Kofi Annan - nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của Liên Hợp quốc

Thuý Ngọc 19/08/2018 18:00

(Baonghean) - Sáng 18/8/2018, Cựu Tổng thư ký Liên Hợp quốc Kofi Annan đã qua đời ở tuổi 80. Thế giới sẽ còn mãi nhớ về ông - người đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh cho một thế giới hòa bình và công bằng hơn, cũng là người mà Liên Hợp quốc đánh giá là vị Tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử của tổ chức quyền lực nhất thế giới này.

Nhà thương thuyết tài ba

Ông Kofi Annan sinh ngày 8/4/1938 trong một gia đình dòng dõi tại Kumasi, Ghana. Cả họ nội và họ ngoại của ông đều có những thành viên là trưởng tộc, trong đó cha ông là Thống đốc tỉnh Ashanti thời còn nằm dưới sự cai trị của thực dân Anh.

Kofi Annan – Tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử Liên hợp quốc. Ảnh: The Sun
Kofi Annan - Tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử Liên hợp quốc. Ảnh: The Sun

Thời niên thiếu, điều kiện gia đình đã giúp ông được theo học những trường danh giá nhất ở Ghana, trước khi bước chân vào Đại học Khoa học Kỹ thuật tại thủ đô Kumasi.

Nhưng chỉ không lâu sau đó, chàng thanh niên 20 tuổi Kofi Annan, đã giành được học bổng của Quỹ Ford để theo học Đại học Macalester ở Minnesota, Mỹ chuyên ngành kinh tế.

Sau khi nhận bằng cử nhân kinh tế vào năm 1961, ông lại tới Geneva, Thụy Sĩ để tiếp tục con đường học vấn của mình với chuyên ngành quan hệ quốc tế. Sau này, ông còn theo học chuyên ngành quản lý tại đại học Massachusetts của Mỹ.

Được đánh giá là người có học thức rộng và đặc biệt đam mê với các vấn đề quan hệ quốc tế, Kofi Annan gia nhập Liên Hợp quốc từ rất sớm với vị trí đầu tiên là nhân viên kế toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm 1962, sau đó chuyển sang phục vụ tại Ủy ban kinh tế châu Phi tại Addis Ababa (Ethiopia) chuyên về các dự án phát triển.

Năm 1974, ông tới Cairo, Ai Cập, với cương vị là người phụ trách vấn đề nhân sự trong Lực lượng Khẩn cấp của Liên Hợp quốc. Từ năm 1976, ông hoạt động tại Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp quốc về người tị nạn ở Geneva.

Ông còn công tác tại nhiều vị trí khác nhau, nhưng phải đến những năm 1990, cái tên Kofi Annan mới bắt đầu được thế giới chú ý về tài thương thuyết trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990.

Khi đó, ông Annan thuyết phục được Iraq trả tự do cho 900 nhân viên Liên Hợp quốc và hàng nghìn người nước ngoài bị bắt làm con tin ở Iraq, đồng thời đưa họ an toàn rời khỏi đất nước Hồi giáo này. Thành công tiếp theo của Annan là khi tiến hành cuộc chuyển giao sứ mạng gìn giữ hòa bình ở Bosnia-Herzegovina từ tay Liên Hợp quốc sang NATO một cách êm đẹp.

Ông Kofi Annan nhận giải Nobel hòa bình năm 2001. Ảnh: DW
Ông Kofi Annan nhận giải Nobel hòa bình năm 2001. Ảnh: DW

Năm 1993, ông Annan được Tổng Thư ký Boutros Ghali đề cử giữ vị trí cao nhất trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức này, nắm quyền chỉ huy 70.000 nhân viên quân sự và dân sự từ 77 quốc gia trên thế giới.

Và khi ông Boutros Ghali mãn nhiệm, Kofi Annan đã được Đại hội đồng tín nhiệm bầu làm Tổng thư ký thứ 7 của Liên Hợp quốc vào cuối năm 1996.

Ngoài thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và một số ngôn ngữ châu Phi, ông Kofi Annan hội tụ những phẩm chất tuyệt vời của một người đứng đầu tổ chức lớn nhất toàn cầu: khéo léo, can đảm, ôn hòa, nói năng nhẹ nhàng, giàu ý tưởng và đầy lòng trắc ẩn.

Bạn bè và đồng nghiệp luôn nhớ về ông với hình ảnh một người luôn nở nụ cười trên môi, một người luôn giữ được sự bình tĩnh và điềm đạm giữa mọi vòng xoáy của đời sống chính trị thế giới.

Và chính sự bình tĩnh, điềm đạm đó là thế mạnh giúp ông tìm ra nhiều lời giải cho những bài toán hóc búa nhất, tại những địa bàn phức tạp nhất trong suốt 10 năm giữ cương vị người đứng đầu của Liên Hợp quốc.

Khát vọng hòa bình

Dù vậy, sự nghiệp của Kofi Annan không phải lúc nào cũng “trải hoa hồng”. Khi còn giữ vị trí người đứng đầu Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, ông đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì thất bại trong việc chấm dứt nạn diệt chủng ở Rwanda - sự kiện hơn 800.000 người sắc tộc Tutsi bị giết chết trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/1994.

Ông Annan bị chỉ trích không triển khai đủ lực lượng tới quốc gia này bất chấp cảnh báo về sự leo thang bạo lực tại quốc gia này. Sau này, Kofi Annan cũng không thể quên vụ việc này như một dấu mốc đáng buồn trong sự nghiệp của mình khi nói rằng: “Cộng đồng quốc tế đã thất bại tại Rwanda, điều đó đã để lại cho chúng tôi nỗi buồn, sự hối tiếc và niềm cay đắng”.

Nhưng có lẽ sự kiện ở Rwanda luôn là lời nhắc nhở khi ông trở thành Tổng thư ký Liên Hợp quốc sau này. Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông đã khẳng định rõ ràng ông không chỉ muốn thực hiện các nhiệm vụ hành chính trong văn phòng tại New York, mà khao khát lớn nhất là làm cho Liên Hợp quốc hoạt động ngày một hiệu quả hơn vì hòa bình, vì cuộc sống tốt đẹp hơn của con người.

“Thế giới ngày hôm nay dành hàng tỉ USD để chuẩn bị cho chiến tranh, vậy chúng ta không nên dành một hay tỉ USD để chuẩn bị cho hòa bình sao?”

Kofi Annan

Trong suốt 2 nhiệm kỳ làm Tổng thư ký Liên Hợp quốc, ông đã tích cực kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ các nước nghèo hơn xóa nghèo và bất bình đẳng, thúc đẩy chiến dịch chống nóng lên toàn cầu, đẩy lùi HIV/AIDS và giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị, nổi bật là chiến dịch quốc tế để ngăn ngừa bạo lực tại Đông Timor và tìm kiếm hòa bình tại Trung Đông.

Thành tựu lớn nhất của ông qua hai nhiệm kỳ là xây dựng Các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, theo đó, lần đầu tiên thế giới đặt mục tiêu toàn cầu cho những vấn đề như đói nghèo và tỷ lệ tử vong trẻ em.

Với những đóng góp của mình, ông Kofi Annan và Liên Hợp quốc đã vinh dự được trao giải Nobel hòa bình năm 2001. Và vai trò “sứ giả hòa bình” vẫn còn theo ngay cả khi ông đã rời khỏi cương vị Tổng thư ký Liên Hợp quốc năm 2006.

Với kinh nghiệm và niềm đam mê mà ông đã theo đuổi từ những năm tuổi trẻ, Kofi Annan tiếp tục làm việc cho nhiều tổ chức phi chính phủ khác nhau, trong đó có quỹ Kofi Annan của chính ông.

Kofi Annan trở thành nhà đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập ở Kenya sau cuộc bầu cử đầy xung đột hồi cuối năm 2007, giữ vị trí đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về vấn đề Syria năm 2012, và cố vấn cho một ủy ban giải quyết xung đột với người thiểu số Rohingya ở Myanmar năm 2017…

“Ông ấy cho mọi người không gian để đối thoại, một nơi để giải quyết các vấn đề và con đường dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn. Trong những thời khắc hỗn loạn, ông không ngừng làm việc để đưa những giá trị của Hiến chương Liên Hợp Quốc vào cuộc sống.”

Đương kim Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antoni Guterres nhận xét

Ướ́c mong còn dang dở

Được đánh giá là Tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử của Liên Hợp quốc, có nhiều đóng góp cho hòa bình thế giới, song vẫn còn những mong muốn mà ông Kofi Annan chưa thể thực hiện khi rời khỏi cương vị Tổng thư ký.

Kể từ khi nhậm chức, ông đã bắt đầu quảng bá cho một học thuyết mới về can thiệp quốc tế, trong đó quy định trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn tội ác diệt chủng và tội ác chiến tranh.

Ý tưởng này xuất phát từ sự phản đối của ông khi NATO tiến hành can thiệp vào Kosovo hồi năm 1999 mà chưa nhận được sự chấp thuận của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Nếu cần có sự thông qua của Hội đồng bảo an, chiến dịch của này của NATO khó có khả năng diễn ra bởi Nga gần như chắc chắn sẽ phủ quyết. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực, kỹ năng ngoại giao và uy tín của mình, ông vẫn không thể thiết lập được cơ chế mới này.

Và đó cũng là lý do khiến ông không thể ngăn chặn được việc Mỹ và các nước đồng minh tấn công Iraq vào năm 2003. Thời điểm Tổng thống Mỹ George Bush phát động cuộc tấn công, ông Kofi Annan vô cùng thất vọng và đã gọi là “thời khắc đen tối nhất của tôi”.

Ông Kofi Annan tới Myanmar thực hiện nhiệm vụ quốc tế cuối cùng trước khi qua đời. Ảnh: DW
Ông Kofi Annan tới Myanmar thực hiện nhiệm vụ quốc tế cuối cùng trước khi qua đời. Ảnh: DW

Giới phân tích đánh giá Kofi Annan là một trong những đại diện nổi bật nhất trong việc nâng cao vai trò của Liên Hợp quốc kể từ đầu thế kỷ 21 thông qua những nỗ lực để thúc đẩy một học thuyết về can thiệp quốc tế nhằm mở rộng phạm vi hỗ trợ nhân đạo, bảo vệ dân thường.

Nhưng là người có nhiều năm công tác tại tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này, ông quá hiểu những hạn chế của Liên Hợp quốc khi hai chữ “hòa bình” được quyết định quá nhiều bởi những quốc gia có quyền lực trong tổ chức.

Đó cũng là lý do mà học thuyết can thiệp quốc tế của ông đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận. Và có lẽ, cải cách Liên Hợp quốc, nâng cao vai trò của tổ chức này trong bảo vệ dân thường sẽ vẫn là con đường dài mà Kofi Annan mong muốn những người kế nhiệm tiếp bước.

Thuý Ngọc