Người “đánh thức” vùng đất hoang hóa
(Baonghean.vn) - Rời bỏ cuộc sống du canh du cư, vợ chồng ông Quang Văn Hồng đã vươn lên làm chủ cuộc sống mới tại bản tái định cư Kim Liên (Ngọc Lâm, Thanh Chương). Từ đôi bàn tay vượt khó, những đồi chè, ruộng lúa được hình thành, tốt tươi trên vùng đất hoang hóa ngày nào.
Khi chúng tôi tìm đến nhà của vợ chồng anh Quang Văn Hồng (sinh năm 1969) và chị Lương Thị Liên (sinh năm 1976) tại bản tái định cư Kim Liên (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương) cũng là khi mặt trời đã đứng bóng. Vậy nhưng căn nhà của anh chị vắng hoe. Hỏi hàng xóm mới biết, ngay từ sáng sớm hai vợ chồng anh đã cơm đùm cơm nắm ra đồi chè làm việc rồi nghỉ trưa ở đấy.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến đồi Khe Hói, nơi có gần 13 sào chè xanh tốt đang vào thời kỳ thu hoạch của vợ chồng anh Hồng, chị Liên. Anh Hồng cho hay đây đã là năm thứ 6 giống chè PH1 bén rễ trên đồi Khe Hói. Nhờ chè phát triển tốt tươi, tư thương vào tận bản thu mua ngay khi hái. Nâng niu những đồng tiền bán chè còn thẳng nếp, anh Hồng, chị Liên không nghĩ có ngày gia đình mình có thể định canh, định cư để ổn định cuộc sống.
Vợ chồng anh Quang Văn Hồng tại đồi chè Khe Hói do mình khai hoang ở bản tái định cư Kim Liên (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương). Ảnh: Quỳnh Thanh |
Nhớ lại những ngày đầu tiên chuyển về vùng đất mới, cũng như hàng trăm gia đình khác của bản làng, vợ chồng anh gặp muôn vàn khó khăn khi chưa quen với môi trường và khí hậu ở quê hương mới, trong khi đó vốn đất sản xuất lại hạn chế, chỉ có 3 sào ruộng nước mà thôi.
Ban đầu thấy nhiều người hồi cư bất hợp pháp, về lại khu vực xây dựng lòng hồ Thủy điện bản Vẽ vợ chồng cũng rất băn khoăn. Nhưng rồi sau một thời gian làm quen với cuộc sống mới, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi hai vợ chồng đã quyết tâm không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà mạnh dạn bắt tay vào sản xuất.
Từ 3 sào ruộng được phân gần Khe Hói, anh chị bắt đầu be bờ, dẫn nước vào cải tạo đất, đồng thời đưa giống mới vào sản xuất theo quy trình đã được tập huấn. Dù rằng, cái tay vốn chỉ quen cầm rạ, cầm dùi trỉa lúa nay phải cầm cuốc đào đất rồi dùng tay cấy lúa có phần lạ lẫm, nhưng khi đã quen thì thấy làm lúa nước đỡ vất vả hơn lúa rẫy, năng suất và hiệu quả lại cao hơn nhiều. Nhờ 6 tạ lúa thu về mỗi vụ nên cả nhà không còn lo thiếu gạo nữa.
Chị Lương Thị Liên cùng chồng khai hoang đất ven Khe Hói để làm ruộng nước. Ảnh: Quỳnh Thanh |
Dần dà, thấy làm ruộng nước hiệu quả mà đất ven khe, ven suối còn thừa nên anh chị tiếp tục khai hoang thêm 3 sào đất. Giờ đây, anh chị có 5 sào ruộng nước phát triển tốt tươi, không chỉ đủ ăn mà còn thừa thóc bán lại để có tiền phòng khi ốm đau.
Làm ruộng đã đủ ăn, nhưng thời gian nông nhàn chỉ đi ra đi vào chăm sóc 2 con trâu thấy sức người lãng phí quá nên năm 2012 anh chị “đánh liều” đi khai hoang vùng đồi Khe Hói. Anh càng có động lực hơn sau khi được biết Nhà nước có hỗ trợ giống chè cho bà con tái định cư khai hoang làm kinh tế. Bao nhiêu tiền dành dụm bấy lâu anh chị bỏ ra thuê người cùng mình đào đất, làm cỏ, phát cây dại trên diện tích rộng gần 13 sào. Sau hơn 2 tháng ròng rã thì vùng đất mới thành hình, thành lối. Lúc này, anh nhận giống về thuê thêm người trồng và tưới nước.
Sau những ngày đầu bỡ ngỡ tại vùng đất mới, anh Quang đã mạnh dạn trồng giống chè PH1 mang lại chất lượng và sản lượng cao. Ảnh: Quỳnh Thanh |
Sau khi chè bén rễ anh chị mới thở phào nhẹ nhõm. Vì đã dồn bao nhiêu tâm huyết và công sức vào đồi chè nên hầu như không ngày nào vợ chồng anh yên tâm ở nhà. Cứ sáng ra cho đến chập chiều đều chăm sóc từng khóm chè, vạt lúa.
Giờ đây cây chè đã cho thu hoạch đến vụ thứ 5, số tiền 30 triệu bỏ ra thuê người cải tạo đất nay đã gần thu về được nên anh chị đã vơi bớt nỗi lo.
Có được tiền bán chè, anh chị tận dụng đất đồi rộng nên mua 4 con trâu về chăn thả. Từ đây, cuộc sống của anh chị đã từng bước đi vào ổn định ở quê hương mới.
Ông Lô Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm đánh giá: Vợ chồng anh Quang Văn Hồng là tấm gương làm ăn giỏi của bà con vùng Ngọc Lâm. Nhờ ý chí thoát nghèo, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà hai vợ chồng đã từng bước vươn lên tự chủ, hòa nhập với cuộc sống nơi quê mới".