Hơn 70 dịch vụ y tế giảm giá từ 15/7/218: Ai mừng ai lo?

Hương Giang 23/07/2018 10:07

Từ ngày 15/7, Thông tư 15 của Bộ Y tế về điều chỉnh giá dịch vụ y tế có hiệu lực. Có hơn 70 dịch vụ được giảm giá so với trước đây.

Người dân lo ngại, giá dịch vụ y tế giảm, chất lượng khám chữa bệnh liệu có giảm? Còn các bệnh viện thì lo không đảm bảo nguồn thu.

Lo chất lượng dịch vụ giảm

Trong việc điều chỉnh giá lần này có hơn 70 dịch vụ và kỹ thuật, xét nghiệm bình quân giảm từ 6-24%, có dịch vụ giá giảm gần 50% như: nội soi tai mũi họng, phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện… Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa…

Lần điều chỉnh này cũng tăng giá 9 dịch vụ, gồm 7 giá ngày giường, chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu (bình quân tăng 5%) và 2 dịch vụ xét nghiệm. Thông tư này cũng quy định các bệnh viện phải bố trí nhân lực đảm bảo mỗi bàn khám không quá 65 lượt mỗi ngày. Nếu vượt quá, cơ quan BHXH chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh…

Người có bảo hiểm y tế hưởng lợi trong việc giảm giá dịch vụ y tế. Ảnh: Trube

Nhiều dịch vụ được giảm giá là những dịch vụ có tần suất khám chữa bệnh nhiều, khiến người bệnh rất phấn khởi. Chị Đỗ Ngọc Thúy ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, 2 con chị bị viêm họng mãn tính, cứ trái gió trở trời lại tốn tiền khám và nội soi, giờ mức giá này giảm nhiều nên chị rất mừng. Còn với những gia đình có BN suy thận, khi giá dịch vụ y tế giảm, mỗi tháng chỉ tốn khoảng 500.000 đồng thay vì trước đây phải trả hơn 1 triệu đồng. “Tuy nhiên, nếu giá dịch vụ giảm mà chất lượng phục vụ cũng giảm thì tôi lo nhiều hơn mừng”, chị Thúy nói.

Chị Nguyễn Thị Tố Uyên, quận Tân Bình, TP. HCM cũng lo ngại, giá dịch vụ giảm thì nguồn thu của bệnh viện sẽ giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của bác sĩ. Như vậy, bác sĩ giỏi sẽ rời bỏ bệnh viện công có thu nhập thấp đến các bệnh viện tư có mức lương cao hơn. Cuối cùng, người dân đi khám sẽ thiệt thòi. Hơn nữa, việc nhiều loại xét nghiệm giảm giá cũng khiến người bệnh lo bị cắt giảm các xét nghiệm cần thiết, ảnh hưởng đến chất lượng chẩn đoán bệnh.

Bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để tự cứu mình

Việc giảm giá dịch vụ y tế lần này sẽ khiến nguồn thu của các bệnh viện giảm đáng kể trong khi lương cơ bản theo quy định của Chính phủ bắt đầu tăng từ ngày 1/7 là nỗi lo của nhiều bệnh viện. Việc tài chính phải cân đối như thế nào trong khi lương của anh em không thể cắt - là bài toán khó mà các bệnh viện sẽ phải gồng mình tính toán để cân đối thu chi.

Theo ông Lê Minh Quang, PGĐ BV Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng, trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng 1.000 lượt khám bệnh và 700 lượt BN điều trị nội trú (nhiều hơn so với các bệnh viện tuyến tỉnh hạng 1 khác). Với giá dịch vụ giảm lần này, thu nhập của BV sẽ giảm 2-3 tỷ đồng/tháng.

“Đợt tăng lương này chỉ tính mức lương cơ sở, mỗi tháng BV phải tăng khoảng 700 triệu đồng để trả lương cho cán bộ công nhân viên. Chúng tôi chỉ còn cách tiết kiệm chi tiêu và phải nâng cao chất lượng từ dịch vụ đến khám, chữa bệnh để thu hút người bệnh thì mới tự cứu được mình”, ông Lê Minh Quang cho hay.

Một số lãnh đạo bệnh viện cũng cho biết, đợt giảm giá lần này có lẽ ảnh hưởng nhiều nhất là các BV tuyến dưới, vì mức tiền khám giảm và các dịch vụ y tế giảm khi hầu hết các BV được giao tự chủ.

Ông Nhâm sĩ Đức, Giám đốc chuyên môn BV đa khoa Lâm Hoa, Thái Bình, bộc bạch: “Với bệnh viện tư nhân, toàn bộ chi phí kết cấu BV chúng tôi phải vay vốn ngân hàng từ 100 - 200 tỷ thì bài toán đau đầu nhất là hằng năm phải tính toán trả một phần gốc và tiền lãi suất, còn lại sẽ giống với BV công lập. Khó khăn rất nhiều nên chỉ còn cách đảm bảo chất lượng dịch vụ, tạo uy tín và thương hiệu để thu hút người bệnh”.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cũng cho rằng, người dân lo lắng giảm giá dịch vụ ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh chỉ là vấn đề tâm lý. Bệnh viện Bạch Mai lúc nào cũng duy trì, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

“Để duy trì chất lượng khám chữa bệnh như trước đây, bệnh viện sẽ có thang điểm đánh giá hằng tháng, hằng quý và có điều chỉnh cho thích hợp. Đợt này chỉ điều chỉnh giá 88 trên hàng nghìn dịch vụ thì không ảnh hưởng tới chất lượng”, ông Hiền khẳng định.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Thông tư 15 là bước ngoặt quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, làm tăng quyền lợi của người sử dụng BHYT, đồng thời khuyến khích các cơ sở y tế tuyến dưới phát triển trình độ chuyên môn cũng như trang thiết bị y tế, tự cân đối thu chi và hạn chế chỉ định kỹ thuật cũng như thủ thuật không cần thiết./.

Hương Giang