Syria - “Thùng thuốc súng chực chờ phát nổ”

Thúy Ngọc 29/08/2018 17:21

(Baonghean.vn) - “Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp sẽ tấn công Syria?” đang trở thành câu hỏi được dư luận khu vực Trung Đông quan tâm nhất những ngày qua khi nhiều thông tin cho thấy cả Mỹ, Nga lẫn Syria đều đang chuẩn bị lực lượng sẵn sàng cho một cuộc chiến lớn.

Tình hình Syria hiện không khác gì “thùng thuốc súng chực chờ phát nổ”, với ngòi nổ chính là một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại cứ điểm quan trọng cuối cùng - Idlib.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Kunashenkov cáo buộc Mỹ đang điều động lực lượng lớn tới khu vực Địa Trung Hải. Ảnh: Daily Stars
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Kunashenkov cáo buộc Mỹ đang điều động lực lượng lớn tới khu vực Địa Trung Hải. Ảnh: Daily Stars

Nguy cơ “bão lửa” cận kề

Thông tin về nguy cơ diễn ra một cuộc tấn công lớn nhằm vào Syria bắt đầu xuất hiện khi Nga lên tiếng cảnh báo về một đợt “động binh” rầm rộ của quân đội Mỹ tại các vị trí trọng yếu trên Địa Trung Hải. Những “siêu vũ khí” của Mỹ được Nga “điểm mặt” có tàu khu trục The Sullivans thuộc biên chế Hải quân Mỹ, được trang bị 56 tên lửa hành trình, máy bay ném bom chiến lược B-1B mang theo tên lửa không đối đất loại AGM-158 JASSM, và mới nhất là sự xuất hiện của tàu khu trục USS Ross chở theo 18 tên lửa hành trình Tomahawk. Phía Nga nhận định với việc điều động các loại vũ khí chiến lược tới Địa Trung Hải, Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Syria trong “vài ngày tới”.

Với những toan tính riêng, Nga và Mỹ từ lâu vẫn được coi là 2 thế lực “kình địch” tại chiến trường Syria. Bởi vậy, rõ ràng Nga không thể ngồi yên trước những động thái này của Mỹ. Dù không có sự xác nhận, song nhiều kênh thông tin cho thấy Nga cũng đẩy sự hiện diện quân sự lên mức “chưa từng có” kể từ khi bắt đầu can thiệp vào chiến trường Syria hồi năm 2015. Hải quân Nga đã điều 15 tàu chiến thuộc cả Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Biển Đen mang tên lửa hành trình tấn công Kalibr, đáng chú ý là tàu khu trục lớp mang tên lửa dẫn đường Slava Marshal Ustinov, khu trục hạm săn ngầm hạng nặng Severomorsk. Nga tuyên bố một cách thẳng thắn lực lượng phòng không của nước này tại Syria sẽ đảm bảo an toàn cho các căn cứ quân sự Nga ở Hmeimin và Tartus cũng như vị trí của các cố vấn quân sự và các chuyên gia nước này đang làm nhiệm vụ hỗ trợ tại Syria.

Đứng trước nguy cơ bị tấn công, chính phủ Syria cũng khẳng định lực lượng phòng không nước này đang được đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Các hệ thống phòng không Syria và binh lính đều trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, chống trả một cuộc tấn công bất ngờ có thể diễn ra nhằm vào Damacus và các khu vực xung quanh. Các nguồn tin ủng hộ chính phủ Syria cho biết, quân đội nước này đang chờ lệnh để đánh bật vụ tấn công tên lửa của liên minh do Mỹ đứng đầu, nếu xảy ra. Những gì đang diễn ra dồn dập trên thực địa đang báo hiệu một trận “bão lửa” sẽ nổ ra trên bầu trời Syria bất cứ lúc nào.

Nga chặn “kịch bản cũ” của Mỹ

“Bão lửa” tại Syria sẽ nổ ra nếu có tấn công vũ khí hóa học. Vấn đề là một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học như thế liệu có diễn ra hay không?

Nếu như trước đây, Nga chỉ lên tiếng “bênh vực” Syria trước các cáo buộc chính quyền nước này thực hiện tấn công hóa học sau khi “sự đã rồi” thì lần này Nga đã rút kinh nghiệm. Từ nhiều ngày qua, phía Nga liên tục đưa ra cảnh báo về việc Mỹ đang dàn dựng một cuộc tấn công vũ khí hóa học nhằm đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, từ đó tạo cớ cho một cuộc tấn công quy mô lớn. Cáo buộc của Nga tỏ ra khá thuyết phục khi chỉ ra những chi tiết hết sức cụ thể, đó là các nhóm khủng bố đứng đầu là Hayat Tahrir Al-Sham, mặt trận Al-Nusra đang ráo riết chuẩn bị hành động mang tính chất khiêu khích nhằm cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Theo phía Nga, tổ chức White Helmets đã hỗ trợ vận chuyển chất độc hóa học tới tay phiến quân. Cụ thể, 2 xe tải đã chở lượng lớn chất độc hóa học từ ngôi làng Afs đến thành phố Saraqib. Sau đó, một phần chất độc hóa học được cất giấu vào các thùng nhựa và chuyển đến các căn cứ khác của phiến quân nhằm dàn dựng một vụ tấn công vũ khí hóa học. Và nơi diễn ra vụ tấn công chính là cứ điểm quan trọng cuối cùng trong cuộc giằng co giữa chính phủ Syria và lực lượng đối lập - Idlib.

Với việc công khai các chi tiết về một cuộc tấn công vũ khí hóa học có thể xảy ra, Nga có lẽ muốn ngăn chặn kịch bản cũ hồi tháng 4 năm nay căn cứ không quân của Syria bị tấn công sau khi chính phủ nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Đông Ghouta. Dù không đưa ra bất cứ bình luận gì về phía Nga, song những động thái của Mỹ cho thấy nước này không hề “chùn bước”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thừa nhận dù đã có các cuộc thảo luận với giới chức Nga nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công mới, song nếu một vụ tấn công xảy ra, Mỹ sẽ vẫn hành động như 2 lần trước - có nghĩa là sẽ tấn công tên lửa trực tiếp vào quân đội Syria. Sự sẵn sàng của Mỹ còn được hỗ trợ nhiệt tình bởi đồng minh Anh và Pháp khi các nước này cũng khẳng định sẽ tấn công Syria nếu việc sử dụng vũ khí hóa học được xác nhận.

Một cuộc tấn công vũ khí hóa học tại Idlib - “ngòi nổ” kích hoạt cuộc chiến mới tại Syria. Ảnh: Al Jazeera
Một cuộc tấn công vũ khí hóa học tại Idlib - “ngòi nổ” kích hoạt cuộc chiến mới tại Syria. Ảnh: Al Jazeera

Trận chiến quyết định ở Syria

Có thể nói, dù cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Idlib có xảy ra hay không thì Idlib sẽ vẫn là nơi chứng kiến những diễn biến quyết định đối với tình hình chiến trường Syria. Chỉ có điều, không ai đoán được trước đó sẽ là chiều hướng tốt hơn hay xấu đi.

Cho đến nay, tình hìnhtại Syria đang tiến triển tích cực khi chính phủ đã giải phóng và kiểm soát hơn 90% lãnh thổ, đang chuẩn bị đón người tị nạn trở về, đồng thời lên kế hoạch tái thiết đất nước sau chiến tranh. Trong trường hợp không xảy ra tấn công vũ khí hóa học, Mỹ và các đồng minh không tấn công Syria, chính quyền Syria được cho là có đủ thực lực để giải quyết “điểm nóng” cuối cùng Idlib. Giới phân tích cho rằng, với ưu thế trên chiến trường cùng sự giúp đỡ mạnh mẽ của Nga, quân đội Syria không cần phải sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib. Đây được cho là kịch bản đáng chờ đợi nhất nhằm đưa cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm qua ở quốc gia Trung Đông này đi tới hồi kết. Nhưng nếu vì một lý do nào đó, dưới sự sắp đặt của một lực lượng nào đó, vụ tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra, chắc chắn “bão lửa” sẽ bao trùm bầu trời Syria. Một cuộc tấn công mới dưới sự hợp lực của các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp có thể dẫn tới cuộc chiến tranh với quy mô lớn hơn trong khu vực, khiến cuộc xung đột tại Syria thêm phần dai dẳng.

Theo các chuyên gia, những diễn biến tại Idlib hiện phụ thuộc rất nhiều vào toan tính của các cường quốc trên “bàn cờ” Syria. Mỹ, Anh, Pháp muốn giữ Idlib và một số khu vực miền Bắc dưới sự kiểm soát của các lực lượng đối lập nhằm chia cắt Syria. Trong khi đó, Nga cần bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad không chỉ để bảo vệ các căn cứ của mình ở Syria mà còn để bảo vệ sự hiện diện mang tính biểu tượng của Nga ở khu vực.

Ở thời điểm này, dư luận thế giới đang chờ đợi các nỗ lực ngoại giao được xúc tiến có thể “tháo ngòi nổ” ở Idlib, đó là cuộc gặp 3 bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc gặp do Liên Hợp quốc kêu gọi đều diễn ra trong tháng 9 tới. Các nỗ lực ngoại giao này sẽ là “cuộc chạy đua với thời gian” trước khi bất cứ thông tin xấu nào được phát đi từ Idlib.

Thúy Ngọc