Lót bạt nuôi lươn không bùn, thu 2 tạ/bể
Ông Nguyễn Hồng Dũng làm 4 bể lót bạt nuôi lươn không bùn. Sau 7 tháng nuôi, mỗi bể gia đình ông thu được 2 tạ lươn thịt, lãi 12 triệu đồng, tính chung cả 4 bể số tiền lãi hơn 80 triệu đồng.
Phong trào nuôi lươn đã và đang phát triển mạnh ở nhiều nơi trên địa bàn Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thốt Nốt,…(Cần Thơ) với đa dạng các hình thức nuôi nhưng phổ biến nhất vẫn là kiểu nuôi truyền thống trong bùn đất.
Tuy nhiên, với kiểu nuôi này đã bộc lộ những mặt hạn chế nhất định như khó quản lý về số lượng lươn nuôi, thức ăn dư thừa, dịch bệnh và tỷ lệ hao hụt cao,…Đồng thời việc đầu tư một lượng đất khá lớn vào bể nuôi góp phần làm gia tăng giá thành sản phẩm và giảm hiệu quả kinh tế mang lại.
Lươn nuôi không bùn trong bể lót bạt.
Hiện nay, ở xã Thạnh Phú – huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) nhiều hộ nuôi lươn đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi lươn mới (không bùn trong bể lót bạt), kết quả đem lại khá khả quan.
Ông Nguyễn Hồng Dũng, ngụ ấp Phước Lộc là hộ nuôi điển hình thành công với mô hình này. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, ông không ngừng mở rộng thêm bể nuôi lươn, đến nay đã được 4 bể với diện tích gần 100m2.
Theo kinh nghiệm nuôi lươn không bùn từ ông Dũng, với bể nuôi 20m2 (4m x 5m), ông thả 50 kg lươn giống (loại 30 con/kg), mật độ thả 75 con/m2, tỷ lệ sống 70%. Sau 7 tháng nuôi và chăm sóc, lươn đạt trọng lượng từ 180 – 200g/con, thu hoạch khoảng 200 kg lươn thịt, bán với giá bình quân 125.000 đồng/kg. Ước tính, nếu trừ đi các khoản chi phí về (con giống, thức ăn, dụng cụ làm bể bạt, công chăm sóc), mỗi bể ông thu gần 12 triệu đồng.
Ông Dũng cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu sống bằng nghề nông chỉ với khoảng 3.000m2 đất canh tác lúa, làm lụng cực khổ, vất vả nhiều năm nhưng thu nhập từ cây lúa không đáng là bao, cuộc sống lao đao, thiếu thốn đủ điều. Khi thấy bà con nhiều nơi nuôi lươn đem lại lợi nhuận khá cao nên tôi đã nảy sinh ý định và từ đó bắt tay ngay vào việc nuôi lươn. Lúc đầu nuôi tuy gặp không ít khó khăn nhưng nhờ chịu siêng, chịu khó, ham học hỏi dần thì tay nghề cũng lên”.
Ông Dũng chia sẻ một số kinh nghiệm nuôi lươn không bùn, để nuôi lươn tốt người nuôi cần chú ý những vấn đề sau:
- Chuẩn bị bể nuôi lươn:
+ Chọn vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát, dễ lấy nước vào và thoát nước ra, làm mái che hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió.
+ Cắm trụ, dùng bạt ny lông loại dày không thoát nước quây quanh các trụ tạo thành bể. Diện tích bể: 20m2. Chiều cao bể 1 – 1,2m.
+ Cho nước qua lọc và đã diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng vào bể. Mực nước trong bể: 20 – 30 cm. Mặt nước thấp hơn miệng bể 40 – 50 cm. Thả rau (đắng, muống, nhút,….) và trà tre tạo bóng râm và nơi trú ẩn cho lươn.
- Chọn và thả giống: Lươn có 3 loại (màu vàng sẫm, màu vàng xanh và màu xám tro), người nuôi nên chọn lươn màu vàng sẫm để nuôi vì đây là loại lươn cho tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Kích thước lươn giống thả nuôi 30 – 60 con/kg là phù hợp. Giống quá nhỏ, lươn khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài.
Giống lươn lớn (10 – 20 con/kg) thì khi mua phải để ý nguồn giống, vì cỡ giống này lươn hay bị chết sau khoảng một tháng nuôi do bị giãn cột sống lúc bị đánh bắt. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không bị sây sát, khỏe mạnh.
Mật độ thả tốt nhất là 60 – 80 con/m2. Trước khi thả nuôi cần tắm lươn bằng nước muối 2 – 3% trong 3 – 5 phút để sát trùng và loại bỏ những con yếu, nếu thấy lươn lao lên mặt nước thì thay nước sạch hoặc vớt lươn ra.
Một kiểu bể lót bạt nuôi lươn không bùn. Ảnh: IT.
- Cách cho ăn: Lươn nuôi cần phải qua quá trình thuần dưỡng để quen dần với thức ăn. Không nên cho lươn ăn ngay khi vừa thả nuôi, mà phải bỏ đói 2 – 3 ngày. Thức ăn cho lươn chủ yếu bắt từ tự nhiên: cua, ốc, cá tạp, tép,… và thức ăn công nghiệp. Mỗi ngày cho lươn ăn 1 – 2 lần, lượng cho ăn bằng 5 – 7% trọng lượng lươn trong bể (nếu cho ăn nhiều lươn tham ăn dễ bội thực và chết, cho ăn thiếu lươn chậm lớn), thức ăn cho vào sàn đặt ở vị trí cố định, cho lươn ăn đúng giờ (thường bữa chính từ 16 – 18 giờ).
Sau mỗi lần cho ăn, cần tiến hành vớt bỏ thức ăn thừa khỏi bể, tránh ô nhiễm môi trường nước nuôi. Khi trời âm u, mưa, lạnh: phải giảm bớt lượng thức ăn. Đồng thời, thức ăn cho lươn không nên thay đổi một cách đột ngột mà phải thay đổi từ từ để lươn thích nghi, ở giai đoạn đầu khi thả nuôi thức ăn phải cung cấp đầy đủ cho lươn không để lươn đói vì chúng sẽ ăn nhau giảm tỷ lệ sống. Định kỳ 7 ngày trộn vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng đề kháng và khả năng tiêu hóa cho lươn.
Nuôi lươn không bùn là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: IT
- Thay nước bể nuôi lươn: Do nuôi với hình thức thâm canh và lươn là loài thủy sản da trơn nên rất mẫn cảm với môi trường sống. Vì thế phải thay nước bể nuôi lươn mỗi ngày (100%) lượng nước trong bể. Duy trì mực nước vừa ngập các giá thể (khoảng từ 30 – 40 cm).
Nhận xét về mô hình nuôi lươn không bùn sử dụng giá thể là trà tre và rau trong bể lót bạt của ông Nguyễn Hồng Dũng, chị Phạm Thị Tuyết Anh – Cán bộ Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư thành phố cho biết: “ông Dũng là người đầu tiên của xã tìm ra cách nuôi lươn mới, đem lại hiệu quả cao và cung ứng sản phẩm lươn sạch cho thị trường. Mô hình này của ông đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, giúp người nuôi lươn địa phương học hỏi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức ăn.
Ngoài ra, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt không gây ô nhiễm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chung tay xây dựng nông thôn mới. Có thể nói mô hình nuôi lươn không bùn là một hướng đi mới vừa mang hiệu quả kinh tế cao vừa giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đây là mô hình độc đáo cần được nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Giá trị của lươn không chỉ là một nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng (đạm: 18,6%; chất béo: 9,1%), chúng còn là đối tượng có giá trị kinh tế cao trên thị trường so với một số giống loài thủy sản nước ngọt khác.
Trong y học, thịt lươn có tác dụng bổ máu và an thần (chữa bệnh khó ngủ). Các nhà khoa học còn xem lươn là đối tượng nghiên cứu thú vị, vì nó có quá trình biến cơ thể cái thành cơ thể đực.