Cần sớm di dời các hộ dân bên lòng hồ Thủy điện Khe Bố

Nhật Lân - Hồ Phương 29/08/2018 08:42

(Baonghean.vn) - Sau cơn bão số 4, nhà cửa, vườn tược của một số hộ dân ở bản Cành Tạng, xã Yên Thắng (Tương Dương) ngập sâu trong nước lũ. Những hộ dân này cần sớm được di dời để ổn định cuộc sống.

Mặc dù sống ở vị trí cao hơn mốc cao trình nhưng đợt lũ vừa qua, 17 hộ dân ở bản Cành Tạng (xã Yên Thắng, huyện Tương Dương) bị nước lũ dâng ngập khu vực nhà ở . Ảnh: UBTD
Theo Trưởng bản Cành Tạng, anh Lương Văn Ngần, đợt mưa lũ vừa qua, các hộ dân trong bản đều bị ảnh hưởng nặng nề, nhà cửa, vườn tược ngập sâu trong nước. Ảnh: UBTD

Hiện nay, các khu vườn của dân bản bị cát và bùn bủa vây. Ảnh: Nhật Lân

Cơn bão số 4 đã đi qua hơn 10 ngày nhưng những dấu vết của việc nước ngập vẫn in rõ dưới sàn nhà. Ảnh: Hồ Phương
Nước ngập cao khiến nhiều tài sản của người dân bị hư hại. Trong ảnh, những tấm gỗ của người dân bị ngập và có nguy cơ bị mục nát. Ảnh: Nhật Lân
Anh Quang Văn Huệ, một người dân ở bản Cành Tạng cho biết, nước lũ dâng cao, ngập sâu nên những ngày qua, bể nước công cộng của bản không thể sử dụng được. Ảnh: Hồ Phương
Các hộ dân cho biết, việc nước dâng lên hơn mốc cao trình đã xảy ra từ năm 2016 vào những thời điểm có mưa lũ lớn. Trong những ngày nước dâng lên, cuộc sống của dân bản bị đảo lộn. Ảnh: UBTD
Chủ tịch UBND xã Vi Xuân Phóng băn khoăn: Từ năm 2016, dân bản Cành Tạng bị ngập lụt, xã đã ghi lại hình ảnh, đề nghị Nhà máy thủy điện Khe Bố có phương án giúp dân. Tuy nhiên, đã không nhận được hồi đáp… Trong ảnh: Ông Vi Xuân Phóng chỉ vị trí đóng mốc cao trình nhưng đã bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Nhật Lân
Trước sự việc nhiều hộ dân bản Cành Tạng, xã Yên Thắng bị ngập lũ, ngày 27/8/2018, UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo UBND xã Yên Thắng tổ chức cuộc họp dân. Cuộc họp này có sự tham gia của Nhà máy thủy điện Khe Bố nhằm bàn hướng giải quyết đối với những hộ dân bị nước ngập. Ảnh: Hồ Phương
Tại cuộc họp, người dân đã tiếp tục phản ánh tình trạng mưa lớn và thủy điện xả lũ gây ngập lụt; bày tỏ sự lo lắng, mong muốn có sự hỗ trợ những thiệt hại và được di dân tái định cư. Đại diện cho các hộ dân, Trưởng bản Lương Văn Ngần phát biểu: “Đề nghị nhà nước và nhà máy thủy điện lập hồ sơ, kiểm đếm những thiệt hại về hoa màu, nhà cửa của dân để có sự hỗ trợ, đền bù. Đồng thời di dời tái định cư các hộ bị ngập lũ…”. Ảnh: Nhật Lân
Ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, Việc cần làm bây giờ là cần đánh giá đúng thực trạng để có phương án giải quyết. Đó là kiểm đếm những thiệt hại của người dân để có sự hỗ trợ. Đồng thời, thực hiện khảo sát, lựa chọn địa điểm mới để tái định cư nhân dân. Phấn đấu đến ngày 15/9, phải hoàn thành kiểm đếm thiệt hại của dân và khảo sát lựa chọn địa điểm tái định cư, để trình cấp thẩm quyền xem xét cho phép thực hiện… Ảnh: Nhật Lân
Ông Kha Văn Ót - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Việc cần làm bây giờ là cần đánh giá đúng thực trạng để có phương án giải quyết. Đó là kiểm đếm những thiệt hại của người dân để có sự hỗ trợ. Đồng thời, thực hiện khảo sát, lựa chọn địa điểm mới để tái định cư nhân dân. Phấn đấu đến ngày 15/9, phải hoàn thành kiểm đếm thiệt hại của dân và khảo sát lựa chọn địa điểm tái định cư, để trình cấp thẩm quyền xem xét cho phép thực hiện… (Trong ảnh, đoàn cán bộ huyện Tương Dương và xã Yên Thắng khảo sát tìm điểm tái định cư cho các hộ dân ở bản Cành Tạng, xã Yên Thắng). Ảnh: Nhật Lân

Nhật Lân - Hồ Phương