Nghệ An còn 63,3% xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
(Baonghean.vn) -Theo thống kê của Sở Tư Pháp Nghệ An, toàn tỉnh vẫn còn 304/480 xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 63,3%).
Trong số 304 xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có 70 đơn vị cấp xã loại I; 168 xã loại II, 66 xã loại III. Một số huyện miền núi đến nay 100% số xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu...
Câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới bản Bắc Sơn (xã Mô Sơn) tổ chức sinh hoạt chuyên đề phòng chống tội phạm mua bán người. Ảnh: Hùng Phong |
Nguyên nhân là bởi nhiều xã chưa đáp ứng được 5 tiêu chí thành phần và 4 điều kiện theo Quyết định 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên không làm hồ sơ, làm hồ sơ chậm hoặc có làm hồ sơ nhưng chưa đạt yêu cầu nên chưa được công nhận.
Một số xã chưa đạt chuẩn do trong năm có cán bộ bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên. Ví dụ như huyện Diễn Châu trong năm 2017 có 39/39 xã, thị trấn có hồ sơ đề nghị UBND huyện công nhận xã đạt chuẩn pháp luật nhưng chỉ có 36/39 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (3 xã không đạt gồm Diễn Thành, Diễn Ngọc, Diễn Mỹ là do có cán bộ bị xử lý kỷ luật). Hay ở Đô Lương có 3/33 xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó 2 xã Giang Sơn Đông và Trù Sơn là do có cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật.
Cán bộ đồn BP Quỳnh Thuận trực tiếp đến các tàu cá tuyên truyền phổ biến pháp luật. Ảnh: Hải Thượng |
Một số địa phương do kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính đạt dưới 80% tổng điểm tối đa hoặc có 1 trong 5 tiêu chí đạt dưới 50% số điểm tối đa. Nhiều xã ở xa trung tâm, việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn hạn chế, nhất là khu vực miền núi.
Vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí tự chế. Ảnh: Tư liệu |
Bên cạnh đó, từ thực tiễn qua hơn 1 năm thực hiện, Sở Tư Pháp cũng ghi nhận ý kiến phản ánh của các địa phương về các vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định, hướng dẫn về xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (các văn bản hướng dẫn của Trung Ương chưa hướng dẫn cụ thể việc xây dựng từng tiêu chí, một số tiêu chí khó chấm điểm. Công chức tham mưu chưa nắm rõ các nội dung pháp luật quy định).
Nguồn nhân lực, kinh phí đảm bảo cho việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn hạn chế đặc biệt tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Ngày 8/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời bổ sung “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Theo quyết định 619, cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi đáp ứng:
- 5 tiêu chí (tổng số điểm 100) gồm: Bảo đảm thi hành hiến pháp và pháp luật (15 điểm); Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền UBND cấp xã (30 điểm); Giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định; Phổ biến, giáo dục pháp luật (25 điểm); Hòa giải cơ sở (10 điểm); Thực hiện dân chủ cơ sở (20 điểm).
- 4 điều kiện gồm: Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; Tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III; Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.