Thủ tướng Chính phủ: Các địa phương không thỏa mãn về kết quả tăng trưởng
Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế đề xuất những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Sáng 2/8, tại trụ sở Chính phủ, diễn ra phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giai đoạn 2016-2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế. |
Nhấn mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng là quá trình liên tục, phù hợp với xu hướng của thời đại trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, Thủ tướng cho rằng, Đảng, Nhà nước đã nhận thức sớm và đề ra chủ trương về vấn đề này.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo nêu lên những hạn chế, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp mới và tổ chức thực hiện trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đánh giá việc thực hiện 120 nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết 27 của Chính phủ, từ đó đề xuất điều chỉnh hoặc bổ sung thể chế để thực hiện hiệu quả hơn.
"Tôi cho rằng chương trình hành động cũng như nhiệm vụ trong Nghị quyết rất rõ ràng, có điều chúng ta có làm hay không, hay chỉ làm theo thói quen. Ví dụ lĩnh vực nông nghiệp, một số địa phương làm rất tốt, tái cơ cấu rất rõ nét, thay đổi hẳn để nâng cao giá trị sản phẩm. Còn nhiều địa phương vẫn phong cách cũ, truyền thống cũ, sản phẩm cũ. Vì sao như thế? Vì nhận thức của cấp ủy chính quyền, người đứng đầu ở đó chưa nắm, hiểu và chưa tổ chức thực hiện", Thủ tướng nêu rõ.
Nhìn lại kết quả tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả ấn tượng, quy mô nền kinh tế mở rộng, đạt trên 5 triệu tỷ đồng. Điều đó giúp trần nợ công từ trên 64%GDP giảm còn 61%GDP.
Bên cạnh đó, vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo được nhiều tổ chức quốc tế tăng bậc xếp hạng. Mới đây nhất, Ngân hàng Thế giới xếp hạng chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế đề xuất những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước. |
Từ những phân tích đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: "Chúng ta đang tìm động lực mới trong tăng trưởng là gì của thời kỳ này và thời kỳ tiếp theo, nhất là năm 2019-2021, trong bối cảnh thế giới có xung đột, bảo hộ thương mại. Thứ hai là dư địa nào mà chúng ta cần phải làm? Người ta đang nói, nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch là dư địa rất lớn. Còn dư địa nào lớn hơn nữa trong tăng trưởng?"
Thủ tướng lấy ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, từ một nước thiếu ăn, nhờ tái cơ cấu và đổi mới quan hệ sản xuất nên nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo.
Nhấn mạnh chính sách đối với phát triển là rất quan trọng, Thủ tướng nêu rõ, với vai trò là người lãnh đạo, chỉ đạo kinh tế vĩ mô đất nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ vào thực tế đất nước, đề xuất chính sách đột phá để thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá lại hiệu lực, hiệu quả triển khai chương trình hành động tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Nêu ví dụ nhiều tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Thái Bình, Hà Nam đã tái cơ cấu nông nghiệp khá thành công, mang lại hiệu quả cao, nhưng Thủ tướng cho rằng, nhiều tỉnh lại tái cơ cấu không thành công. Điều đó cho thấy năng lực chỉ đạo hành động của Ban Chỉ đạo và các cấp các ngành và địa phương là rất quan trọng, cần đôn đốc kiểm tra quá trình này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu cuộc họp cần đánh giá về cơ chế, giải pháp giám sát thực hiện chủ trương tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai thực hiện 120 nhiệm vụ của Nghị quyết 27 của Chính phủ, hầu hết các nhiệm vụ được thực hiện đúng thời hạn và đạt kết quả ở mức độ khác nhau. Có 28,5% nhiệm vụ có kết quả rõ ràng; 57,5% số nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa triển khai.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về thực hiện nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cũng được chú trọng thực hiện, đặc biệt thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…
Tuy vậy, một số bộ, ngành, địa phương chậm hoặc chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 27, như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, tỉnh Kon Tum, Sóc Trăng, Long An, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh…/.