Không chỉ còn là chuyện cát tặc: Vấn nạn dai dẳng
(Baonghean) - Từ vài năm qua, việc kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác cát sỏi trên sông liên tục được tăng cường. Dù vậy, “cát tặc” vẫn dai dẳng tồn tại…
Tình trạng “cát tặc” gây hệ lụy đến người dân, thất thoát tài nguyên khoáng sản đã hình thành từ rất lâu, và được các lực lượng chức năng kiểm tra xử lý.
Mốc thời gian tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật trong khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, có thể xác định là vào năm 2015. Bởi đây là thời điểm UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5445/QĐ-UBND-NC thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trên tuyến sông Lam.
Tháng 1/2018, từ những chuyến xuyên đêm trên sông Lam, PV Báo Nghệ An đã ghi nhận được những hình ảnh khai thác, kinh doanh cát sỏi lòng sông vi phạm pháp luật trên địa bàn các xã Thanh Lĩnh, Thanh Tiên, Thanh Hưng (huyện Thanh Chương). Ảnh: Nhật Lân. |
Cho đến tháng 5/2018, tức là khoảng 3 năm sau, các vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác kinh doanh cát sỏi lòng sông vẫn hết sức phức tạp. Theo Báo cáo số 2898/STNMT.KS của Sở TN&MT,chỉ trong năm 2017 và đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh, các ngành, các cấp đã kiểm tra, phát hiện và xử lý với tổng số tiền xử phạt vi phạm là 2.891.700.000 đồng. Trong đó, số tiền xử phạt vi phạm trái phép là 2.151.700.000 đồng; số tiền ngành thuế xử phạt kinh doanh liên quan đến kinh doanh cát sỏi thực hiện không đúng chế độ sổ sách chứng từ là 740.000.000 đồng.
Một chuyến xuyên đêm trên sông Lam của PV Báo Nghệ An để nắm bắt vụ việc dân báo "cát tặc" khai thác trái phép. Ảnh: Nhật Lân |
Cũng trong khoảng thời gian này,lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 620 vụ, 645 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh cát, sỏi, tạm giữ 3.568 m3 cát sỏi; 330 thuyền; 191 bộ máy nổ, guồng bơm, vòi hút cát và các tang vật khác dùng để bơm hút cát trái phép.Khởi tố điều tra 1 vụ, 1 bị can về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và chuyển các cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền 609 vụ, 631 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng; buộc hoàn thổ 3.568 m3 cát, sỏi; tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm làm thủ tục bán đấu giá nộp ngân sách nhà nước theo quy định. Đang lập hồ sơ xử lý 11 vụ, 14 đối tượng.
Đêm khuya cho đến tờ mờ sáng là thời điểm "cát tặc" hoành hành. Ảnh chụp hồi tháng 1/2018, trên sông Lam đoạn qua vùng giáp ranh giữa xã Thanh Lĩnh và Thanh Tiên (Thanh Chương). Ảnh: Nhật Lân. |
Tại Báo cáo số 2898, Sở TN&MT đã đưa ra nhận định:Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, với sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, qua theo dõi, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này có mặt vẫn còn diễn biến phức tạp.
Là Tổ trưởng tổ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động khoáng sản trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và TP Vinh, ông Nguyễn Công Lực – Phó Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT khẳng định tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi hoạt động ngày càng tinh vi và manh động.
Ông Nguyễn Công Lực trao đổi: “Các đối tượng khai thác cát trái phép có nhiều thủ đoạn đối phó với sự kiểm tra, phát hiện của lực lượng chức năng, như: khai thác trái phép vào thời điểm từ giữa đêm đến sáng sớm, khi bị phát hiện nhiều trường hợp đối tượng không cho lực lượng chức năng tiếp cận tàu, thuyền, sử dụng nhiều máy nổ để tăng tốc bỏ chạy. Trong khi đó, tại các bến bãi thực hiện thu mua cát, sỏi khai thác trái phép. Sau đó chủ các bến bãi hợp lý hóa bằng cách mua hóa đơn đầu vào của các doanh nghiệp được phép khai thác cát, sỏi…”.
"Cát tặc" là một trong những nguyên nhân gây lún sụt bờ sông, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp nên nhiều khu vực dân cư hết sức bức xúc. Ảnh: Zen Đa. |
Nhận định của Sở TN&MT tại Báo cáo số 2898, và những trao đổi của ông Nguyễn Công Lực là thực tế hiển hiện. Bởi trong những năm qua, qua bám sát theo các đoàn công tác, hoặc điều tra độc lập, phóng viên Báo Nghệ An đã không ít lần tiếp cận trực tiếp đối tượng “cát tặc” đang hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông; qua đó nắm bắt được các phương thức hoạt động và các diễn biến hết sức phức tạp của vấn nạn này.
Đơn cử như dịp tháng 1/2018, thời điểm các tổ công tác của tỉnh đang đẩy mạnh việc kiểm tra chấp hành pháp luật về hoạt động khoáng sản tại các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương thì Báo Nghệ An nhận được thông tin từ người dân xóm 12, xã Thanh Tiên “Có dấu hiệu cho thấy đêm nay “cát tặc” sẽ tổ chức khai thác sớm”.
Cùng những người dân địa phương mật phục trên những chiếc thuyền câu, xuyên đêm ngang dọc sông Lam đoạn qua khu vực các xã Thanh Lĩnh, Thanh Tiên, Thanh Hưng…, phóng viên Báo Nghệ An đã không chỉ nhận diện “cát tặc” trên sông Lam, mà còn hiểu rõ nguyên nhân vì sao “cát tặc” vẫn “sống tốt, sống khỏe”.
Về thời gian hoạt động khai thác của “cát tặc”, là từ khoảng 21 - 22h cho đến tận 4 - 5 h sáng hôm sau. Còn phương thực khai thác, “cát tặc” sử dụng những chiếc tàu vỏ sắt, trên tàu gắn các hệ thống máy nổ được liên kết với guồng bơm và vòi hút để hút cát, sỏi trực tiếp từ lòng sông lên khoang thuyền. Những chiếc tàu hút cát này thọc vòi rồng lớn, dài hàng dăm bảy chục mét xuống lòng sông, bờ sông rồi dùng động cơ công suất lớn hút cát lên khoang.
Một điểm kinh doanh cát sỏi chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa đã bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động trên địa bàn xã Thanh Hưng hồi tháng 1/2018. Ảnh: Nhật Lân. |
Với trọng tải lớn, sức chở thường từ 70 – 200m3 cát, nhưng chỉ khoảng chừng 1 giờ đồng hồ là tàu cát đã được hút đầy khoang. Sau đó, lặc lè di chuyển đến các bãi tập kết sát bờ sông và đường giao thông để vận xuất cát lên bến. Trên bãi tập kết, mỗi bãi thường có từ 3 – 4 trục cẩu cát hoạt động liên tục hoạt động trong đêm khuya, đèn pha của cẩu, của bãi và các phương tiện vận tải vào ra chiếu sáng cả một khu vực… Tất cả các hoạt động khai thác, kinh doanh vi phạm pháp luật này dù được thực hiện trong đêm nhưng không quá khó đề phát hiện, kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, chúng đã không được chính quyền và các lực lượng chức năng địa phương phát hiện!.
Hay như ngay như dịp cuối tháng 7 này, để có những thông tin mới về các hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi lòng sông, phóng viên Báo Nghệ An đã tiếp tục có những chuyến đi dọc đê Tả Lam đoạn qua các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn và theo Quốc lộ 15 ngược lên các xã Nam Lộc, Khánh Sơn (Nam Đàn), và lên các xã có sông Lam chảy qua của huyện Thanh Chương như xã Thanh Giang, Thanh Lĩnh, Thanh Tiên, Thanh Hưng…
Cho đến thời điểm hiện tại, công tác quản lý bến bãi tập kết cát, sỏi ở huyện Thanh Chương đã được chấn chỉnh. Bên ngoài các bến bãi, có hàng rào thép ngăn không cho phương tiện vận tải ra vào, đồng thời dựng các biển báo: Cấm không không được khai thác cát trái phép. Ảnh: Nhật Lân. |
Điều thấy được tại địa bàn huyện Thanh Chương là đến nay đã tuân thủ khá nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, quản lý chặt chẽ, không để các bến kinh doanh cát sỏi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đi vào hoạt động, tái hoạt động. Tại các bến bãi tập kết cát sỏi ở lân cận rú Nguộc, ven sông Lam thuộc xã Thanh Hưng, Thanh Tiên… từng là điểm nóng, nay các tháp cẩu đã được hạ xuống; bên ngoài bãi tập kết, có hàng rào dây thép gai ngăn không cho phương tiện vận tải ra vào, trên sân hoặc trước cổng bãi tập kết, có dựng các tấm biển có hàng chữ cấm khai thác cát, sạn trái phép.
Nhưng ở huyện Nam Đàn, và nhất là tại huyện Hưng Nguyên, vào thời điểm vắng người, tờ mờ sáng hoặc chập choạng đêm, hoạt động của các bến bãi tập kết cát sỏi cơ bản vẫn bình thường. Tại các bãi tập kết, hệ thống các tháp cần cẩu thay vì phải hạ xuống vẫn chóc ngóc trêu ngươi; trên bãi vẫn tràn ngập những đống cát cao như những ngọn đồi, có những đống cát còn ướt rượt, thể hiện mới được vận xuất từ tàu cát lên bến trong một thời gian chưa lâu. Và phương tiện vận tải, vẫn vào ra chở cát…
Tuy nhiên, ở một số huyện khác, như Hưng Nguyên, các bến bãi tập kết cát sỏi vẫn lén lút hoạt động. Ảnh: Nhật Lân. |
Nắm bắt thông tin tại Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, ngay đầu tháng 7/2018, Phòng đã thực hiện khởi tố một số đối tượng “cát tặc” có hành vi khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lam, đoạn ngang qua địa bàn huyện Hưng Nguyên. Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát môi trường xác định, công tác đấu tranh, phòng ngừa đối với các đối tượng khai thác, vận chuyển, tập kết cát sỏi trên tuyến sông Lam hết sức khó khăn, vất vả và sẽ còn rất lâu dài.
Bởi vậy, ngày 22/7/2018 Phòng đã tham mưu Công an tỉnh văn bản số 596/CV-CTA về đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý hoạt động, khai thác, vận chuyển, tập kết cát sỏi trên tuyến sông Lam. Tại Văn bản 596 nêu rõ: “Thực tế cho thấy có rất nhiều những khó khăn dẫn đến việc đấu tranh ngăn chặn triệt để được vấn nạn khai thác cát sỏi trái phép gần như là điều không thể thực hiện được…”.
Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có hành vi “bảo kê”!
Ngày 24/3/2017, tại Thông báo số 161/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
“Rà soát, đánh giá thực hiện thăm dò, khai thác bãi cát lòng sông, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các bến bãi, tập kết cát, sỏi, quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng thông thường của địa phương, bảo đảm phù hợp, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên.
Tăng cường quản lý, kiểm tra việc khai thác cát, sỏi xây dựng tại những khu vực lòng sông giáp ranh giữa các địa phương; nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi xây dựng trái phép. Nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quản lý địa bàn. Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên có hành vi “bảo kê”, tiếp tay, bao che, dung túng thì tùy tính chất, mức độ vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật…”.
(còn tiếp)