Mẫu tiêm kích chủ lực Trung Quốc có thể dùng để răn đe Mỹ gần Đài Loan
J-16 với tải trọng lớn cùng khả năng tác chiến điện tử mạnh sẽ là át chủ bài của Trung Quốc trong các kịch bản xung đột gần Đài Loan.
Dựa trên số hiệu của các máy bay xuất hiện trong các cuộc diễn tập, giới chuyên gia quân sự cho rằng PLAAF đã bí mật biên chế thêm nhiều J-16 cho các phi đội của mình, dấu hiệu chứng tỏ mẫu tiêm kích này sẽ đóng vai trò lớn trong năng lực tác chiến tương lai của Trung Quốc, đặc biệt là với kịch bản xung đột gần đảo Đài Loan, theo SCMP.
Tiêm kích J-16 của Trung Quốc. Ảnh:Xiao Xie of Shenyang/Sino Defence. |
J-16 là tiêm kích đa năng do Trung Quốc tự chế tạo, dựa trên thiết kế sao chép từ dòng Su-27 và Su-30MKK mua từ Nga. Một số chuyên gia hàng không đánh giá J-16 có uy lực tương đương mẫu Su-30M2 Nga và F-15E Strike Eagle Mỹ, nhờ khả năng tấn công chính xác mục tiêu mặt đất.
Dòng J-16 ra mắt vào năm 2013, nhưng mới lần đầu xuất hiện công khai trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc hồi giữa năm ngoái. Bắc Kinh đang vận hành ít nhất ba lữ đoàn tiêm kích J-16, chúng được coi là một trong những trụ cột tương lai của không quân nước này.
J-16 là tiêm kích đầu tiên có thể mang đầy đủ vũ khí do Trung Quốc chế tạo như tên lửa diệt hạm, đối không, tên lửa hành trình đối đất, bom thông minh dẫn đường bằng vệ tinh và các thiết bị đối kháng điện tử (ECM). Tiêm kích mới của Trung Quốc có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chiếm ưu thế trên không hay công kích mặt đất và diệt hạm.
Dòng J-16 ứng dụng thiết kế chủ yếu từ tiêm kích Su-30MKK, nhưng được trang bị hệ thống radar và bám bắt mục tiêu nội địa của Trung Quốc. Khả năng tiếp dầu trên không giúp nó tăng cường bán kính tác chiến, cho phép thực hiện đòn đánh sâu bên trong lãnh thổ đối phương.
Trung Quốc cũng đang phát triển biến thể tác chiến điện tử J-16D, bị nghi sao chép từ tiêm kích EA-18G Growler của Mỹ.
Những đặc điểm riêng biệt của tiêm kích J-16D. Ảnh: Popsci. |
Các bức ảnh công bố năm 2015 cho thấy pháo 30 mm cùng hệ thống bám bắt hồng ngoại (IRST) đã bị tháo bỏ, chứng tỏ J-16D không được chế tạo để không chiến tầm gần. Thay vào đó, nó được lắp hàng loạt ăng ten và khối thiết bị tác chiến điện tử dọc thân. Phần mũi được rút ngắn và thiết kế lại để chứa radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) hiện đại.
Các khối thiết bị tác chiến điện tử gắn trên cánh J-16D khá giống mẫu AN/ALQ-218 trên EA-18G Growler. Đây là cảm biến điện từ có thể phân tích tần số và định vị thiết bị phát tín hiệu vô tuyến, từ đó gây nhiễu và khóa mục tiêu. Nhiều khả năng khung thân J-16D được tối ưu cho tên lửa diệt radar, cũng như mang được tới ba khối gây nhiễu dưới cánh và thân. Mỗi thiết bị sẽ dùng đối phó một dải tần số radar khác nhau, cũng như ứng dụng công nghệ AESA.
Khả năng thực hiện đòn tác chiến điện tử của J-16D được Trung Quốc xem là chìa khóa để giành chiến thắng trong xung đột tại eo biển Đài Loan, bởi việc chế áp hệ thống phòng không đối phương trong giai đoạn đầu cuộc chiến rất quan trọng.
Khi mang toàn bộ khí tài tác chiến điện tử, J-16D vẫn còn 6 giá treo vũ khí để trang bị ba loại tên lửa diệt radar (ARM) khác nhau mà Trung Quốc đang sở hữu là CM-103, YJ-91 và LD-10. J-16D cũng có thể mang theo các vũ khí đối không cơ bản như tên lửa PL-9 và PL-12.
Trong các chiến dịch đường không, chuyên gia Jeffrey Lin và P.W. Singer cho rằng J-16D sẽ bảo vệ phi đội oanh tạc cơ và tiêm kích bằng khả năng gây nhiễu và chế áp hệ thống phòng không đối phương. Được thiết kế trên nền tảng tiêm kích, nó vẫn có thể tự phòng thủ và bảo vệ các máy bay khác trước chiến đấu cơ đối phương.
Giới chuyên gia đánh giá trọng tải lớn và bán kính tác chiến được tăng cường của J-16 có thể giúp PLAAF chuyển từ chiến lược phòng thủ sang tiến công.
Biên đội J-16 trong một cuộc diễn tập hồi tháng 3 năm nay. Ảnh: Sina. |
Sự xuất hiện của J-16 sẽ tăng cường đáng kể phạm vi tác chiến cho PLAAF. Ngoài ra, nó cũng giúp Trung Quốc lấp khoảng trống trước khi các tiêm kích thế hệ 5 được sản xuất hàng loạt.
Adam Ni, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho rằng việc biên chế J-16 có thể giúp Bắc Kinh sở hữu năng lực bảo vệ không phận trong thời bình và thực hiện đòn không kích tầm xa khi nổ ra chiến tranh.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Những tháng gần đây, PLAAF thường xuyên điều chiến đấu cơ và oanh tạc cơ chiến lược bay tuần tra quanh Đài Loan, nhưng J-16 vẫn chưa tham gia nhiệm vụ này.
Nhà phân tích quân sự Song Zhongping cho rằng đợt diễn tập đầu tháng 8 chỉ là bước đệm để PLAAF đưa J-16 vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. "Nó sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện, không chỉ với bản thân chiếc máy bay mà còn cả phương án hiệp đồng, cách tích hợp nó vào mạng lưới tác chiến với những phi cơ khác trong cùng một nhiệm vụ", Song nhận định.
"Dòng J-16 sẽ thay thế những chiếc Su-30MKK trong biên chế Sư đoàn tiêm kích số 3, đơn vị phụ trách nhiệm vụ ở khu vực Đài Loan và Đông Hải. Chúng ta sẽ sớm thấy các tiêm kích J-16 bay tuần tra quanh đảo Đài Loan", chuyên gia Antony Wong Dong phát biểu.