99,9% các trường học ở Nghệ An áp dụng chương trình tiếng Việt công nghệ lớp 1

Mỹ Hà 08/09/2018 09:20

(Baonghean.vn) - Dạy tiếng Việt lớp 1 theo chương trình công nghệ không phải là một chương trình mới vì đã triển khai thí điểm từ năm 1987. Tại Nghệ An, chương trình cũng đã có gần 20 năm thực hiện và đang được nhân rộng.

Tính đến thời điểm này, trên toàn tỉnh đã có 561/562 trường tiểu học triển khai giảng dạy tiếng Việt lớp 1 theo chương trình công nghệ. Trường duy nhất chưa thực hiện đó là Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong) vì điều kiện đi lại quá khó khăn nên việc tập huấn chưa triển khai đồng bộ.

Trước đó, từ năm 2000 trở về trước, Nghệ An cũng là 1 trong 43 tỉnh đầu tiên áp dụng chương trình này, trong đó có khoảng 80% các trường trực thuộc thành phố. Thậm chí có trường thí điểm từ những năm 80.

Một tiết học Tiếng Việt ở Trường Tiểu học Quán hành - Nghi Lộc. Ảnh: Mỹ Hà
Một tiết học tiếng Việt ở Trường Tiểu học Quán hành - Nghi Lộc. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, đến năm 2000, sau khi có chủ trương thay sách giáo khoa, chương trình bị gián đoạn vì chủ trương của Bộ là chỉ có một chương trình, một bộ sách giáo khoa. Chương trình chỉ được thí điểm trở lại vào năm 2006, sau khi giáo sư Hồ Ngọc Đại có đề tài cấp Bộ với nội dung “Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số” và thí điểm đầu tiên tại Lào Cai.

Cũng trong thời gian này, do tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" khá nhiều và do yêu cầu của chương trình trường học mới VNEN nên Bộ có chủ trương nhân rộng. Trong đó, tại Nghệ An những trường thực hiện theo mô hình trường học mới (VNEN) là những trường được thụ hưởng đầu tiên.

Học sinh lớp 1 - Trường Tiểu học Hưng Đạo - Hưng Nguyên hào hứng với chương trình công nghệ. Ảnh: Mỹ Hà
Học sinh lớp 1 - Trường Tiểu học Hưng Đạo - Hưng Nguyên hào hứng với chương trình công nghệ. Ảnh: Mỹ Hà

Đến năm học 2013 – 2014, khi khẳng định những ưu điểm của chương trình, Bộ cho phép các địa phương “ứng dụng trên tinh thần tự nguyện”. Trong năm đầu tiên 100% các trường ở thành phố Vinh đã triển khai đồng loạt. Ở các huyện còn lại, tỷ lệ đăng ký tự nguyện đạt khoảng 20% và đến năm thứ 3 thì gần 100% các trường đều triển khai. Trong quá trình thực hiện, các huyện như Kỳ Sơn, Thanh Chương đã trực tiếp mời giáo sư Hồ Ngọc Đại vào trực tiếp giảng dạy và giải đáp những vướng mắc.

Mỹ Hà