. Mới đầu gia đình hai bên cũng nghi ngại vì lo anh chị sẽ cực khổ khi cả hai đều khiếm khuyết như vậy rồi tương lai sẽ ra sao. Nhưng với quyết tâm của đôi trẻ, gia đình hai bên cũng hết lòng ủng hộ. Một đám cưới giản dị, ấm cúng diễn ra trong niềm vui vô bờ và những giọt nước mắt mừng, tủi của người thân.

Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi vợ chồng chị cưới nhau nhưng chẳng thể có con. Tiếp theo những tháng ngày sau đó là nhiều lần vào – ra bệnh viện. Hành trình tìm con tưởng chừng như vô vọng sau những cái lắc đầu của bác sỹ. Những đêm ở bệnh viện là những đêm kéo dài trong nước mắt và nỗi đau tận cùng khi hy vọng ngày càng mỏng manh.

Hành trình chiến đấu với bệnh tật để thực hiện thiên chức làm mẹ, làm bố tưởng chừng như kéo dài trong vô vọng. Nhưng một người phụ nữ yếu mềm, bị câm, điếc từ nhỏ ấy vẫn cố gắng vượt qua. Rồi niềm hạnh phúc vỡ òa khi năm 2015, Vân mang thai và hạ sinh con gái đầu lòng.

Trở dạ ở tháng thứ 9, lúc chị nhập viện cả gia đình hai bên cùng bạn bè đều “nín thở”. Nhưng tất cả đều thở phào nhẹ nhõm khi bé gái đầu lòng cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh và bình thường. Cho đến khi biết con mình vẫn có thể nghe và nói, chị mừng đến nước mắt. Cô con gái bé bỏng xinh xắn ấy trở thành nguồn vui sống lớn nhất đối với vợ chồng anh chị.

Như sự sắp đặt của số phận, chị Yến cũng gặp chồng mình trong một cuộc tụ họp bạn bè. Chồng chị cũng là người câm điếc, anh làm nghề cắt tóc ở huyện Diễn Châu. Nhưng vượt qua sự cách xa địa lý, sự khiếm khuyết của bản thân, hai anh chị đã quyết định về chung một nhà.

Giờ đây, hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi hai anh chị đã có chung một cậu con trai 14 tuổi vô cùng kháu khỉnh, nhanh nhẹn. Tự hào hơn, em còn đạt danh hiệu học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Dù tuổi còn nhỏ nhưng em đã có ý thức giúp đỡ bố mẹ trong những công việc hằng ngày.

Ôm con vào lòng, chị Yến nở một nụ cười mãn nguyện. Cho dù trước mắt hai vợ chồng họ vẫn còn đó những khó khăn nhưng bằng tất cả niềm tin, nghị lực họ sẽ vượt qua tất cả để vun đắp cho mái ấm của mình. Bởi như chị vẫn thường chia sẻ “hạnh phúc đã thực sự nở hoa” trong cuộc đời mình.

Thanh Quỳnh