Tổng thống Iran chịu mũi dùi từ mọi phía
(Baonghean.vn) - Tổng thống Iran Hassan Rouhani nắm giữ quyền lực, song đang phải hứng chịu đòn công kích từ mọi phía, gồm phe bảo thủ, phe cải cách cũng như người dân, trong bối cảnh ông chuẩn bị có cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày mai 28/8.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP |
Việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, và việc Washington tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo, đã khiến nền kinh tế Iran trì trệ. Giới chỉ trích cho rằng, một loạt động thái này đã phơi bày sự thất bại của Tổng thống Rouhani trong 5 năm cầm quyền.
Lần đầu tiên, các nghị sỹ Iran yêu cầu Tổng thống Rouhani trả lời chất vấn trước Quốc hội về tình hình đất nước, liên quan tới giá trị đồng nội tệ sụt giảm mạnh, tình trạng thất nghiệp gia tăng và nạn tham nhũng.
Các nghị sỹ có quyền luận tội ông Rouhani, mặc dù Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho rằng, ông Rouhani nên hoàn thành đến cùng nhiệm kỳ tổng thống tới năm 2021. Nhiều đối thủ có quan điểm cứng rắn phản đối các cuộc đàm phán của Tổng thống Rouhani với phương Tây.
Nhà báo phân tích chính trị Fereshteh Sadeghi cho rằng: “Một kết quả tốt nhất cho họ là một tổng thống suy yếu quyền lực, khi đó cơ hội của họ sẽ gia tăng trong cuộc bầu cử vào năm 2021”.
Lãnh tụ tối cao Khamenei ủng hộ Tổng thống Rouhani đi tới cuối nhiệm kỳ thứ hai bởi ông ấy muốn sự ổn định. Ảnh: Getty |
Đề cập đến phe cải cách, nhà nghiên cứu Clement Therme thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận xét: “Không ai tin tưởng Tổng thống Rouhani sẽ cải cách bất cứ điều gì. Ông ấy chỉ là một công cụ của hệ thống, tỏ ra giải quyết các yêu cầu thay đổi của người dân, song thực sự không thay đổi điều gì”.
Trong khi đó, đối với người dân Iran, nhiều người giàu có cố gắng rời bỏ đất nước, còn các khu vực nghèo hơn lại đang chứng kiến các cuộc biểu tình, phản đối thường xuyên, và đôi khi biến thành bạo lực. Giá cả các mặt hàng thiết yếu gia tăng nhanh chóng, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ chủ chốt của Iran sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới.
Chuyên gia Therme nhận định, vấn đề của Tổng thổng Rouhani phản ánh tình trạng mâu thuẫn cơ bản của nước Cộng hòa Hồi giáo: bầu cử phù hợp với luật pháp, song những người dân Iran ủng hộ cải cách lại không có được điều mình mong muốn.
Ông Therme chia sẻ: “Lãnh tụ tối cao Khamenei ủng hộ Tổng thống Rouhani đi tới cuối nhiệm kỳ thứ hai bởi ông ấy muốn sự ổn định. Tuy nhiên, ông ấy nghĩ rằng nếu Tổng thống Rouhani thực hiện các chính sách của mình, thì điều này sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt hệ thống hiện nay”, ám chỉ việc mở cửa đất nước cho nền văn hóa phương Tây xâm nhập.