Thứ trưởng Nội vụ: “Nhiều địa phương có tâm lý chờ quy định sáp nhập sở, ngành“

Võ Hải 21/08/2018 06:52

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho hay, việc sáp nhập một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là để bộ máy được hoạt động tốt nhất.

Chiều 20/8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ, trả lời nội dung của dự thảo nghị định về các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, lãnh đạo Bộ cho biết với 17 sở, ngành đang tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay, hiện có đề xuất chia thành ba nhóm.

Nhóm thứ nhất là 4 sở được đề xuất giữ nguyên: Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế.

Nhóm thứ hai là 10 sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp giữ ổn định hoặc hợp nhất, gồm các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông.

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa tại buổi họp báo chiều 20/8. Ảnh: Võ Hải.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa tại buổi họp báo chiều 20/8. Ảnh: Võ Hải.

Nhóm thứ ba là các cơ quan được đề xuất giao cho cấp tỉnh chủ động giữ ổn định hoặc thí điểm hợp nhất. Cụ thể: Sở Nội vụ với Ban tổ chức; Thanh tra tỉnh với Ủy ban kiểm tra; Văn phòng UBND tỉnh với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định một số sở đặc thù như Sở Quy hoạch Kiến trúc thuộc UBND TP Hà Nội và TP HCM; các Sở Ngoại vụ, Du lịch và Ban Dân tộc sẽ do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập. Căn cứ vào tiêu chí, các tỉnh chủ động thành lập hay không.

Vụ phó Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Đào Thị Hồng Minh cho biết, dự thảo đang được Bộ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành nghị định. Theo bà, sau khi tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tinh thần chung là "việc sáp nhập hay giữ nguyên cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh do quyền quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hay Thành ủy".

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, vừa qua có một số địa phương đi tiên phong trong việc sắp xếp lại cơ quan chuyên môn. Cuối tháng 6, tỉnh Lào Cai đã sáp nhập Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông Vận tải – Xây dựng. "Nhiều địa phương phản ánh, vì các sở chưa sắp xếp nên anh em có tâm lý ngóng chờ", Thứ trưởng Nội vụ nói

Liên quan vấn đề số lượng cấp phó sau khi sắp xếp lại bộ máy tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết, sắp xếp, sáp nhập là chuyện bình thường vì mục tiêu phục vụ cho nền hành chính hiệu lực, hiệu quả nhất. Nếu tính toán khoa học, sắp xếp hợp lý, bộ máy sau sáp nhập sẽ phát huy được cao nhất.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, quy định hiện nay không cho phép quá 3 phó giám đốc sở thuộc tỉnh và không quá 4 với Hà Nội và TP HCM. Nhưng khi sáp nhập hai sở với nhau, tùy từng trường hợp cụ thể, địa phương có thể cho phép giảm dần cấp phó hoặc đợi sắp xếp, bố trí công tác khác.

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108 của Chính phủ (từ năm 2015 đến nay) là gần 40.000 (năm 2015: trên 5.700 người; năm 2016: gần 12.000; năm 2017: hơn 12.500 người và 7 tháng đầu năm 2018: trên 9.400 người).

Trong đó, số người về hưu trước tuổi là 34.500, chiếm hơn 86%; hưởng chính sách thôi việc ngay trên 5.200 người chiếm 13%; hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học là 29 người chiếm 0,07%; hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước 40 người, chiếm 0,10%.

Võ Hải