Vợ chồng trẻ bỏ việc nhà nước vào Cồn Ma làm giàu

Quỳnh Thanh 02/10/2018 09:31

(Baonghean.vn) - ​Vùng đất Cồn Ma (xóm Văn Đông, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu - Nghệ An) giờ đây đã phủ một màu xanh tốt tươi của dưa lưới, dưa leo, hành tăm và bắp cải. Hơn 3,5 ha rau củ đó là thành quả lao động của vợ chồng anh Hồ Phúc Hoàng, những người bỏ công việc nhà nước để gắn bó với nghề nông.

Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Nhân giống thủy sản của Trường Cao đẳng Nuôi trồng thủy sản vào năm 2010, anh Hồ Phúc Hoàng (sinh năm 1987) được nhận vào làm tại Trung tâm giống Thủy sản Nghệ An (Sở Nông nghiệp Nghệ An).

Công việc ổn định, anh kết hôn cùng vợ là chị Hồ Thị Tiến (sinh năm 1990), tốt nghiệp Khoa Dược hệ cao đẳng của Đại học Y khoa Vinh. Lúc này, chị đã được nhận vào làm tại Trạm Y tế xã Quỳnh Bảng.

Thời điểm đó, gia đình anh Hoàng, chị Tiến đã từng là niềm ao ước của nhiều người khi tìm được công việc ổn định.

trang
Vợ chồng anh Hoàng, chị Tiến từng là công chức nhà nước nhưng xin nghỉ về làm giàu bằng nghề nông. Ảnh: Quỳnh Thanh

Thế nhưng, nhận thấy nhiều thanh niên địa phương nhờ tận dụng những tiềm năng, lợi thế đất đai làm giàu, anh Hoàng bàn với vợ thử "liều làm giàu", tìm bước đột phá bằng kinh tế trang trại.

Cuối năm 2013, cả 2 đã quyết định nghỉ việc tại cơ quan để thuê hơn 3,5 ha ở Cồn Ma phát triển trang trại. Thời điểm đó, Cồn Ma chỉ là bãi đất hoang hóa, là nơi tập trung rác thải. Cùng với đó, nguồn nước tưới khan hiếm khiến cho ý tưởng triển khai canh tác rau màu của hai vợ chồng vấp phải sự phản đối của người thân, bạn bè.

Đầu năm 2014, vợ chồng anh Hoàng bắt tay vào cải tạo vùng đất cằn thành trang trại tập trung theo hướng hữu cơ. Để tạo nguồn nước, anh chị phải khoan 4 giếng cùng hệ thống 20 đường ống dẫn nước điều tiết tưới tiêu.

Cùng đó, vợ chồng anh đầu tư xây dựng gần 1.000 cọc bê tông và giàn thép để phát triển diện tích trồng gấc và dược liệu. Sau vụ đầu tiên, gấc và dược liệu cho thu hoạch với sản lượng gần chục tấn.

Tuy nhiên, sản phẩm làm ra không tìm được thị trường tiêu thụ nên chất thành từng ụ cao để ủ phân khiến cho vợ chồng trẻ ngậm ngùi cay đắng. Cùng với đó, việc tiếp cận với nông nghiệp hữu cơ bằng những kiến thức chắp vá khiến anh chị bị thua lỗ nặng.

hoàng
Một phần nhỏ diện tích đất trang trại của vợ chồng anh Hoàng, chị Tiến tại Cồn Ma (Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu). Ảnh: Quỳnh Thanh

Thất bại đầu tiên là bài học quý giá giúp anh chị nhận ra rằng làm nông nghiệp không thể ồ ạt mà phải có sự cân nhắc, tính toán chi li. Gạt bỏ gánh nặng tâm lý về khoản nợ đã lên tới gần trăm triệu, hai vợ chồng trẻ càng thêm quyết tâm làm lại từ đầu.

Thời điểm năm 2015, khi huyện có chủ trương xây dựng mô hình điểm để phát triển công nghệ trồng rau trong nhà màng, anh chị ngay lập tức đăng ký để trở thành hộ tiên phong áp dụng phương pháp này.

Bằng kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình tạo giống vi sinh để phòng bệnh cho vật nuôi tại Sở Thủy sản, lại có vợ vững vàng chuyên môn về dược nên anh Hoàng quyết định tự ủ phân hữu cơ.

Sau khi đặt mua vi sinh gốc, anh sử dụng dung môi tự nhiên từ nước, dấm, đường… để nhân giống vi sinh thành số lượng lớn. Khi đã có đủ lượng men vi sinh, anh chị tiến hành thu mua các phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, cồi rau… về ủ thành phân. Lượng phân bón này vừa cung cấp chất dinh dưỡng lại giúp cây trồng chống lại các mầm bệnh, đặc biệt là nấm. Nhờ vậy, diện tích rau của trang trại hầu như rất ít sâu bệnh.

Giữa năm 2015, hai vợ chồng xây dựng hệ thống nhà màng và Pep tưới nước tự động. Cùng với đó, xây dựng thêm khu vực chăn nuôi theo hướng VietGAP.

hoàng
Vượt qua nhiều khó khăn, nay trang trại của vợ chồng anh Hoàng đã bắt đầu hình thành với quy mô hiện đại. Ảnh: Quỳnh Thanh

Sau 2 năm lấy ngắn nuôi dài, diện tích trồng rau màu, khu vực chăn nuôi, khu vực nhà màng đã được thiết kế bài bản, hợp lý. Diện mạo khu đất đã từng là vùng hoang hóa nay đã thành trang trại phì nhiêu.

Khi những khó khăn trong khâu sản xuất được tháo gỡ, cũng là khi những sản phẩm từ trang trại của anh chị được thị trường đón nhận. Ngoài các cây trồng thông thường như rau, củ truyền thống, anh còn đưa vào thử nghiệm một số giống mới dưa lưới, dưa leo… với năng suất và chất lượng tốt. Nhờ vậy, nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch đứng chân trên địa bàn tỉnh đã nhận bao tiêu cho nhiều sản phẩm từ trang trại.

Đến nay, ước tính, mỗi vụ trang trại cho thu hoạch gần 6 tấn thành phẩm, mang lại tổng doanh trên 500 triệu đồng mỗi năm. Với thành quả đạt được, liên tiếp nhiều năm qua vợ chồng anh Hoàng đã nhận được sự khen thưởng của các cấp xã, huyện và tỉnh về thành tích sản xuất - kinh doanh giỏi.

Quỳnh Thanh