Phân tích kỹ việc kết nối giữa hai yếu tố lao động, việc làm và xóa đói giảm nghèo
(Baonghean.vn) - Sáng 20/8, UBND tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề về Công tác giải quyết việc làm, XKLĐ và giảm nghèo.
Tham dự hội nghị về phía Trung ương có các đồng chí: T.S Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện KH Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB & XH; Đặng Đình Dũng - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động nước ngoài; Nguyễn Duy Hưng - Phó Vụ trưởng, Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Minh Thông – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành và các nhà khoa học.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Anh |
Trong 5 năm, từ 2013 – 2017, công tác XKLĐ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, xem đây là mũi nhọn góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững.
5 năm qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 185.936 lao động, trong đó: Làm việc trong tỉnh 64.356 người; ngoài tỉnh 58.024 người; XKLĐ 63.556 người (tăng 11,2% so với giai đoạn 2008 - 2012).
Chất lượng lao động ngày càng nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 44% năm 2013 lên 53,1% năm 2017. Chất lượng đào tạo thời gian gần đây đã có sự thay đổi khá rõ nét, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Đại diện Bộ LĐTB&XH; đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Sở LĐTB&XH chủ trì hội thảo. Ảnh: Đức Anh |
Trong 5 năm qua có hơn 200 doanh nghiệp liên kết với các cơ sở đào tạo để tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí việc làm cho 118.385 lao động sau đào tạo.
Nhiều chương trình giảm nghèo đã triển khai, toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình giảm nghèo bền vững. Việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đến cuối năm 2017 còn 7,54%.
Cây chanh leo được xem là cây chủ lực giảm nghèo trên địa bàn huyện Quế Phong. Ảnh: tư liệu |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm, XKLĐ và giảm nghèo của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Số lao động chưa có việc làm còn nhiều hoặc có việc làm nhưng thiếu ổn định; chất lượng lao động chưa cao; tình trạng lao động phá bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại một số nước còn cao; nhiều mô hình giảm nghèo chưa thực sự đem lại hiệu quả; nhiều hộ nghèo chưa nỗ lực thoát nghèo...
Đây cũng chính là những vấn đề được các đại biểu đưa ra phân tích, đánh giá, trao đổi tại Hội thảo. Đồng thời, định hướng chiến lược; đề xuất, kiến nghị, các giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Từ đó nhằm phát huy tối đa nguồn nhân lực trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Anh |
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu ngành Lao động chủ trì phối hợp với các cấp, ngành liên quan để tìm ra giải pháp trong việc giải quyết việc làm xóa đói giảm nghèo; phân tích kỹ việc kết nối giữa hai yếu tố lao động, việc làm và xóa đói giảm nghèo.
Đồng chí cho rằng, đánh giá 5 năm cần có mốc thời gian, cần đánh giá triển vọng lao động, cần chứng minh về sự biến đổi, xu thế biến đổi, gắn với dự báo.
"Hiện, thị trường việc làm còn ít, chúng ta cần có những phân tích sát thực từ đó có định hướng để các cấp ngành, đơn vị thấy rõ chức năng nhiệm vụ của mình trong việc đào tạo giải quyết việc làm. Bên cạnh đó cần đánh giá số liệu về lao động việc làm trong 5 năm qua, phải phân tích được cơ cấu lao động, lao động chuyển dịch như thế nào và ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế từ đó mới đưa ra định hướng.
Cần phân tích sâu về nhu cầu việc làm, chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Chúng ta cần tập trung chính sách bảo trợ và hỗ trợ cho những người yếu thế, tàn tật. Đồng thời cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho lao động phổ thông còn có khả năng lao động thuộc diện hộ nghèo; cần có cơ chế giao đất giao rừng hỗ trợ sản xuất cho người dân đặc biệt là đồng bào vùng cao, vùng sâu vùng xa."- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu.
Đồng chí Lê Minh Thông kết luận tại hội thảo. Ảnh: Đức Anh |
Kết luận tại hội thảo, đồng chí Lê Minh Thông yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch dự án, chính sách về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh, ngành....
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối về hoạt động xuất khẩu lao động; giúp người lao động nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước; xây dựng và nhân rộng mô hình làm kinh tế trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp để góp phần giảm nghèo bền vững.
Đồng chí yêu cầu: Ngành lao động và các địa phương cần duy trì quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng phần mềm công nghệ thông tin; đồng thời tiến hành xây dựng phần mềm quản lý dạy nghề, giải quyết việc làm và lao động đi xuất khẩu nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo quản lý.