Trump: Tôi không nhượng bộ Putin; Bê bối vaccine ở Trung Quốc

Hữu Quân 24/07/2018 06:35

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều tin tức nổi bật như: TT Trump: Tôi không nhượng bộ gì trong cuộc gặp với TT Putin; Nga triệt phá một đường dây buôn lậu vũ khí từ EU; Trung Quốc chấn động vì vụ bê bối vaccine gây ảnh hưởng sức khỏe trẻ em; Philippines sẽ theo đuổi không ngừng cuộc chiến chống ma túy...

TT Trump: Tôi không nhượng bộ gì trong cuộc gặp với TT Putin

TT Trump: Toi khong nhuong bo gi trong cuoc gap voi TT Putin hinh anh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Helsinki hôm 16/7. Ảnh: BBC

Tổng thống Trump cáo buộc truyền thông Mỹ bịa đặt về việc ông thất thế trong cuộc gặp với Tổng thống Putin và cho biết không nhượng bộ gì trước lãnh đạo nước Nga.

"Hãy nhớ là tôi không nhượng bộ gì cả, chúng tôi hầu như chỉ nói về những lợi ích trong tương lai cho cả hai nước", Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trên Twitter hôm 23/7. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump không cho biết cụ thể hai nhà lãnh đạo đã thảo luận những vấn đề gì.

Cũng trong chia sẻ trên Twitter này, ông chủ Nhà Trắng một lần nữa sử dụng cụm từ "tin giả" (Fake News) khi miêu tả việc một số hãng thông tấn Mỹ nhận định ông Trump đã "nhượng bộ" trong cuộc gặp với Tổng thống Putin.

Nga triệt phá một đường dây buôn lậu vũ khí từ EU

Chú thích ảnh
Nga triệt phá một đường dây buôn lậu vũ khí từ EU. Ảnh: sputniknews.com

Bộ phận báo chí của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 23/7 thông báo FSB phối hợp với Bộ Nội vụ và Lực lượng Vệ binh Quốc gia nước này đã tiến hành chiến dịch ngăn chặn những kênh cung cấp vũ khí từ các nước Liên minh châu Âu (EU) sang Nga, bắt giữ nhiều đối tượng buôn lậu vũ khí liên quan.

Các lực lượng an ninh Nga đã thu giữ 380 khẩu súng các loại, trong đó có súng cối 45mm, súng phóng lựu đạn, thiết bị nổ tự chế, 15 quả lựu đạn, cùng nhiều loại vũ khí sát thương khác.

Triều Tiên muốn Mỹ hành động cụ thể trước khi tiến hành phi hạt nhân hóa

trieu tien muon my hanh dong cu the truoc khi tien hanh phi hat nhan hoa hinh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử tại Singapore. Ảnh: AFP/Getty

CNN dẫn nguồn thạo tin trong vấn đề Triều Tiên cho biết, nếu Mỹ sẵn lòng thay thế Hiệp định đình chiến ký kết sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) bằng một Hiệp ước hòa bình vĩnh viễn, thì chính quyền tại Bình Nhưỡng của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải được đảm bảo an toàn. Song ngược lại nếu Mỹ không sẵn lòng, thì Triều Tiên sẽ không tiếp tục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.

Phía Triều Tiên đang “gây sức ép” với chính quyền của Tổng thống Donald Trump, với yêu cầu Mỹ phải bắt đầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đáp lại những động thái mà phía Bình Nhưỡng cho là họ đã làm “quá nhiều”, từ việc ngừng thử hạt nhân và tên lửa, tới dỡ bỏ một trong những bãi thử hạt nhân hay đang thúc đẩy việc bàn giao hài cốt binh sĩ Mỹ tử trận trong cuộc chiến 1950-1953.

Một quan chức Mỹ cho biết, cá nhân ông Trump đã thể hiện thất vọng khi thấy tiến triển trong đàm phán Mỹ-Triều là không đủ. Dù vậy, Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định việc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân và tên lửa là một tín hiệu tích cực.

Israel kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở biên giới với Syria

Chú thích ảnh
Hệ thống Sling của David bắn một tên lửa thử nghiệm, năm 2015. Ảnh: haaretz.com

Ngày 23/7, Israel đã kích hoạt hệ thống phòng không mới nhất của mình ở biên giới với Syria, nơi các lực lượng Chính phủ Syria đã giành chiến thắng trước lực lượng nổi dậy.

Trong một dấu hiệu căng thẳng leo thang, Israel đã phóng hai tên lửa bằng hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung David's Sling (Ná của David) để đánh chặn các rocket mà quân đội Israel nói là rơi vào lãnh thổ Syria.

Trung Quốc chấn động vì vụ bê bối vaccine gây ảnh hưởng sức khỏe trẻ em

Số vacine rởm được tiêm chủng cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Ảnh: Reuters.

Số vaccine rởm được tiêm chủng cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Ảnh: Reuters

Ngày 23/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã yêu cầu các cơ quan chức năng của nước này phải tiến hành điều tra ngay lập tức đối với công ty sản xuất thuốc vaccine Trường Sinh (Changsheng Biotechnology Co), có trụ sở ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, do vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn trong sản xuất vaccine phòng bệnh dại ở người.

Trước đó, ngày 16/7, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (FDA) đã phát hiện dữ liệu và hồ sơ giả về việc sản xuất 113.000 liều vaccine phòng bệnh dại của công ty Trường Sinh trong một cuộc kiểm tra đột xuất.

Vi phạm này nghiêm trọng đến mức cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc đã phải thu hồi giấy phép sản xuất vaccine phòng dại và tiến hành điều tra hình sự.

Tổng thống R.Duterte: Philippines sẽ theo đuổi không ngừng cuộc chiến chống ma túy

Chú thích ảnh
Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đọc Thông điệp quốc gia thường niên trước Quốc hội, trong đó cam kết theo đuổi đến cùng cuộc chiến chống ma túy. Nhà lãnh đạo Philippines khẳng định cuộc chiến này sẽ "tàn nhẫn và khốc liệt" như trước đây.

Cảnh sát Philippines đã tiêu diệt hơn 4.500 nghi can buôn ma túy và sử dụng ma túy kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền. Ngoài ra, còn hàng nghìn người nữa bị những tay súng không rõ danh tính sát hại mà giới chức Philippines cho là "đội viên dân phòng" hoặc các thành viên băng nhóm đối thủ.

Đánh bom vào nhà thờ Hồi giáo ở Nigeria, ít nhất 8 người chết

Ngày 23/7, một vụ đánh bom liều chết xảy ra tại khu vực Mainari thuộc Konduga, bang Borno ở Đông Bắc Nigeria.

Một người đàn ông đã bước vào thánh đường Hồi giáo vào khoảng 5 giờ 15 phút theo giờ địa phương và kích hoạt thiết bị nổ trên người, khiến 8 người cầu nguyện thiệt mạng và 5 người khác bị thương.

Các vụ đánh bom liều chết nhằm vào các mục tiêu dân sự như thánh đường, các khu chợ và trạm xe buýt thường do nhóm vũ trang Boko Haram tiến hành.

Tù nhân Indonesia hối lộ giới chức để ở nhà tù sang như khách sạn

Giới chức Indonesia đứng cạnh các tang vật thu được tù nhà tùSukamiskin hôm qua. Ảnh: AFP

Giới chức Indonesia đứng cạnh các tang vật thu được từ nhà tù Sukamiskin hôm 22/7. Ảnh: AFP

AFP dẫn tin từ Ủy ban Chống Tham nhũng Indonesia (KPK) cho hay các tù nhân tại nhà tù Sukamiskin ở thành phố Bandung được sống trong những căn phòng có điều hòa nhiệt độ, TV màn hình phẳng và phòng tắm riêng.

Họ được cho là đã hối lộ các quan chức nhà tù 200 - 500 triệu rupiah (14.000 - 35.000 USD) để cải tạo các buồng giam, được sử dụng điện thoại di động và thậm chí được tạm thời rời khỏi nhà tù.

KPK đã bắt giữ 5 người liên quan tới bê bối tham nhũng mới nhất này, trong đó có các tù nhân và một người cai ngục đã nhận hối lộ tiền mặt cùng hai chiếc xe hơi.

"Chúng tôi xin lỗi người dân Indonesia", Sri Puguh Budi Utami, tổng giám đốc các nhà tù Indonesia nói. "Chúng tôi rất xin lỗi vì vẫn không thể tối đa hóa hệ thống giám sát của mình".

Nhật Bản mở lại các bãi biển bị ảnh hưởng bởi thảm họa sóng thần năm 2011

Chú thích ảnh
Người dân đi bộ trên bãi biển tại một công viên bên bờ biển ở Tokyo vào ngày 22/7/2018. Ảnh: liberiadispatch.com

Sau nhiều năm nỗ lực tái thiết, giới chức Nhật Bản ngày 23/7 thông báo đã mở lại các bãi biển ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi trận sóng thần năm 2011 dẫn đến thảm họa hạt nhân Fukushima.

Giới chức tỉnh Fukushima bày tỏ hy vọng việc mở lại bãi biển Haragamaobama sẽ giúp thay đổi nhìn nhận đối với khu vực bị tác động nghiêm trọng bởi thảm họa này cách đây 7 năm.

Bãi biển Haragamaobama ở thành phố Soma, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 40 km về phía Bắc, là bãi biển ở vị trí gần nhà máy này nhất trong số 4 bãi biển mà tỉnh Fukushima đã mở lại.

Hữu Quân