Chủ tịch Tôn Đức Thắng với công tác tuyên truyền cách mạng của Đảng
(Baonghean.vn) - Về đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc”, “là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần kiệm liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên cường (Ảnh tư liệu) |
I. Đồng chí Tôn Đức Thắng (1888 - 1980) là một lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; người bạn chiến đấu thân thiết, cộng sự đắc lực và kế tục sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của quê hương An Giang. Với 92 tuổi đời, có 50 năm tuổi Đảng, hơn 70 năm hoạt động cách mạng, gần 17 năm bị đế quốc tù đày, đồng chí Tôn Đức Thắng có nhiều cống hiến quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc ta và đóng góp nhất định cho cách mạng thế giới.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng”. Đóng góp của đồng chí Tôn Đức Thắng thể hiện trên nhiều phương diện, từ những hoạt động trong phong trào công nhân ở Sài Gòn đầu thế kỷ XX; tham gia cuộc nổi dậy của thủy thủ Pháp ở Biển Đen, bảo vệ Cách mạng tháng Mười Nga; thành lập tổ chức Công hội, tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, lãnh đạo phong trào công nhân đấu tranh; hoạt động, cống hiến trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên; tuyên truyền, đấu tranh cách mạng trong nhà tù đế quốc; cùng với Đảng, Nhà nước lãnh đạo kháng chiến kiến quốc giai đoạn 1945-1954…
Công nhân nhà máy Ba Son và nhà máy in tham gia đám tang cụ Phan Chu Trinh, ngày 04 tháng 4 năm 1926. Ảnh tư liệu |
Một trong những đóng góp nổi bật của đồng chí Tôn Đức Thắng có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam từ buổi đầu thành lập Đảng xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và những năm đầu của thời kỳ cả nước thống nhất đi lên xây dựng CNXH chính là công tác tuyên truyền, cổ động tạo nên sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng và các tầng lớp nhân dân. Đóng góp ấy không chỉ có ý nghĩa trong thời kỳ Tôn Đức Thắng hoạt động, lãnh đạo cách mạng mà còn có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng giai đoạn hiện nay.
II. Về công tác tuyên truyền, cổ động của đồng chí Tôn Đức Thắng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, có thể nhấn mạnh một số vấn đề chính như sau:
Một là, đồng chí tuyên truyền, sớm khơi dậy trong đông đảo công nhân, thợ thuyền tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, mạnh dạn đấu tranh đòi quyền lợi giai cấp đi đến thành lập tổ chức công hội - công đoàn.
Từ năm 12 tuổi, Tôn Đức Thắng thường tìm đến thầy dạy học để hỏi và nghe kể về những chí sĩ yêu nước như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu. Khi hay tin Phan Bội Châu sắp vào Nam, đồng chí tìm cách để gặp gỡ, hiểu biết thêm về thời thế và chủ trương cứu nước của cụ Phan.
Năm 1906, học xong bậc tiểu học ở quê nhà, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn tìm cuộc sống mới cũng là mưu cầu tìm phương kế rửa nỗi nhục cho người dân mất nước. Sau hơn một năm tìm hiểu thực tế nơi phố thị phồn hoa sầm uất, Tôn Đức Thắng đánh giá Sài Gòn có bốn hạng người: 1) Sài Gòn của bọn thống trị người Pháp. 2) Sài Gòn của giới công chức, thầy chủ. 3) Sài Gòn thương mại với những tiệm tạp hóa tiệm ăn, nhà ngủ, tiệm rượu, tiệm hát. 4) Sài Gòn của người lao động. Cuối cùng, anh lựa chọn học nghề làm thợ, từng bước thâm nhập vào tầng lớp công nhân Việt Nam đang trên đà hình thành giai cấp.
Công nhân Ba Son tham gia sản xuất vũ khí ở công binh xưởng. Ảnh tư liệu |
Nhận thấy sức mạnh của thợ thuyền, chứng kiến sự bóc lột của bọn thủ, Tôn Đức Thắng tìm cách tập hợp, kêu gọi, vận động công nhân phát huy tinh thần yêu nước, đứng lên chống bọn chủ cai, đòi tăng lương (năm 1910); tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh Trường Bá Nghệ Sài Gòn bãi khóa (năm 1912). Năm 1913, Tôn Đức Thắng sang Pháp làm công nhân ở Toulon; năm 1914, được tuyển mộ làm lính thợ cho một đơn vị Hải quân Pháp; năm 1919, tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của đế quốc vào nước Nga Xô viết tại Hắc Hải.
Năm 1920, sau khi ở Pháp về Sài Gòn, nhận thấy sự cần thiết phải có tổ chức của công nhân, đồng chí tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp, giáo dục công nhân, thành lập Công hội - tiền thân của Công đoàn. Nhờ có tổ chức và chú trọng công tác truyên truyền của Tôn Đức Thắng, dẫn đến cuộc bãi công lớn của công nhân Ba Son (8-1925) gây tiếng vang lớn, đánh dấu bước trưởng thành của phong trào công nhân Việt Nam. Từ đây, “giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu đi vào đấu tranh có tổ chức và có mục đích chính trị rõ ràng”.
Hai là, có đóng góp lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam; tích cực hưởng ứng, kêu gọi, giới thiệu thanh niên gia nhập Hội Việt Nam cách mạng, tuyên truyền, vận động công nhân, thợ thuyền, trí thức một lòng đi theo cách mạng dưới ngọn cờ của Nguyễn Ái Quốc.
Thông qua một số tài liệu được cập nhật từ hoạt động thực tiễn trong thời gian ở Pháp (1913-1920) và nguồn tài liệu của Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu (Trung Quốc) chuyển vào cảng Sài Gòn, đồng chí Tôn Đức Thắng tuyên truyền, phổ biến làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin nhanh chóng thâm nhập vào điều kiện thực tế ở Việt Nam, nhất là trong tầng lớp công nhân, thợ thuyền ở Sài Gòn. Đồng chí là một trong những người đầu tiên có công tuyền bá, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm của công nhân quốc tế vào xây dựng phong trào công nhân Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX. Ngay sau khi có tổ chức Công hội, Tôn Đức Thắng tìm cách liên lạc mật thiết với công nhân, thủy thủ tàu biển để tiếp nhận báo chí tiến bộ như: Báo Nhân đạo, Báo Người cùng khổ, Việt Nam hồn và nhiều bài báo khác của Nguyễn Ái Quốc; tổ chức cho công nhân đọc báo và truyền đạt cho nhiều người hiểu được tình hình đấu tranh của công nhân thế giới để họ có thêm động lực làm cách mạng.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm công nhân làm việc tại Nhà máy Ba Son sau ngày đất nước thống nhất, tháng 11 năm 1975. Ảnh tư liệu |
Khoảng giữa năm 1927, Kỳ bộ Nam kỳ Hội VNCMTN thành lập ở Sài Gòn. Tôn Đức Thắng tích cực tuyên truyền, vận động cho nhiều thanh niên giác ngộ, gia nhập Hội; đồng thời, lựa chọn, giới thiệu công nhân ưu tú của nhà máy Ba Son như Nguyễn Văn Tư, Ngô Văn Nam… sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Trong phong trào “vô sản hóa”, đồng chí có vai trò lớn, góp phần làm cho nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân, làm tiền đề cho việc thành lập Đảng Cộng sản sau đó.
Ba là, giai đoạn ở tù Côn Đảo, đồng chí tích cực tuyên truyền, sáng lập tổ chức, xuất bản báo chí, tạo sự thống nhất tư tưởng, truyền niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, củng cố ý chí chiến đấu, giáo dục nâng cao nhận thức cho tù nhân.
Những năm tháng bị thực dân Pháp bắt tù đày ở Côn Đảo (1930-1945), Tôn Đức Thắng đã sáng lập và là Hội trưởng Hội những người tù đỏ làm hạt nhân lãnh đạo, tập hợp tù nhân, tạo sức mạnh đoàn kết chống lại chế độ lao tù, tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin cho tù nhân. Đồng chí còn là một trong những người sáng lập chi bộ đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo nhằm mục đích: lãnh đạo đấu tranh trong tù; giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho nhau; tuyên truyền, giác ngộ binh lính, giám thị; liên hệ với Đảng ở đất liên và tổ chức trốn tù[2]. Ngoài ra, đồng chí còn là một người tổ chức ra Hội cứu tế tù nhân vừa là để chăm sóc tù nhân nhưng mục đích chính là tuyên truyền, giáo dục văn hóa, lòng yêu nước; thành lập và làm chủ tịch Hội tù nhân.
Trong nhà tù Côn Đảo, nhờ vai trò hoạt động chủ đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng, Báo ý kiến chungra đời năm 1932, Tạp chí Tiến lên ra đời đầu 1935, làm phương tiện quan trọng tuyên truyền cách mạng, hướng dẫn người tù Côn Đảo kiên trì đấu tranh theo lý tưởng cộng sản. Ngoài ra, đồng chí còn tranh thủ sự ủng hộ của một số binh lính, công chức người Pháp ở Côn Đảo có thiện chí với cách mạng Việt Nam, nhờ họ mua hộ sách, báo tiến bộ xuất bản tại Pháp để phục vụ tuyên truyền cách mạng.
Khi biết phát xít Đức tấn công Liên Xô, trong nội bộ Đảng ở nhà tù Côn Đảo diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt về vai trò của Liên Xô trong thế chiến thứ hai, bằng kiến thức sắc sảo và niềm tin sắt đá, Tôn Đức Thắng lý giải và truyền niềm tin cho mọi người. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), nội bộ tù Côn Đảo lại có sự phân hóa, Tôn Đức Thắng đã vạch rõ sự thất bại tất yếu của chủ nghĩa phát xít, khẳng định thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam và các nước đồng minh, dự báo sẽ ra đời một loạt nước XHXN dưới vai trò thành trì của Liên Xô.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc vào sáng 13/5/1975. Ảnh tư liệu |
Bốn là, Tôn Đức Thắng vừa là người lãnh đạo, vừa là người tổ chức, tuyên truyền, kêu gọi thực hiện đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần đưa cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn thách thức, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối.
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước VNDCCH ra đời, mở ra kỷ nguyên mới. Nhưng chính quyền cách mạng non trẻ phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thách thức. Bên trong, “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc nội phản” hoành hành; bên ngoài, các thế lực đế quốc, thù địch, phản động câu kết với bọn tay sai, nội phản, tìm cách bao vây, chống phá, hòng lật đổ chính quyền cách mạng, tái dựng ách thống trị của chúng. Theo gót quân Tưởng là bọn tay sai Việt Cách do Nguyễn Hải Thần cầm đầu tiến vào theo đường Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái, tích cực quấy rối, rải truyền đơn khắp nơi chống phá Việt Minh, dựng điều thảo phạt Chính phủ Hồ Chí Minh. Bọn Việt Quốc do Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam cầm đầu theo đường Lào Cai, Hà Giang cũng ùa về nước. Các tổ chức chính trị thân Nhật như Đại Việt cách mạng đảng, Đại Việt duy tân đảng, Việt Nam phục quốc, Việt Nam quốc xã đảng, Thanh niên ái quốc đoàn… ráo riết hoạt động.
Trong bối cảnh như thế, việc tạo dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chí hướng phục vụ kháng chiến kiến quốc là vô cùng quan trọng. Ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam thành lập do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Hội trưởng còn đồng chí Tôn Đức Thắng làm Hội phó. Cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tôn Đức thắng nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, hiệu triệu sức mạnh đồng lòng trong Đảng, nhân dân dưới ngọn cờ cách mạng của Hồ Chí Minh. Đồng chí kêu gọi: Nếu ai có thành kiến của giai cấp, của đảng phái, của tôn giáo thì đến trong phòng họp này cũng đã để lòng nghe theo một tiếng gọi cao cả và thiêng liêng hơn cả bấy nhiêu tiếng gọi lúc thường: tiếng gọi của Tổ quốc. Cái không khí ấy đã hoàn toàn phản chiếu được tình trạng chung của đất nước - tình trạng thống nhất ý chí và hành động.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng |
Khi cụ Huỳnh qua đời, Tôn Đức Thắng làm Hội trưởng Hội Liên Việt và quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, càng thêm trọng trách. Từ năm 1948, đồng chí được giao nhiệm vụ bắt đầu quá trình thống nhất Hội Liên Việt với Mặt trận Việt Minh. Từ năm 1955, đồng chí là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hơn 30 năm là người đứng đầu mặt trận, đồng chí liên tục được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ tin tưởng giao trọng trách, tận tâm tận lực giương cao ngọn cờ tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, đồng chí vừa là người đứng đầu tổ chức, đồng thời là nhà tuyên truyền tích cực kêu gọi các tầng lớp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi các cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc. Bởi vậy, đồng chí Trường Chinh khẳng định: đồng chí Tôn Đức Thắng là người tiêu biểu nhất cho chính sách đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm là, đồng chí Tôn Đức Thắng là một người đầu tiên trực tiếp tổ chức, tuyên truyền, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước theo lời Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tinh thần yêu nước và tích cực thi đua yêu nước thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng của toàn dân, được tổ chức, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta từ năm 1948, gắn với việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước ngày 1/5/1948 (chỉ có 104 chữ) và Lời kêu gọi thi đua ái quốcngày 11/6/1948; Trung ương Đảng ra Chỉ thị ngày 27/3/1948 phát động phong trào thi đua ái quốc. Trong đó, đồng chí Tôn Đức Thắng có vai trò to lớn đưa các chủ trương vào thực tiễn, biến thành hành động cách mạng, đem lại những kết quả thiết thực. Chính đồng chí Tôn Đức Thắng là người có công làm dấy lên phong trào Tết trồng cây, nhà nhà trồng cây, người người trồng cây do Bác Hồ đề xướng.
Tượng đài Bác Hồ với Bác Tôn tại Công viên Thống nhất Hà Nội. Ảnh internet |
Với trọng trách là Trưởng ban vận động thi đua ái quốc Trung ương, đồng chí Tôn Đức Thắng có công xây dựng kế hoạch, vạch lộ trình, tổ chức, tuyên truyền, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân thực hiện lời kêu gọi của Bác. Nhờ vậy, từ trong giai đoạn chống Pháp đã có nhiều phong trào thi đua dưới nhiều hình thức phong phú với những khẩu hiệu hành động thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu chung của kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Các phong trào, “chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công, đồng bào ở hậu phương thi đua tăng gia sản xuất”, “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”, “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”… đã lôi cuốn đồng bào, chiến sỹ cả nước tích cực đóng góp mọi mặt cho kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Tiếp nối tinh thần đó, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước nở rộ khắp các ngành nghề, các giới, các lĩnh vực. Đó là các phong trào tiêu biểu như: Phong trào “Ba nhất” trong quân đội xuất hiện từ ngày 18/6/1960; phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp và phong trào “Thi đua với Đông Hiếu” trong nông trường quốc doanh xuất hiện đầu năm 1961; phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp và “Thi đua Hợp tác xã Thành Công” trong thủ công nghiệp xuất hiện giữa năm 1961; phong trào thi đua “Hai tốt” trong ngành giáo dục xuất hiện từ tháng 9/1961; phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” xuất hiện cuối năm 1964 đầu 1965; phong trào“Ba đảm đang” xuất hiện tháng 3/1965… Ở một số địa phương cũng xuất hiện nhiều phong trào với các khẩu hiệu như: “Bám đất giữ làng”; “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Giết giặc lập công”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Căng địch ra mà đánh, vây chúng lại mà diệt”… Các phong trào thi đua ấy đã đóng góp to lớn làm nên thắng lợi vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Việt Bắc (ngày 21/1 đến 3/2/1950) “Đẩy mạnh thi đua, nhằm đúng hướng chính”, đồng chí nêu ra nhiều vấn đề không chỉ tổng kết rút kinh nghiệm mà còn là khẩu lệnh tuyên truyền, hiệu triệu mọi người hăng hái thi đua lập nhiều thành tích, cống hiến đắc lực cho đất nước.
Sáu là, đồng chí Tôn Đức Thắng là người sớm tuyên truyền, kêu gọi học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tượng Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại tỉnh An Giang. Nguồn ảnh Internet |
Đồng chí Tôn Đức Thắng có hơn 20 năm (1946-1969) được sống, làm việc, cộng tác bên cạnh Hồ Chí Minh, được tín nhiệm giao nhiều trọng trách trong Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội (Phó Chủ tịch nước từ tháng 6/1960 đến tháng 9/1969, quyền Chủ tịch nước từ ngày 3/9 đến 22/9/1969, Chủ tịch nước từ ngày 22/9/1969 đến tháng 3/1980). Hơn ai hết, đồng chí hiểu rõ giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhận thức được “đường lối chính trị, nề nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Đảng là đường lối, tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh”. Nên từ Đại hội 2 của Đảng tháng 2/1951, đồng chí kêu gọi, tuyên truyền, cổ động toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh; khẳng định đây là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và cách mạng mau đi đến thắng lợi. Nhưng mãi đến năm 1969, sau khi Người mất, Bộ Chính trị (khóa III) mới có Chỉ thị số 173-CT/TW ngày 29/9/1969 mở đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta về việc “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” với mục đích làm tăng thêm lòng tự hào, phấn khởi, tin tưởng, ý chí quyết tâm thực hiện lời dạy của Người, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhanh đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Đến ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị khóa VI ra Thông báo số 151-TB/TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, từ sau Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991), công tác nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh càng được đẩy mạnh.
Sang đầu thế kỷ XXI, để thực hiện thắng lợi yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, Ban Bí thư có Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 27/3/2003 về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”. Ba năm sau, Bộ Chính trị khóa X có Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 5 năm sau, Bộ Chính trị (khóa XI) có Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đến ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khóa XII có Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” làm cho việc học tập và làm theo Bác Hồ nâng lên một tầm cao mới về nhiều phương diện, thể hiện quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Bảy là, đồng chí Tôn Đức Thắng đóng góp cho tuyên truyền đối ngoại, tạo sự gắn bó, đoàn kết quốc tế, thực hiện mục tiêu bảo vệ hòa bình thế giới.
Đồng chí Tôn Đức Thắng là một chiến sĩ, tuyên truyền viên tích cực trong cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới. Hoạt động đối ngoại đầu tiên của đồng chí có ý nghĩa tuyên truyền lớn lao là sự kiện ngày 20/4/1919 tham gia cuộc nổi dậy của các thủy thủ trên chiến hạm Pháp để chống lại cuộc chiến tranh phản cách mạng của đế quốc muốn tiêu diệt nước nước Nga Xô viết, phản đối chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Sau sự kiện này, đồng chí bị trục xuất khỏi nước Pháp, trở về Sài Gòn tiếp tục làm công nhân, tích cực tuyên truyền kêu gọi phản đối chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, giải phóng dân tộc.
Thời kỳ sau 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, đồng chí có nhiều hoạt động quan trọng góp phần thắt chặt mối quan hệ cách mạng các nước Trung Quốc, Liên Xô, Lào, Campuchia. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, thực hiện tình đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với nhiều bài viết, phát biểu sắc sảo tại các diễn đàn và một số chỉ đạo thực tế, đồng chí góp phần đánh bại các luận điệu hòa bình giả hiệu, đập tan âm mưu chia rẽ nước Việt Nam với đồng minh và bạn bè quốc tế. Bởi vậy, đồng chí là người Việt Nam đầu tiên nhận được Giải thưởng Stalin về sự nghiệp củng cố hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc (sau này mang tên Giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin) của Liên Xô trao tặng.
Khi tham gia đoàn đại biểu Việt Nam sang làm việc ở Pháp năm 1946, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng với các đồng chí khác đã tiếp xúc, tuyên truyền, vận động, cảm hóa nhiều nghị sĩ Quốc hội Pháp và đại diện các đoàn thể quần chúng. Điều đó làm cho nhiều tầng lớp nhân dân Pháp hiểu hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, từ đó họ ủng hộ kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, thắt chặt mối quan hệ nhân dân hai nước. Giai đoạn sau đó, đồng chí có nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền đối ngoại, góp phần đưa hình ảnh, con người Việt Nam đến với thế giới, tạo dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa Việt Nam với thế giới, thế giới với Việt Nam.
III. Trong công tác tuyên giáo hiện nay, chúng ta có thể học tập ở đồng chí Tôn Đức Thắng một số vấn đề quan trọng là:
Một là, học tập khả năng đứng mũi chịu sào của một cán bộ tuyên truyền, vừa làm công tác tư tưởng, vừa chăm lo công tác tổ chức thực hiện các phong trào cách mạng đạt tới mục tiêu đề ra.
Hai là, bám sát phương châm tuyên truyền của Hồ Chí Minh, rèn luyện khả năng thuyết phục thấu tình đạt lý, lấy năng lực, phẩm chất, uy tín của bản thân làm tấm gương sống để động viên, cảm hóa, thuyết phục người khác. Không dùng mệnh lệnh, áp đặt trong tuyên truyền, giải quyết mối quan hệ giữa người với người, mà dùng sự hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau, tạo nên giá trị quy tụ lòng người, có sức cảm hóa nhân văn sâu sắc. Coi trọng tuyên truyền miệng, nâng cao tính cổ động trong ngôn ngữ tuyên truyền, bám sát thực tế, không áp đặt, đúng đối tượng, tránh hình thức.
Ba là, làm tuyên truyền, phải có niềm tin chính trị sâu sắc, niềm tin đó được hình thành trên cơ sở khoa học. Muốn vậy, phải chú trọng học tập lý luận, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng nhuần nhuyễn vào thực tiễn cách mạng.
Bốn là,đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Phải coi trọng, phát huy vai trò của kiều bào, không chỉ là lực lượng quan trọng của tuyên truyền đối ngoại có vai trò như cầu nối hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, mà còn là lực lượng trực tiếp phản bác các luận điệu xuyên tạc, phá hoại, cản trở con đường phát triển Việt Nam. Như đồng chí Tôn Đức Thắng đã căn dặn: Kiều bào hải ngoại cũng phải tích cực hoạt động, tìm đủ cách tuyên truyền cuộc chiến tranh chính nghĩa của ta, gây thiện cảm với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đánh tan luận điệu của bọn phản động quốc tế.
Năm là,tích cực tuyên truyền về đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái để bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân. Điều này càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nhiều thế lực phản động, thù địch đang dùng nhiều chiêu bài xuyên tạc lịch sử dân tộc, nói xấu Đảng và chế độ, bôi nhọ thanh danh một số lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xúi dục, kích động nhân dân biểu tình, bạo loạn.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Tôn Đức Thắng là dịp để chúng ta thêm một lần ôn lại, đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn về những hoạt động, đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới; qua đó, thêm tôn vinh, quý trọng tài năng và nhân cách, học tập tấm gương sáng ngời của đồng chí.