Tránh hành chính hóa công tác dân vận; cần tăng việc làm cho người dân vùng nông thôn

Hoài Thu 23/07/2018 12:27

(Baonghean.vn) - Các vấn đề sáp nhập cơ học đối với các đơn vị cấp xã, xóm, giải quyết việc làm cho người dân vùng nông thôn, miền núi, tăng tiếp xúc đối thoại... là những nội dung được nhiều đại biểu phản ánh, đề nghị tại cuộc họp lấy ý kiến góp ý, thảo luận về thực hiện công tác dân vận trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Sáng 23/7, đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì cuộc làm việc lấy ý kiến, thảo luận về thực hiện công tác dân vận trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo buổi thảo luận.

Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh; ban dân vận các huyện, thành, thị và đại diện thường trực các huyện: Đô Lương, Yên Thành, Nghĩa Đàn; thị xã Hoàng Mai; Đảng ủy Trường Đại học Vinh. Ảnh: Hoài Thu.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác dân vận, góp phần thực hiện các chỉ tiêu, nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, các đại biểu đã có nhiều ý kiến phản ánh, góp ý được người chủ trì đánh giá cao. Trong đó, một số nội dung được nhiều người đề cập đó là làm thế nào để nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, tạo công ăn việc làm để người dân an cư lạc nghiệp thì mới giúp các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, làm tốt công tác dân vận.

Về các giải pháp cụ thể, ông Ngọc Kim Nam - Bí thư Huyện ủy Đô Lương đề nghị cần tăng cường đưa công nghiệp về nông thôn để góp phần giải quyết việc làm, giúp người dân không phải ly hương đi làm ăn xa, góp phần duy trì an ninh trật tự, phát triển kinh tế , xã hội cho địa phương. Bí thư Huyện ủy Đô Lương cũng đề nghị, để tăng hiệu quả công tác dân vận thì các cấp chính quyền cần có cơ chế, biện pháp trong phát huy vai trò người đứng đầu, nhất là trong tiếp xúc đối thoại với nhân dân.

Ông Hoàng Văn Bốn - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Diễn Châu phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hoài Thu.

Cùng quan điểm này, ông Hoàng Văn Bốn - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Diễn Châu nêu, nhân dân và cán bộ cơ sở vẫn còn rất băn khoăn về vấn đề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; đề nghị đẩy mạnh hơn nữa công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nông để tạo việc làm, thu nhập cho người dân, giúp họ yên tâm.

Lãnh đạo Thị xã Thái Hòa, Trưởng ban Dân vận các huyện Quỳ Châu, Quế Phong cũng đề nghị tăng cường các giải pháp tạo việc làm cho người dân vùng nông thôn, đặc biệt ở các huyện miền núi. Ông Mạc Đăng Khuê - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong cho rằng, hiện nay việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho các huyện nghèo chưa hợp lý, ví như vấn đề cấp cây, con giống có nơi chưa hiệu quả. Một số chính sách hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, xã nghèo hiện nay khiến các đối tượng không muốn thoát nghèo, xem việc được công nhận hộ nghèo là để thụ hưởng, chưa khuyến khích được người dân vươn lên thoát nghèo.

“Đối với vùng miền núi hiện nay căng thẳng nhất là vấn đề việc làm, và chưa có hướng đi nào thực sự hiệu quả khi mà nguồn lực cả về quỹ đất cũng rất hạn chế, người dân không có đất sản xuất, không có ngành nghề ổn định. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho công tác dân vận, cho việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở” - ông Mạc Đăng Khuê nói.

Chăn nuôi là một trong những hướng phát triển kinh tế chính của người dân các huyện miền núi. Ảnh: Hoài Thu.

Một nội dung khác được nhiều ý kiến góp ý đó là việc sáp nhập các đơn vị cấp xã, xóm. Ý kiến ông Phan Tiến Hải – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn, bà Lữ Thị Thủy - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Quỳ Châu, đều cho rằng vấn đề sáp nhập đơn vị xã, bản đối với vùng miền núi gặp rất nhiều khó khăn do tính chất đặc thù, vì vậy đề nghị cấp trên bổ sung việc xem xét tình hình cơ sở để đưa ra hướng dẫn, chỉ đạo hiệu quả, vừa đảm bảo quy định vừa đảm bảo dân chủ, không thuần túy sáp nhập cơ học.

Ngoài ra, nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu phản ánh, đề xuất bổ sung các giải pháp thực hiện, khắc phục các vấn đề như: các dự án thu hút đầu tư chưa đạt hiệu quả cao, chưa có dự án lớn; việc luân chuyển nhân sự ban dân vận còn chưa phù hợp, chưa có chế độ hỗ trợ phù hợp cho cán bộ dân vận các cấp. Việc chỉ đạo, xử lý các vấn đề tôn giáo cần phải dứt khoát hơn nữa, tránh bức xúc trong nhân dân. Phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội.

Việc thực hiện quy chế dân chủ một số nơi có biểu hiện hình thức; đề nghị đổi mới trong cách thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, tránh hành chính hóa công tác dân vận, tránh tình trạng “cầu nối” giữa Đảng với dân không được bắc bằng con người thực. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện vai trò người đứng đầu trong tiếp xúc đối thoại với nhân dân…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kết luận các nội dung làm việc. Ảnh: Hoài Thu.

Bên cạnh đó, một số đại biểu khác cũng nêu băn khoăn về khó khăn trong hoàn thành các chỉ tiêu KT - XH theo NQ 26-NQ/TW đặt ra cho Nghệ An như về thu nhập bình quân đầu người, tốc độ phát triển kinh tế, tổng thu ngân sách; tình trạng có biểu hiện giảm sút niềm tin của nhân dân vào cán bộ, đảng viên hiện nay cần phải xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, ngăn chặn…

Buổi làm việc đã có 14 lượt ý kiến phát biểu, góp ý. Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đề nghị tổ thư ký tiếp thu, tổng hợp các ý kiến một cách chắt lọc chính xác, khoa học thành bản dự thảo chất lượng đối với 2 nội dung về nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW đối với công tác dân vận.

Trong đó chú ý tập trung các nội dung như sự đánh giá của nhân dân đối với kết quả thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị; các kiến nghị đề xuất bổ sung về nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng; các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Hoài Thu