Mỹ điều oanh tạc cơ B-52 bay diễn tập trên Biển Đông
Hai máy bay ném bom B-52 của không quân Mỹ đầu tháng bay qua Biển Đông trong khuôn khổ các bài tập huấn luyện chung với hải quân.
Oanh tạc cơ B-52 bay trên Thái Bình Dương hồi năm 2009. Ảnh: USAF. |
Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (USINDOPACOM) Mỹ cho biết hai oanh tạc cơ B-52 của không quân và hai máy bay trinh sát Poseidon P-8 của hải quân nước này ngày 1/8 thực hiện các chuyến bay huấn luyện tại Biển Đông nhằm cải thiện khả năng phối hợp tác chiến giữa hai lực lượng, Sputnik hôm nay đưa tin.
Phi đội máy bay Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Barksdale, bang Louisiana bay đến Biển Đông và sau đó hạ cánh tại căn cứ Andersen trên đảo Guam. Đợt diễn tập nhiều khả năng kéo dài sang ngày thứ hai, bởi hình ảnh không quân Mỹ cho thấy một chiếc B-52 đang tiếp nhiên liệu vào ngày 2/8.
"Chuyến bay huấn luyện được tiến hành trong không phận được pháp luật quốc tế quy định và coi là khu vực có vai trò quan trọng đối với các nguyên tắc nền tảng của một trật tự toàn cầu dựa trên quy tắc", USINDOPACOM khẳng định.
Đầu tháng 6, Mỹ cũng điều biên đội hai chiếc B-52 bay qua khu vực cách các đảo nhân tạo do Trung Quốc cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 32 km, khiến Bắc Kinh phản ứng giận dữ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi hành động của Mỹ là nguy hiểm đồng thời tuyên bố không sợ bất kỳ tàu hay máy bay nào của Washington.
Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng trong những năm gần đây sau khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, ồ ạt xây dựng đảo nhân tạo trái phép và bố trí nhiều loại vũ khí hiện đại tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các hành động của Bắc Kinh đã khiến nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ.
Lầu Năm Góc giữa tháng 6 tuyên bố cân nhắc về một chiến dịch tự do hàng hải cứng rắn hơn trên Biển Đông. Động thái có thể bao gồm việc tuần tra dài hơn, sử dụng nhiều tàu hơn hoặc trinh sát gần các đảo nhân tạo được Trung Quốc cải tạo trái phép. Quốc hội Mỹ ngày 3/8 thông qua dự luật quốc phòng trị giá 716 tỷ USD với những điều khoản được cho là cứng rắn nhất với Trung Quốc từ trước đến nay, đặc biệt nhằm vào hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông.