Mắc lừa mua hàng online, ai bảo vệ?
(Baonghean)- Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã khiến cho thói quen của người tiêu dùng thay đổi, phương thức mua sắm online đang dần chiếm lĩnh. Thế nhưng, trong quá trình mua hàng online, đã xuất hiện rất nhiều chiêu trò lừa đảo mà phần đông, nạn nhân - những người mua hàng đều “được vạ thì má đã sưng” .
Nhiều chiêu trò lừa đảo
Giữa tháng 5/2018, anh Vũ Đình Chiến (Hội viên Hội Sinh vật cảnh huyện Yên Thành) phản ánh với phóng viên Báo Nghệ An về việc anh bị lừa 3 triệu đồng khi mua cây cảnh qua mạng Facebook. Theo trình bày của anh, khi vào mạng, anh thấy 1 tài khoản Facebook có tên “Quế Hoa Lan” bán mặt hàng hoa phong lan. Vốn là người ưa chuộng loài hoa này, anh Chiến đã lựa chọn và quyết định đặt mua một số cây về chăm sóc, mức giá mà chủ tài khoản Facebook này đưa ra cho số hoa đó là 3 triệu đồng, đồng thời yêu cầu anh chuyển tiền trước rồi mới chuyển hàng.
Facebook Chien Vudinh tố bị lừa mua cây cảnh qua mạng. |
Tin lời đối tượng này, anh Chiến đã chuyển đủ số tiền trên. Tuy nhiên, anh cho biết sau khi đã nhận được tiền, đối tượng bán hàng online trên đã chặn Facebook và số điện thoại của anh. Tính đến nay, đã gần 20 ngày nhưng hàng vẫn chưa về tay, còn người bán hàng thì luôn trong tình trạng…không thể liên lạc được.
Vì quá bức xúc, anh Chiến chia sẻ câu chuyện này lên trang Facebook cá nhân thì bất ngờ nhiều người khác vào bình luận rằng họ cũng gặp tình trạng tương tự, trong số đó có những người cũng bị lừa bởi chủ tài khoản Facebook “Quế Hoa Lan” với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.
Bên cạnh nỗi lo bị “xù hàng” sau khi chuyển tiền như anh Chiến thì nhiều người cũng “dở khóc, dở cười” bởi chất lượng, mẫu mã hàng nhận được khác xa hoàn toàn so với những gì được xem trên ảnh khi mua. Cách đây gần 1 năm, vào tháng 7/2017, đối tượng Nguyễn Thị Hà (SN 1991), trú tại xã Nghi Phong (Nghi Lộc) đã bị công an triệu tập do có dấu hiệu thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội Facebook.
Tại cơ quan điều tra, Hà khai nhận đã sử dụng 3 tài khoản Facebook khác nhau để thực hiện hành vi mua bán gian dối trên mạng xã hội, nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, dùng một tài khoản có tên “Thanh Ngọc” để đăng tin bán hàng, hai tài khoản khác dùng để mua hàng.
Đối tượng Hà tại cơ quan công an. Ảnh: CTV |
Khi có người mua hàng từ tài khoản “Thanh Ngọc”, Hà yêu cầu người mua phải chuyển tiền trước qua ngân hàng và gửi hàng sau. Nếu người mua đồng ý, đối tượng sẽ tiếp tục dùng các tài khoản Facebook còn lại mua hàng của người khác với giá trị và chất lượng thấp hơn, đồng thời lấy số tài khoản ngân hàng của người đó và chuyển cho người mua hàng của mình ở tài khoản Facebook “Thanh Ngọc”, yêu cầu người mua chuyển tiền vào.
Khi người mua đã chuyển tiền, đối tượng đến gặp trực tiếp người bán đã giao dịch qua các Facebook mua hàng của mình để lấy hàng và tiền thừa chênh lệch. Số hàng có giá trị thấp và kém chất lượng hơn Hà sẽ gửi lại cho người mua hàng ở tài khoản “Thanh Ngọc”, số tiền chênh lệch thì đối tượng giữ lại.
"Nhiều người thường vào hỏi mua hàng từ tài khoản Facebook của tôi, bởi vì cùng một mặt hàng quần áo, tôi thường rao bán trên mạng xã hội với giá thấp hơn so với những nơi khác. Tôi thường dùng nhiều số điện thoại để liên lạc để giao dịch với người mua và bán. Khi khách có ý kiến về chất lượng hàng hóa và giá cả thì tôi sẽ chặn tài khoản Facebook của họ và hủy số điện thoại" - Nguyễn Thị Hà khai nhận. Bằng thủ đoạn này, đối tượng đã tiến hành các hoạt động mua bán với nhiều nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, với số tiền chiếm đoạt ước tính hàng chục triệu đồng.
Đó là hai ví dụ cụ thể trong số rất nhiều những trường hợp lừa đảo khi mua bán qua mạng. Trên thực tế, nhiều trò lừa đảo mua bán trực tuyến còn biến tướng dưới các hình thức khác nhau như người mua bị giao thiếu hàng, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, giao hàng chậm, hủy đơn hàng không lý do hoặc có khi là hàng bị đánh tráo, thay thế trong quá trình vận chuyển.
Cần tỉnh táo để tránh mắc bẫy
Không thể phủ nhận, công nghệ đã và đang làm thay đổi cả phương thức, thói quen mua sắm. Từ những người nội trợ, nhân viên công sở hoặc bất kỳ ai, họ đều có thể tiết kiệm thời gian mua sắm, khi chỉ cần ngồi một chỗ, chọn vô vàn mặt hàng được chào mời trên mạng, chỉ cần nhấp chuột và chờ ship tận nơi. Tuy nhiên, việc mua hàng online cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Khi giao dịch online, người mua chỉ nhìn thấy hình ảnh và đó có thể chỉ là hình ảnh tượng trưng chứ không phản ánh chính xác sản phẩm thật được rao bán. Hơn nữa, người bán hàng online có thể một lúc tạo nhiều tài khoản ảo để giao dịch, trò chuyện và bán hàng. Nếu không thực sự tìm hiểu cặn kẽ về đối tượng bán hàng, người mua hàng online có thể trở thành “con mồi” bị lợi dụng. Kể cả khi phát hiện sự gian dối, họ cũng khó có thể truy lùng, nhận dạng đối tượng thực hiện hành vi lừa mình.
Hơn nữa, việc quản lý bán hàng online đang còn là một lỗ hổng. Chỉ cần 1 tài khoản mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể đăng bán hàng mà không có cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát chất lượng; nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Mặt khác, khi người mua tố cáo hành vi lên cơ quan chức năng, vấn đề kiểm tra, xử lý cũng gặp nhiều khó khăn do việc đăng ký tên các tài khoản thường không đúng sự thật, hoặc có thể có nhiều nhóm người cùng thực hiện hành vi nhưng địa điểm thực hiện hành vi lại không cùng một địa bàn. Trong trường hợp này, các đối tượng đã lợi dụng tính ưu việt của Internet là không giới hạn về mặt không gian để che đậy hành vi.
Khi mà những quy định về mua sắm online còn nhiều kẽ hở, thế giới mua – bán online sôi động nhưng người mua hàng chưa được bảo vệ đến nơi đến chốn thì cách duy nhất là người dùng phải thông thái, lựa chọn địa chỉ mua sắm uy tín, công khai rõ địa chỉ, danh tính người bán, rõ ràng, minh bạch cách thức thanh toán. Phải nắm chắc thông tin về các điều kiện và điều khoản giao dịch, nhất là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…
Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ về mặt hàng sản phẩm trước khi mua như nguồn gốc xuất xứ, tính năng và những phản hồi đánh giá về sản phẩm của các khách hàng đã mua trước đó. Đặc biệt thận trọng trước những trang web ảo, trang web không được cấp phép nhưng yêu cầu quá cụ thể, chi tiết các thông tin cá nhân của khách hàng; đó có thể là một hình thức đánh cắp thông tin khi khách hàng hoàn toàn lơ là, không cảnh giác...
Điều 139 BLHS quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.”