Mách mẹ giải pháp uốn nắn 7 biểu hiện tiêu cực của con trẻ

Nghi Dung 01/08/2018 10:08

Để con có thể trưởng thành với tính cách tốt, cha mẹ phải uốn nắn từ những biểu hiện không tốt lúc còn bé.

Không chịu tha thứ

Trẻ nên biết cách thoát khỏi những tình huống mâu thuẫn. Cha mẹ thường dạy con cách đương đầu trong trường hợp này, nhưng tốt hơn là phải làm sao để suy nghĩ tiêu cực sớm qua đi. Nếu một đứa trẻ luôn luôn cố gắng để phục thù, đó là dấu hiệu đáng lo ngại.

Giải pháp: Cha mẹ cần cho con hiểu về sự tha thứ và là tấm gương cho con noi theo. Phụ huynh cần dạy con cách phân tích cảm xúc của chính mình và cảm xúc của người khác để tìm được nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn, xung đột. Bên cạnh đó, bạn cần hướng dẫn con cách thoát khỏi một tình huống không vừa ý.

Bướng bỉnh

Thay vì bướng bỉnh bảo vệ ý kiến của mình, mọi người có thể giữ quan điểm của cá nhân bằng cách dàn xếp và thỏa hiệp. Phụ huynh nên giúp con phát triển kỹ năng này từ khi còn nhỏ, vì khó học hơn khi trẻ đã lớn hoặc trưởng thành.

Giải pháp: Cha mẹ cần hiểu suy nghĩ, cảm giác của con để tìm ra lý do gây nên sự bướng bỉnh của con. Sau đó, bạn cần dạy cho con hiểu cảm xúc của người khác, nói cho con hiểu có thể làm gì và không nên làm gì. Cha mẹ nên bình tĩnh, thẳng thắn với con. Khi dạy con có thể nói những câu như "Con có thể ăn kẹo sau khi ăn cơm" thay vì "Không, cái kẹo này sẽ làm con không còn muốn ăn".

Trẻ mè nheo để đòi thứ mong muốn

Đôi khi trẻ sẽ tìm mọi cách mè nheo để có được thứ gì chúng muốn. Trẻ có thể khóc ở siêu thị hoặc sử dụng các cách khác. Nhưng cha mẹ phải dạy trẻ bởi khi lớn lên trẻ sẽ không thể xây dựng mối quna hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp khi hành xử theo cách này.

Giải pháp: Trẻ em thường cố gắng gây chú ý khi cha mẹ không quan tâm đến chúng. Đây là lý do tai sao cha mẹ phải dành thời gian cho con. Trong trường hợp này, cha mẹ không nên hét hay đe dọa vì cách này không mang lại hiệu quả.

Sợ thay đổi

Đối với trẻ mới biết đi tốt hơn là nên cho trẻ tuân theo các quy tắc và các việc làm tương tự nhau. Nhưng khi trẻ lớn hơn cần quen dần với những thay đổi và học cách chấp nhận chúng. Trong cuộc sống, nếu bảo thủ quá mức có thể dẫn đến những điều không hay

Giải pháp: Cha mẹ nên nói với trẻ về những thay đổi và điều sẽ xảy ra trong cuộc sống. Đối với trẻ, những vấn đề nhỏ nhặt và các thử thách sẽ rất khó có thể giải quyết. Trẻ sẽ giải quyết được những tình huống khó khăn khi có bạn bè bên cạnh hơn là tự làm một mình.

Tự ý làm những việc rắc rối

Trong cuộc sống, trẻ có thể tự ý làm những hành động như đặt chảo nóng lên khay nhựa, nhảy vào bùn lầy khi đang mặc bộ quần áo trắng mới. Lời nói và hành động của trẻ thường không có suy nghĩ về hậu quả dù có thể khiến người lớn khó chịu. Trong trường hợp này, cha mẹ nên dạy con cái cách lường trước hậu quả có thể xảy ra khi chúng làm các hành động này trong cuộc sống.

Giải pháp: Cha mẹ nên giữ bình tĩnh, chỉ rõ các hành động không tốt với con và xem lý do nào khiến con làm vậy. Hãy để con giải quyết hậu quả, tự kiểm soát đẻ thiết lập các quy tắc, không gây nên những hành động bốc đồng để lại hậu quả đáng tiếc.

Không biết cách tự vui chơi

Nhà tâm lý học trẻ em người Nga Katerina Murashova đã tiến hành một nghiên cứu với 68 thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi. Trong nghiên cứu này, các thanh thiếu niên sẽ trải qua 8 giờ ở một mình không có bạn bè hay các thiết bị công nghệ. Kết quả cho thấy chỉ có 3 thanh thiếu niên có thể chịu đựng còn những người khác không chịu nổi. Nếu trẻ không được học điều này, khi lớn lên sẽ không tập trung được vào cảm xúc của mình do bị tác động bởi những thứ xung quanh. Khi trẻ lớn lên sẽ cảm thấy hốt hoảng khi có vấn đề gì đó xảy ra.

Giải pháp: Cha mẹ nên nói chuyện với con và dành thời gian bên nhau nhiều hơn. Ngoài ra, phụ huynh chỉ cho phép con sử dụng các thiết bị công nghệ trong khoảng thời gian nhất định, dạy con tìm ra những gì bản thân thích và không thích, giúp con tìm thấy được sở thích mà không liên quan đến điện thoại, máy tính.

Không có trách nhiệm

Nếu từ khi còn nhỏ, người lớn đã có thói quen đổ lỗi cho trẻ thì khi lớn lên trẻ có thể học được thói xấu này. Từ đó, trẻ sẽ thiếu trách nhiệm với việc mình gây ra và tìm cách để đổ lỗi cho người khác. Bạn thử tượng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu một người đi làm thường xuyên đổ lỗi cho đồng nghiệp về những vấn đề trong công việc.

Giải pháp: Cha mẹ cần dạy con về việc chịu trách nhiệm theo từng lứa tuổi. Ngoài ra, phụ huynh phải trao đổi với con về các vấn đề và nguyên nhân của thói xấu không có trách nhiệm.

Nghi Dung