Liệu còn tồn tại loài cá mập khổng lồ megalodon?
(Baonghean.vn) - Megalodon, loài cá mật khổng lồ với chiều dài hơn 20 m sống trong các đại dương cách đây hàng triệu năm liệu có tồn tại đâu đó dưới những vùng nước sâu mà con người chưa thể khám phá? Đó là câu hỏi mà không ít người đặt ra sau khi xem các bộ phim nói về loài vật từng làm bá chủ đại dương một thời.
Liệu còn tồn tại loài cá mập khổng lồ megalodon như trong các bộ phim. Ảnh: Warner Bros |
Những chiếc răng dài hơn 15 cm của loài megalodon, từng bị nhầm thành răng của loài rồng thời Trung cổ, vẫn được tìm thấy ở trên một số bãi biển Victoria, phía Nam Australia.
Các nhà khoa học cho biết, bộ hàm của một con megalodon khi mở ra còn to hơn một người đàn ông. Với trọng lượng từ 50 đến 100 tấn, loài megalodon sống dưới các địa dương trên toàn thế giới cách đây 25 triệu năm trước khi biến mất khoảng 1,5 triệu năm.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi rằng liệu con người có hoàn toàn chắc chắn kẻ săn mồi khủng khiếp nhất này thực sự biến mất khỏi các đại dương?
Quay lại vào thế kỷ XVII, loài người lần đầu tiên nhận ra có một loài cá mập khổng lồ sinh sống tại các đại dương nhờ việc so sánh những chiếc răng người ta tưởng là của loài rồng với những chiếc răng của loài cá mập hiện nay. Kể từ đó, người ta đã phát hiện thêm và đưa ra những giả thiết về khả năng sống sót của loài megalodon cho đến tận ngày nay.
Năm 1918, một con megalodon được cho là nhìn thấy ngoài khơi Port Stephens, Australia. Những tin đồn này đã khiến các ngư dân đánh bắt tôm hùng hoảng hốt và quyết định không ra khơi trong vòng nhiều tuần liền. Vào những năm 2000, Bernard Seurat, chuyên gia về cá mập đã phát hiện một chiếc răng của loài megalodon khi đang nạo vét đáy trầm tích ngoài khơi New Caledonia.
Sau đó ông đã giao cho Philippe Hanvier, một nhà tìm kiếm của CNRS. Đáng nói, ông Bernard cho rằng “Nó (chiếc răng megalodon) được bảo quản hoàn hảo và thực sự mới chứ không hề giống hóa thạch. Điều ngạc nhiên hơn là chiếc răng này bị găm vào một loài động vật hiện đại”. Năm 2014, một bộ phim nói về “Megalodon, con quái vật còn sống” đã đưa ra những bằng chứng (trong đó có cả những bằng chứng giả) để chứng minh sự tồn tại của nó.
Ảnh mô phỏng kích thước hàm răng của loài megalodon do Bashford Dean thực hiện năm 1909. |
Một số phát hiện bất ngờ, chẳng hạn như việc phát hiện loài cá vây tay và cá mập megamouth (với cái miệng khổng lồ) còn tồn tại khiến nhiều người tin rằng loài megalodon cũng có thể còn sót lại đâu đó trong đại dương. Được biết, loài cá vây tay là loài cá cực kỳ cổ đại được cho đã tuyệt chủng từ cuối kỷ Phấn trắng khoảng 65 triệu năm trước. Tuy nhiên, người ta đã bắt được một mẫu vật của loài này vào năm 1938, một mẫu vật khác vào năm 1952. Kể từ đó, một số mẫu vật khác của cá vây tay đã được phát hiện trên thế giới. Còn riêng loài cá mập megamouth – một loài ăn sinh vật phù du người ta chỉ mới phát hiện vào năm 1976.
Có một điểm đáng lưu ý là loài cá vây tay thường sống ở rất sâu và dành phần lớn thời gian trong hang động. Còn loài cá mập megamouth với chiều dài lên đến 4,5m cũng sống ở mực nước rất sâu. Thế nên không quá bất thường nếu người ta không phát hiện được chúng trong một thời gian dài. Điều này hoàn toàn khác với loài megalodon. Nhiều nhà khoa học cho rằng một loài động vật ăn thịt lớn như megalodon không thể không gây những động tĩnh lớn.
Các hóa thạch tìm thấy trên các bãi biển được cho là bằng chứng tốt nhất về sự tuyệt chủng của loài megalodon. Các nhà khoa học chứng minh được megalodon thích các vùng nước ấm và nông, nơi có nhiều con mồi hơn để đáp ứng được với kích cỡ khổng lồ của nó. Và nếu còn tồn tại, chắc chắn một loài động vật ăn thịt như megalodon sẽ để lại dấu vết. Bởi tác động của nó đến chuỗi thức ăn cực kỳ lớn. Chúng sẽ ăn cá mập, cá voi ở tất cả các đại dương và người ta sẽ phát hiện ra những vết cắn, những vết sẹo có kích thước vượt quá kích thước của một cuộc tấn công của loài cá mập thông thường. Vậy nên, đối với cả nhà khoa học, chắc chắn loài megalodon đã tuyệt chủng và không thể tồn tại đến ngày nay.