Taxi truyền thống lo bị "bức tử"nếu Uber, Grab phát triển
Các chuyên gia cho rằng Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 không nên phát triển thêm loại hình vận tải khác, chỉ nên duy trì 2 loại hình taxi và hợp đồng.
Một lần nữa những quan điểm trái chiều quy định liên quan tới hoạt động của xe taxi truyền thống, xe công nghệ như Uber, Grab... tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải, lại được các chuyên gia, doanh nghiệp mổ xẻ tại hội thảo góp ý của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ngày 21/8.
Các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống vẫn bảo lưu quan điểm xe công nghệ như Uber, Grab cũng là kinh doanh vận tải như taxi, nên phải chịu sự quản lý như taxi. "Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh. Buồn là khiếu nại của hàng nghìn lái xe taxi chính thống đã không được thể hiện trong dự thảo sửa đổi Nghị định", ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM bức xúc.
Theo ông Hỷ, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 không nên phát triển thêm loại hình vận tải khác như: xe điện tử, taxi điện tử... ngoài các loại hình đã có; chỉ nên duy trì 2 loại hình taxi và hợp đồng như Luật Giao thông đường bộ quy định. Taxi chính thống có thể tăng thêm tiện ích, phương tiện thanh toán... nhưng về cơ bản phải thỏa mãn những điều kiện kinh doanh dành cho lĩnh vực đó.
“Để taxi điện tử tồn tại là "bức tử" doanh nghiệp taxi chính thống. Nên đưa tất cả các phương tiện hoạt động tương đồng vào cùng loại hình như đưa xe hợp đồng điện tử hiện tại vào lĩnh vực xe taxi để quản lý như taxi, bỏ khái niệm xe hợp đồng điện tử độc lập như một loại hình vận tải mới”, ông Tạ Long Hỷ nhấn mạnh.
Xe công nghệ Grab hoạt động thí điểm tại Việt Nam. |
Bình luận quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho rằng, hiện vận tải hành khách đang tồn tại sự xung đột giữa xu hướng kinh doanh mới và cũ, là vận tải theo phương thức truyền thống và ứng dụng công nghệ hiện đại kiểu Uber, Grab. Tuy nhiên, muốn hay không thì các phương thức kinh doanh mới, xu thế mới, công nghệ mới sẽ thay thế cái cũ. "Uber, Grab là hiện tượng của kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Muốn hay không nó vẫn tồn tại", ông Cung nói.
Trước xu hướng phát triển mới, cơ quan quản lý không nên cấm, mà chính các doanh nghiệp kinh doanh phương thức truyền thống phải làm mới để cạnh tranh với xu thế mới tất yếu. "Không thể lấy chuẩn mực cũ áp cho cái khác vì sẽ khó được chấp nhận. Xã hội phải chấp nhận những cái mới. Tôi thực sự mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội thay đổi tư duy", ông Cung nhấn mạnh.
Trong khi đó đề cập tới những điều kiện kinh doanh "đặt ra vô lý" tại dự thảo, bà Nguyễn Minh Thảo - Ban Môi trường kinh doanh (CIEM) cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 mở rộng thêm các điều kiện kinh doanh chứ không chỉ cắt bỏ. Thống kê của CIEM, có 12 điều kiện được cắt bỏ, nhưng bổ sung 85 điều kiện, trong đó 64 điều kiện bổ sung mới, 21 điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Còn luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico nói, thực chất dự thảo Nghị định "cắt một thêm ba điều kiện kinh doanh". Dự thảo quy định việc gắn 2 loại biển xe taxi và taxi điện tử là không cần thiết, vì taxi thường thì vẫn có thể chạy ứng dụng của taxi điện tử. Hơn thế, quy định taxi điện tử thì lại có taxi thường, đặc biệt là không phù hợp đối với loại taxi không chuyên nghiệp, mang tính kết hợp, tận dụng khai thác theo mô hình kinh tế chia sẻ.
“Việc phân biệt này có thể chỉ cần thiết cho việc quản lý Nhà nước, chứ không có ý nghĩa đối với hành khách - đối tượng hàng đầu cần hướng tới phục vụ một cách đơn giản, thuận tiện, chất lượng”, luật sư Đức góp ý.
Lợi ích của ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, nhất là vận tải theo ông Ngô Trí Long - chuyên gia độc lập, đã được chứng minh phần nào qua thời gian thí điểm loại hình này vừa qua, khi biến các hợp tác xã vận tải nhỏ lẻ thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm, buộc các hãng taxi phải nhanh chóng cải tiến công nghệ, chất lượng. Tuy nhiên, một số quy định tại dự thảo lại đang cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số.
Ông nêu ví dụ Khoản 4, Điều 16 dự thảo quy định "doanh nghiệp công nghệ sẽ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và hoạt động như đơn vị vận tải, nếu như phần mềm của họ giúp việc điều hành vận tải và định giá". Quy định này, theo ông, không những làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm, mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà dịch vụ kết nối mang lại, biến nó đơn thuần là kênh liên lạc không hơn không kém.
"Vì thế, thay vì áp đặt, bó hẹp hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ trong tầm quản lý hiện nay của một số cơ quan nhà nước, dự thảo cần đưa ra biện pháp khuyến khích doanh nghiệp công nghệ tham gia ngày càng sâu hơn ứng dụng công nghệ vào kinh doanh vận tải", ông Ngô Trí Long góp ý.