Chấn chỉnh tình trạng chậm việc, quên việc trong thực thi công vụ
(Baonghean) - Thực tế, qua công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức hàng năm cho thấy nhiều cán bộ, công chức chưa làm tròn trách nhiệm trong thực thi công vụ. Giải quyết các nhiệm vụ được giao chậm thời gian, còn có tình trạng tránh việc, quên việc, vi phạm Luật cán bộ, công chức...
Tỷ lệ giải quyết công việc chậm vẫn còn cao
Cùng với việc kiểm tra thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của các cấp, ngành, hàng năm, Thanh tra tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra trách nhiệm gắn với thanh tra công vụ theo Luật Cán bộ, công chức. Qua đó, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức các phòng, ban tại các ngành, các địa phương.
Kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Lê |
Ví như qua kiểm tra tại huyện Đô Lương, Thanh tra tỉnh đã ban hành Quyết định số 18/KL.TTR ngày 18/6/2018 chỉ rõ: Trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đối với các công việc cụ thể có quy định thời hạn hoàn thành: Trong năm 2016, 2017, UBND huyện Đô Lương đã tiếp nhận, xử lý 99.110 hồ sơ; trong đó số hồ sơ thực hiện chậm so với quy định là 11/486 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 11,59%. Về thực hiện nhiệm vụ đột xuất (tiếp nhận, xử lý các văn bản giao việc của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh), số văn bản giao việc thực hiện chậm, không thực hiện so với thời gian quy định là 65 văn bản, chiếm tỷ lệ 4,45%.
Tại thị xã Cửa Lò, qua kiểm tra số văn bản giao việc của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh thực hiện chậm, không thực hiện so với thời hạn quy định là 86 văn bản, chiếm tỷ lệ 3,91%. Đối với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đối với các công việc cụ thể có quy định về thời hạn hoàn thành, có 380 hồ sơ thực hiện chậm, chiếm tỷ lệ 2,37%.
Theo đánh giá của đoàn thanh tra, các phòng, ban đơn vị thuộc UBND thị xã cơ bản thực hiện xử lý hồ sơ đúng thời gian quy định. Tuy nhiên vẫn có một số phòng ban còn xảy ra tình trạng giải quyết nhiệm vụ thường xuyên chậm (Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất: 320 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 3,21%; Phòng TNMT: 37 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 3,21%; Phòng quản lý đô thị: 10 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 0,7%). Bên cạnh đó, tại thời điểm kiểm tra, một số quy trình, thủ tục ISO, UBND thị xã áp dụng tại các phòng chuyên môn không đảm bảo tính hiệu lực do xây dựng không đúng với quy định của nghị định, thông tư hiện hành nhưng các phòng chưa kịp thời sửa đổi, thay thế như: Quy trình, thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực TNMT, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất công khai trên Cổng thông tin điện tử thị xã Cửa Lò đang áp dụng Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 181/ND-CP ngày 29/10/2004 đã hết hiệu lực áp dụng. Quy trình “xét hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 3,4,5 tuổi” tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quy định thời hạn xử lý là 10 ngày làm việc. Tuy nhiên, thực tế phòng không áp dụng quy trình ISO để xử lý mà tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và xử lý 1 năm 2 đợt theo Thông tư liên tịch 09/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ hướng dẫn chế độ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo...
Năm 2017, qua công tác thanh tra công vụ gắn với thanh tra chấp hành pháp luật, ngành Thanh tra đã phát hiện 59 đơn vị có sai phạm; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 60 tổ chức, 302 cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ (sai phạm chủ yếu là giải quyết các công việc được giao chậm thời gian quy định), kiến nghị xử lý hành chính 09 tổ chức và 06 cá nhân có sai pham.
Tình trạng xử lý công việc cho cá nhân, tổ chức chậm không chỉ diễn ra ở các địa phương mà còn tồn tại ở các sở, ngành. Trong quý I/2018, kết quả giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực đầu tư còn 143 hồ sơ chậm, trong đó chủ yếu hồ sơ về thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư (117 hồ sơ); thủ tục thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 (16 hồ sơ)...Việc xử lý công việc chậm không chỉ ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực mà còn gây khó khăn, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức.
Cần chấn chỉnh, khắc phục kịp thời
Theo lãnh đạo Thanh tra tỉnh, hàng năm qua công tác thanh tra, ngành Thanh tra đều yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, mức độ vi phạm và có hình thức xử lý đối với từng tập thể, cá nhân do thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất nhưng thực tế tình trạng chậm việc, quên việc vẫn còn phổ biến.
Ngoài những lý do khách quan, thì về phía chủ quan là do một số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị tinh thần trách nhiệm, ý thức đối với công việc thấp, chưa công tâm, chưa tận tụy; giao tiếp, xử sự trong giải quyết công việc của người dân, tổ chức chưa đúng mực, thậm chí còn vi phạm đạo đức công vụ. Một số cơ quan, đơn vị thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, mới chỉ quan tâm chấp hành giờ giấc chứ chưa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc xử lý các trường hợp vi phạm có lúc, có nơi chưa quyết liệt, chủ yếu mới dừng lại nhắc nhở, phê bình.
Đoàn liên ngành kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính tại Bộ phận một cửa UBND huyện Diễn Châu. Ảnh: Thanh Lê |
Bên cạnh đó theo ông Bùi Đình Sáng - Chánh Thanh tra Sở Nội Vụ: Hoạt động thanh tra công vụ chỉ mới kiểm tra việc thực hiện đầu việc được giao của cán bộ công chức qua bộ TTHC xem quy trình, thời gian xử lý từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả có đúng thời gian quy định không, chứ chưa đánh giá sâu được chất lượng công việc của cán bộ, công chức.
Tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 ghi rõ: “Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ là “Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao”, “Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ...”. Do vậy, để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, soát xét, đôn đốc việc thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ công chức, viên chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc; lấy tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ là “thước đo” đánh giá cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm phòng, ban, công chức, viên chức để xảy ra tình trạng chậm việc, quên việc kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần gây ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước và quyền lợi của tổ chức, cá nhân.