Truyền thông Triều Tiên nhấn mạnh ý nghĩa của tuyên bố kết thúc chiến tranh

PV 23/07/2018 09:17

Ngày 23/7, các phương tiện truyền thông Triều Tiên đã gia tăng các lời yêu cầu Hàn Quốc thực hiện thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều nhằm hướng tới việc tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, gọi đây là một “nhiệm vụ lịch sử" không thể bị trì hoãn thêm nữa.

Kết quả hình ảnh cho Phái đoàn Hàn Quốc (trái) và Triều Tiên (phải) tại cuộc hội đàm ở làng đình chiến Panmunjom ngày 1/6.
Phái đoàn Hàn Quốc (trái) và Triều Tiên (phải) tại cuộc hội đàm ở làng đình chiến Panmunjom ngày 1/6. Ảnh: Yonhap

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, Uriminzokkiri, trang web tuyên truyền đối ngoại của Triều Tiên bằng tiếng Anh, đăng bài có đoạn viết: “Do chính quyền Hàn Quốc cũng có nghĩa vụ tiến hành những gì đã nhất trí trong Tuyên bố Panmunjom nên Hàn Quốc không nên không làm gì… Đây là một nhiệm vụ lịch sử không thể bị trì hoãn nữa để xây dựng nền hòa bình vững chắc bằng cách chấm dứt tình trạng đình chiến bất bình thường hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên”.

Trong khi đó, Meari, một trang web tuyên truyền khác của Triều Tiên, cũng hối thúc chính quyền Seoul "thực hiện phần việc của mình" trong hướng tới tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Trang web này cho rằng thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 sẽ mất đi ý nghĩa của nó nếu chính quyền Hàn Quốc không hành động.

Trước đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí sẽ chính thức kết thúc cuộc chiến này trong năm nay, thay thế hiệp ước đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi năm nay đánh dấu 65 năm Hiệp định Đình chiến. Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tích cực tổ chức các cuộc họp ba bên - với sự tham gia của Seoul, Bình Nhưỡng và Mỹ, hoặc các cuộc họp bốn bên với sự tham dự của hai miền Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc với mục tiêu chấm dứt chiến tranh và thiết lập một chế độ hòa bình lâu dài, bền vững.

Trong quan hệ liên Triều, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí nỗ lực nhanh chóng giải quyết các vấn đề nhân đạo, vốn nảy sinh từ việc đất nước bị chia cắt, và sẽ tổ chức Hội nghị Chữ Thập đỏ liên Triều để thảo luận cũng như giải quyết nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề đoàn tụ các gia đình bị ly tán. Theo đó, Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí đẩy mạnh các chương trình đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Dân tộc 15/8 năm nay.

PV