Chuyện về người diễn thuyết tại Lễ Độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn

laodong.vn 02/09/2018 20:51

GS Trần Văn Giàu - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chánh Lâm thời (UBHCLT) Nam Bộ, người có bài diễn thuyết lịch sử tại Lễ Độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn - sống rất thọ. Ông qua đời tháng 12.2010 ở tuổi tròn 100. Những ngày cuối đời, ông yêu cầu người thân làm 2 việc: Đưa ông đi thăm lần cuối nơi ông đứng diễn thuyết ngày 2/9/1945 ở Sài Gòn và sau khi ông qua đời hãy đưa ông về an táng ở quê nhà, nằm bên cạnh vợ.

Giáo sư Trần Văn Giàu.
Giáo sư Trần Văn Giàu.

Bài diễn thuyết lịch sử

Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, với vai trò Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ, Chủ tịch UBHCLT Nam Bộ, ông Trần Văn Giàu đã trực tiếp lãnh đạo thành công khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên ở Nam Bộ, ở tỉnh Tân An (nay là Long An) quê hương ông vào ngày 21/8/1945.

Bốn ngày sau, ngày 25/8/1945 ông và các đồng chí đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Ngày 31.8.1945, Trung ương điện vào cho UBHCLT Nam Bộ thông báo: Đúng 14 giờ ngày 2.9.1945, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) sẽ ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước VNDCCH. Ban tổ chức lễ tại Hà Nội sẽ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để đồng bào Sài Gòn nghe trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập phát đi từ Hà Nội.

Chỉ có chưa tới 2 ngày chuẩn bị, ông Giàu và UBHCLT Nam Bộ đã tổ chức 1 cuộc mít tinh, diễu hành lớn ở Sài Gòn để hưởng ứng ngày Lễ Độc lập. Hơn 1 triệu người dân Sài Gòn và các địa phương lân cận như Chợ Lớn, Tân An, Bình Dương, Đồng Nai… đã tập trung về điểm làm lễ trên đại lộ Cộng Hòa (nay là đại lộ Lê Duẩn) để chờ giờ khai lễ.

Cả thành phố tràn ngập màu cờ cách mạng và các khẩu hiệu “VNDCCH muôn năm”, “Độc lập hay là chết”, Đả đảo thực dân Pháp”… viết bằng 5 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga. Thế nhưng, do thời tiết quá xấu mà phương tiện kỹ thuật lúc đó quá lạc hậu, nên Sài Gòn đã không bắt được tín hiệu radio từ Hà Nội.

Sau 30 phút, Ban Tổ chức hội ý nhanh và phân công ông Trần Văn Giàu thay mặt UBHCLT Nam Bộ phát biểu trước đồng bào. Ông Trần Văn Giàu suy nghĩ vài phút, ghi vội mấy ý chính rồi ứng khẩu bài diễn thuyết trước hàng triệu đồng bào.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: Internet
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: Internet

Nội dung bao trùm của bài diễn thuyết là kêu gọi nhân dân đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp.

Mở đầu bài diễn thuyết, ông Trần Văn Giàu tuyên bố: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống. Song cuộc hồi sinh của dân tộc đang bị kẻ thù đe dọa. Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào...”.

Ông Giàu khuyên đồng bào đề cao cảnh giác: “Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ”. Rồi ông Giàu đặt câu hỏi: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân trở lại không?”.

Sau mỗi câu hỏi của ông, cả triệu người đồng thanh đáp: “Không! Không! Không!”. Ông Trần Văn Giàu kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.

Sau đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế - đã thay mặt Chính phủ Lâm thời nước VNDCCH tuyên thệ “Xây dựng độc lập hoàn toàn cho Việt Nam”. Đại diện nhân dân Sài Gòn đã đọc tiếp lời thề: Không đi lính cho Pháp - Không làm việc cho Pháp - Không bán lương thực cho Pháp - Không dẫn đường cho Pháp! Buổi lễ Độc lập đã biến thành cuộc tuần hành của hàng triệu đồng bào trên các đường phố Sài Gòn.

Thực dân Pháp đã từ trên các nhà lầu cao đã bắn lén vào các đoàn tuần hành làm 47 đồng bào chết và bị thương, tuy vậy ta rất kiềm chế, chỉ tạm giữ những kẻ tình nghi, không có bất cứ hành động trả thù nào.

Đánh giá về ngày lễ Độc lập ở Sài Gòn, GS Trần Văn Giàu cho rằng, khát vọng độc lập suốt gần 100 năm đã làm cho cả triệu người như một, hừng hực ý chí chiến đấu, hy sinh cho vận mệnh đất nước. GS Trần Văn Giàu cho biết, thực dân Pháp đã gây hấn ngay trong ngày lễ Độc lập ở Sài Gòn, những ngày sau chúng càng khiêu khích trắng trợn. Việc gì đến rồi cũng đến, chưa đầy 1 tháng sau nhân dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến mùa thu, khởi đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược trên cả nước.

Mặc dù sau đó cuộc đời của vị Chủ tịch UBHCLT Nam Bộ đã rẽ sang hướng khác và cũng đạt nhiều thành công lớn trong nghiên cứu lịch sử, triết học, dạy học…, ông trở thành Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng dấu ấn của ngày lễ Độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn luôn đậm nét trong cuộc đời GS Trần Văn Giàu. Trước lúc đi xa, ông đã đến thăm lại nơi đáng nhớ ấy.

Một đời thủy chung

Cuộc tình, duyên nợ của GS Trần Văn Giàu và bà Đỗ Thị Đạo khá đặc biệt, trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước và cuộc đời ông. Năm 17 tuổi (năm 1928), sau khi đỗ Tú tài, ông Giàu xin gia đình đi Pháp du học. Cha mẹ ông đồng ý với điều kiện phải cưới vợ rồi mới cho đi. Một người con gái có học thức cùng tuổi với ông (sinh năm 1911) tên Đỗ Thị Đạo đã được chọn cho đám cưới vội vã ấy. Để rồi, cuộc hôn nhân ấy đã kéo dài gần 80 năm, càng về cuối đời họ càng yêu thương nhau nhiều hơn.

GS Trần Văn Giàu và vợ (5/9/1995). Ảnh: Internet
GS Trần Văn Giàu và vợ (5/9/1995). Ảnh: Internet

Từ ngày cưới nhau cho đến lúc hòa bình lập lại trên một nửa nước (1954), suốt 26 năm trời trên danh nghĩa vợ chồng, nhưng thời gian ông Giàu và bà Đạo bên nhau chỉ tính được bằng số ngày. Ông đi du học bên Pháp, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, rồi sang Liên Xô học trường Phương Đông, trở về nước hoạt động cách mạng liên tục bị giặc Pháp bắt, tù đày…

Bà Đạo suốt thời gian dài làm nàng “Nguyệt Nga” chăm sóc cha mẹ già thay chồng bận lo việc nước. Họ chỉ thực sự ở bên nhau trên đất Bắc sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Nhưng có lẽ đã là quá muộn để ông bà có được hạnh phúc làm cha, làm mẹ! Không có con, ông hiến tặng toàn bộ tài sản của mình cho xã hội, quê hương, trong đó có Giải thưởng Trần Văn Giàu dành cho các công trình nghiên cứu lịch sử vùng đất phương Nam.

Lúc sinh thời, ông Giàu luôn nói về người vợ của mình một cách tự hào: Những thành công trong đời ông có phần đóng góp quan trọng của bà Đạo. Ông Giàu thứ 10 trong gia đình, nhưng ông tự nhận là “Sáu Giàu” theo “thứ” của bà Đạo (bà Đạo thứ 6 trong gia đình).

Ông và bà cùng sinh tháng 9/1911, ông sinh ngày 6, bà sinh ngày 11. Từ rất lâu, hằng năm ông làm sinh nhật cho bà (ngày 11/9) ghép luôn sinh nhật của ông (ngày 6/9) vào “cho vui”. Để rồi sau này ông lấy luôn ngày sinh của bà (11/9) làm ngày sinh của mình. Hiện trên bia mộ của ông ghi ngày sinh là 11/9/1911, giống ngày sinh trên bia mộ của bà kề bên. Bà mất năm 2005, kể từ đó ông suy sụp rất nhanh và qua đời năm 2010.

Những ngày cuối đời, ông được gợi ý một chỗ yên nghỉ xứng đáng trong Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Hồ Chí Minh, nhưng nguyện vọng cuối cùng của ông là được về nằm cạnh bên bà ở nơi 82 năm trước họ đã thành vợ thành chồng, ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

laodong.vn