Bát nháo thị trường sách đầu năm học mới
(Baonghean) - Trước thềm năm học mới, sức mua sách giáo khoa, sách tham khảo tăng đột biến. Đây cũng là thời điểm các nhà sách tư nhân dễ dàng trà trộn các loại sách không rõ nguồn gốc xuất xứ, in lậu, kém chất lượng, “đánh đố” người tiêu dùng.
Bát nháo sách không rõ nguồn gốc
Có hai con chuẩn bị bước vào lớp 4 và lớp 1, chị Huyền (phường Quán Bàu, TP Vinh) tìm mua một số cuốn sách bổ sung vào bộ sách còn thiếu cho con tại một cửa hàng sách trên đường Lê Duẩn. Nhưng khi về nhà xem lại sách, chị nhận thấy sách Học Mỹ thuật lớp 1 có lỗi in ở bìa, hình ảnh không sắc nét, chị không yên tâm nên tìm mua lại cuốn sách này tại một cơ sở phân phối sản phẩm của Nhà xuất bản giáo dục.
Hai quyển sách Học Mỹ thuật 1 được chị Huyền (P. Quán Bàu, TP. Vinh) mua ở hai nhà sách khác nhau có kích thước, màu bìa ... khác nhau. Ảnh: Nguyệt Minh |
Chị Huyền cho biết: “Khi so sánh hai cuốn sách mỹ thuật lớp 1 tôi mua ở nhà sách trên đường Lê Duẩn và một địa chỉ khác thấy có sự khác biệt; màu bìa sách đậm hơn, kích thước lớn hơn khoảng 1/4 cm, có vài chữ bị lỗi chính tả, màu ảnh đậm hơn và có chỗ không sắc nét. Còn lại cơ bản hai cuốn hoàn toàn giống nhau, đều có tem nhãn nên thật sự tôi cũng không thể biết được đâu là bản chuẩn”.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, người mua rất khó phân biệt sách thật và sách in lậu. Bởi hiện nay, công nghệ làm giả, in lậu sách rất tinh vi. Trong khi, hầu hết các nhà xuất bản sách không có dấu hiệu đặc trưng nào để nhận diện sách thật, khiến người tiêu dùng lúng túng.
Chị Nguyễn Thị Nga, phường Trường Thi chia sẻ: “Ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo trên thị trường rất nhiều, nguồn từ nhiều nhà xuất bản khác nhau. Ngoài sách của Nhà xuất bản giáo dục có tem chống sách giả là có thể nhận biết, còn các nhà xuất bản khác thì rất khó nhận diện”.
Nhu cầu mua sách giáo khoa, sách tham khảo tăng đột biến trước thềm năm học mới. Ảnh: Nguyệt Minh |
Trên thị trường vẫn tồn tại tình trạng sách thật và sách không rõ nguồn gốc được bày bán lẫn lộn trong các cửa hàng sách tư nhân. Theo anh Chính, Quản lý nhà sách trên đường Nguyễn Phong Sắc, TP. Vinh, do một số đầu sách giá cao mà nhà xuất bản lại chiết khấu thấp nên một số cửa hàng sách nhỏ đã tự in lậu sách. Người đọc hầu hết rất khó phân biệt được sách thật hay sách in lậu, nhưng người bán thì thường nhận diện bằng cảm quan, sách lậu chữ thường không sắc nét, màu sắc nhòe, chất giấy không tốt...
Theo khảo sát, tình trạng sách in lậu, nhái của các nhà xuất bản uy tín được bán một cách tràn lan tại các huyện, thị và thường bán với giá thấp hơn giá bìa và được nhiều người dân lựa chọn.
Khó phân biệt thật - giả
Thị trường vẫn tồn tại tình trạng hỗn độn giữa sách thật, sách không rõ nguồn gốc, sách in lậu, trong khi việc nhận diện khó khăn không chỉ làm khó người tiêu dùng mà với cả lực lượng chức năng.
Từ tháng 5 đến tháng 9/2018, Đội liên ngành phòng chống in lậu của tỉnh do Sở Thông tin Truyền thông là đơn vị thường trực đã tiến hành thanh, kiểm tra 31 cửa hàng sách trên địa bàn của 10 huyện (TP. Vinh, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương, Quỳ Hợp, TX. Thái Hòa). Qua đó, đội đã tiến hành xử lý 9 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hành chính 27 triệu đồng; tịch thu 356 xuất bản phẩm, trong đó, chủ yếu là sách Tiếng Anh.
Theo ông Trần Anh Tuấn – Chánh Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Nghệ An, trong đợt thanh, kiểm tra vừa qua, số lượng xử phạt năm nay nhiều hơn so với các đợt thanh, kiểm tra của các năm trước. Lỗi xử phạt các chủ nhà sách chủ yếu là tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm không có hóa đơn chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Còn thực tế rất khó nhận diện được các dấu hiệu sách in lậu, sách giả vì ngoài sách của Nhà xuất bản giáo dục có tem chống hàng giả, còn lại các nhà xuất bản khác không có dấu hiệu nhận biết nào đặc trưng.
Thị trường sách bát nháo và khó nhận diện sách in lậu, sách giả không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, nhà xuất bản, thất thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Khi chất lượng sách ngoài luồng không được kiểm nghiệm và đảm bảo…
Chi cục QLTT kiểm tra một cửa hàng sách trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh. Ảnh: Quang An |
Mặc dù hàng năm, Đội liên ngành phòng chống in lậu, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh đều tổ chức các đợt tập huấn cho các đơn vị xuất bản, phát hành, đồng thời tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý, kiểm tra cũng mới chỉ làm được phần “ngọn” mà rất khó để giải quyết được tận gốc bởi việc nhận diện sách lậu khó khăn và các nhà in, nhà xuất bản lại không nằm trên địa bàn quản lý.
Bởi thế, người tiêu dùng nên lựa chọn các công ty, đại lý sách uy tín để mua nhằm hạn chế tốt nhất việc mua phải sách không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập của con em mình.