Chuyện đi tìm bức chân dung của Bác Hồ ở nước Nga

họa sỹ Vi Kiến Thành 07/08/2018 12:49

Họa sĩ người Nga Alexei Kuznetsov là chuyên gia, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam những năm 1960, 1961, 1962. Ông đã được Bác Hồ đồng ý vẽ trực tiếp chân dung Người tại Vườn hoa Phủ Chủ tịch. Họa sỹ Vi Kiến Thành đã kể lại chuyến công tác tìm mua tác phẩm mỹ thuật ấy của họa sĩ Alexei Kuznetsov.


Tác phẩm sơn dầu chân dung Bác Hồ do họa sĩ người Nga A.Kuznetsov vẽ cách đây 58 năm

..."Vào một đêm cuối tháng 7/2018, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL đi sưu tầm tranh vẽ Bác Hồ ở Liên bang Nga đã đến thành phố St.Petersburg. Đón chúng tôi là vợ chồng GS Kolotov, Giám đốc Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Tổng hợp St.Petersburg. GS là chuyên gia tiếng Việt, nhà Việt Nam học của Nga. Trong câu chuyện đầy ấm cúng, chúng tôi đã cùng nhau lần giở những trang “tư liệu” mà không phải ai cũng biết…

Trước ngày bay sang Nga, tôi đã trực tiếp tìm đến nhà họa sĩ Huy Oánh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong những sinh viên đã được học thầy A.Kuznetsov. Nhớ lại thời kỳ họa sĩ A.Kuznetsov giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Huy Oánh cho biết: “Họa sĩ A.Kuznetsov đã tham gia giảng dạy K1 và K2 (Khóa đại học 1- 2), sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trường Đại học Mỹ thuật trở về Hà Nội (ở số 42 Yết Kiêu - Hà Nội). Họa sĩ A.Kuznetsov là người thầy có phương pháp sư phạm khoa học, bài bản, có khả năng phân tích và thị phạm rất tốt. Ông đã giúp cho sinh viên tiếp thu nhanh các nguyên tắc cơ bản, khoa học về cấu trúc tác phẩm, bố cục; giải quyết sáng tối; nóng lạnh và kỹ thuật vẽ sơn dầu…”.

"Tôi vô cùng xúc động khi tận mắt nhìn thấy bức vẽ Bác ở đất nước Nga, bức vẽ mà gia đình tác giả đã lưu giữ gần 6 thập kỷ qua. Đối với gia đình họ đây là báu vật."

Sau này, nhiều họa sĩ Việt Nam là học trò của thầy A.Kuznetsov đã thành danh và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về VHNT như nhà điêu khắc Nguyễn Hải, Giải thưởng Hồ Chí Minh; họa sĩ Nguyễn Thụ, họa sĩ Giáng Hương, Giải thưởng Nhà nước về VHNT cùng nhiều họa sĩ nổi tiếng khác: GS. Họa sĩ Phạm Công Thành; PGS. Họa sĩ Đỗ Hữu Huề; PGS. Họa sĩ Trọng Cát, họa sĩ Thế Hùng, họa sĩ Ngọc Thọ… Khóa 2 có các họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ, Huy Oánh, Sĩ Tốt; nhà điêu khắc Phước Sanh đều đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, cùng các họa sĩ nổi tiếng khác như: Hồ Thọ, Quốc Khánh; nhà điêu khắc Lê Thược…

Chân dung tự họa của họa sĩ A.Kuznetsov

Cũng theo họa sĩ Huy Oánh kể lại, họa sĩ A.Kuznetsov khi vẽ người Việt Nam thật sự lột tả được cái hồn Việt bởi ông đã có những ngày tháng sống, làm việc và gắn bó gần gũi với đất nước, con người Việt Nam. Họa sĩ A.Kuznetsov có vẽ một bức tranh chân dung mẹ của anh Hoàn là người phiên dịch cho ông những ngày ông làm việc tại Việt Nam. Đó là một bức chân dung đẹp, mẫu mực về phong cách A.Kuznetsov.

Một lần, họa sĩ A.Kuznetsov đưa sinh viên đi vẽ biển Hạ Long (Quảng Ninh). Tác phẩm vẽ Hạ Long của ông đã được giải thưởng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1960, cùng được giải thưởng năm đó còn có bức Nữ dân quân vùng biển của họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng được sáng tác trong chuyến đi này. Một số đồng nghiệp nhận xét, họa sĩ Trần Văn Cẩn ít nhiều đã có ảnh hưởng bởi bút pháp, cách giải quyết đậm nhạt, sáng tối của họa sĩ A.Kuznetsov.

Họa sĩ Huy Oánh nhớ lại, lúc đó Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã phân công họa sĩ Nguyễn Đức Nùng (Giải thưởng Nhà nước về VHNT) cùng đi, cùng làm việc, cùng sáng tác với họa sĩ A.Kuznetsov để tiếp thu các phương pháp, kinh nghiệm sáng tác và giảng dạy của họa sĩ A.Kuznetsov.

A.Kuznetsov là người rất giản dị trong cuộc sống. Thời điểm đó, chiến tranh phá hoại, Mỹ đã dội bom ra miền Bắc, đời sống nhân dân rất khó khăn. Họa sĩ A.Kuznetsov thì chỉ thích món lạc rang húng lìu và trong túi ông lúc nào cũng có gói lạc rang. Ngày đó, A.Kuznetsov đã có một vinh dự đặc biệt là được Bác Hồ đồng ý tiếp để vẽ hình ảnh của Bác. Lúc đó Bác Hồ ngồi trên chiếc ghế trúc với tinh thần rất thư thái đọc sách tại vườn hoa Phủ Chủ tịch và họa sĩ A.Kuznetsov đưa lên những nét cọ vẽ chân dung Người.

Đó là những chất liệu thực tế chúng tôi đã có được trước khi sang Nga tìm mua lại bức tranh của ông vẽ Bác Hồ năm xưa.

Họa sĩ A.Kuznetsov đã mất năm 1993. Ngày 25.7, đoàn chúng tôi đến gặp vợ và con gái ông. Hai người sống trong căn hộ nhỏ trên tầng 7 của một chung cư cũ. Trong căn nhà ông ở trước đây, các phòng đều xếp đầy tranh sơn dầu của họa sĩ, từ tường nhà ra đến sát đi văng và bộ bàn ghế dùng để tiếp khách.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, ông Nguyễn Văn Công và vợ, con gái họa sĩ bên bức tranh sơn dầu chân dung Bác Hồ

Chúng tôi được vợ và con gái họa sĩ A.Kuznetsov cho xem 2 bức tranh. Đó là bức sơn dầu khuôn khổ 67cm x 47cm vẽ năm 1960, vẽ Bác Hồ ngồi trên ghế trúc. Bác mặc quần áo đại cán sáng màu quen thuộc, tay cầm cuốn sách đang đọc dở giữa không gian cây xanh và thảm cỏ trong vườn hoa Phủ Chủ tịch. Lúc đó họa sĩ A.Kuznetsov đã đặt giá vẽ bên cạnh Bác và trực họa chân dung Bác bằng chất liệu sơn dầu. Có lẽ thời gian vẽ Bác không được nhiều, bức sơn dầu mới hoàn thành cơ bản với phong cách phóng khoáng, những vệt bút lông khoáng đạt, dạt dào cảm xúc của họa sĩ. Nhiều khả năng Bác và họa sĩ A.Kuznetsov chỉ làm việc trong một hoặc hai buổi sáng, giữa không gian cây xanh và nắng vàng ở vườn hoa Phủ Chủ tịch. Ở góc tranh họa sĩ còn chưa kịp vẽ kín mặt toan, nhưng ông đã diễn tả khá kỹ chân dung Bác với thần thái ung dung, tĩnh tại, vầng trán cao, đôi mắt sáng, tay cầm cuốn sách. Người như vừa ngừng đọc sách, hướng đôi mắt về phía xa…

Bức tranh đã được vẽ cách đây 58 năm. Cũng không rõ vì sao sau này họa sĩ A.Kuznetsov không hoàn thiện tác phẩm này. Ông đã vẽ trực họa bằng sơn dầu rất nhanh, ào ạt cảm xúc và cũng chưa kịp ký tên mình vào góc của bức tranh như thông lệ.

Chúng tôi còn được xem một bức ký họa chân dung Bác bằng chì than, vẽ Bác ở góc 3/4. Được biết họa sĩ A.Kuznetsov còn vẽ một bức chân dung Bác bằng sơn dầu ở một dáng ngồi khác nữa, nhưng sau này một nhà sưu tập tranh đã mua lại tác phẩm.

Ngày 31.7.2018, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, đoàn chúng tôi đã đưa tác phẩm tranh sơn dầu chân dung Bác về Hà Nội. Từ nay, bức tranh đã trở thành hiện vật vô cùng quý giá của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch./.


họa sỹ Vi Kiến Thành