Tập Cận Bình: Việc đầu tư vào châu Phi không liên quan tới chính trị
Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố những khoản đầu tư của Trung Quốc vào các nước châu Phi "không kèm theo ràng buộc chính trị".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ngày 3/9 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. AFP. |
"Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia châu Phi và không áp đặt ý muốn của mình lên châu Phi", AFP hôm 3/9 dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi kéo dài hai ngày ở thủ đô Bắc Kinh. "Việc Trung Quốc hợp tác với châu Phi rõ ràng nhằm khai thông các nút thắt cổ chai trong quá trình phát triển".
Bất chấp những lo ngại về các khoản vay của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình thông báo sẽ tiếp tục viện trợ tài chính cho các nước châu Phi. Tại diễn đàn gần đây nhất được tổ chức vào năm 2015, Trung Quốc cam kết viện trợ và cho các nước châu Phi vay 60 tỷ USD.
Mục tiêu của diễn đàn này là nhằm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, giúp Trung Quốc tiếp cận các thị trường và nguồn lực, đồng thời tăng cường ảnh hưởng ở nước ngoài.
Tại các quốc gia châu Phi, Trung Quốc đầu tư vào đường bộ, đường tàu, cầu cảng và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Giới phân tích cảnh báo các dự án này đang biến một số nước châu Phi thành con nợ lớn của Trung Quốc.
Dù đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đã giảm nhẹ trong những năm gần đây, từ mức kỷ lục 3,4 tỷ USD năm 2013 xuống còn 3,1 tỷ USD năm 2017 theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Bắc Kinh là vẫn chủ nợ chính của nhiều quốc gia tại châu lục này. Trong đó, Trung Quốc nắm tới 77% tổng nợ của Djibouti tính đến cuối năm 2016 hoặc Zambia vay nợ ít nhất 6,4 tỷ USD từ Trung Quốc.
Một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu Mỹ chỉ ra "những mối quan ngại nghiêm trọng" liên quan đến các khoản nợ chính phủ ở 8 quốc gia châu Á, châu Âu và châu Phi nhận vốn từ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tuy nhiên, Tổng thống Rwandan, người đang giữ chức chủ tịch Hiệp hội châu Phi, phản bác mọi quan ngại về "bẫy nợ" và cho rằng đó là hành động phá hoại mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu lục này. "Những kẻ chỉ trích Trung Quốc về các khoản vay là những kẻ cho đi quá ít", ông nói trong cuộc phỏng vấn với hãng Xinhua.