Chương trình công nghệ Tiếng Việt: Cô vất vả nhưng trò lĩnh hội nhiều

Mỹ Hà 10/09/2018 18:15

(Baonghean.vn) - Tại Nghệ An, chương trình Chương trình công nghệ Tiếng Việt “không lạ” bởi đã được thí điểm cách đây gần 40 năm và hiện hơn 99% các trường đã áp dụng.

Chương trình công nghệ Tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1 của tác giả Hồ Ngọc Đại đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Tại Nghệ An, các giáo viên đều khẳng định, chương trình rất hiệu quả. Báo Nghệ An ghi lại một số ý kiến của các giáo viên đã và đang giảng dạy chương trình về nội dung này.

Giáo viên Phan Thị Cúc (Trường Tiểu học Hưng Đạo, Hưng Nguyên): Cô vất vả nhưng trò lĩnh hội được nhiều

Khi mới triển khai chương trình công nghệ, chúng tôi thấy có rất nhiều khó khăn, thứ nhất là kênh thông tin giữa phụ huynh và giáo viên, cách đọc ở nhà và ở trường khác nhau. Nhưng sau 6 năm giảng dạy tôi thấy chương trình có nhiều ưu điểm ở cách phát âm và cách viết chính tả.

Một số phụ huynh lo lắng, âm Cờ của chữ C, K, Q. Thực tế theo truyền thống ba chữ này khác nhau. Nhưng ở chương trình mới, sau khi được học luật chính tả, các em sẽ biết khi nào viết bằng chữ C, K, Q. Ví dụ chữ K đi cùng e,ê, i; chữ Q bao giờ cũng đi với âm đệm u để thành qu, C luôn đứng trước các nguyên âm: a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư....

Những buổi học đầu tiên của năm học, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Hưng Đạo đã được luyện chữ. Ảnh: Mỹ Hà
Những buổi học đầu tiên của năm học, cô giáo Phan Thị Cúc đã hướng dẫn học sinh lớp 1 luyện chữ. Ảnh: Mỹ Hà

Chương trình này cũng có ưu điểm là học sinh học bài nào là biết rõ phần đó. Học bài nào là cô giáo dạy chính tả bài đó. Trong khi đó, trước đây phải tuần 27 trở đi các em mới bắt đầu viết bằng hình thức tập chép.

Trong chương trình công nghệ, học sinh có thể nắm được từ nhưng học sinh không cần hiểu từ. Chỉ cần học sinh nắm được từ để ghép thành tiếng. Tôi cũng rất ủng hộ chương trình này, dù rằng cô vất vả nhưng trò lĩnh hội được nhiều.

Thạc sỹ Trần Thị Hảo (Trưởng bộ môn Văn – Tiếng Việt – Khoa Tiểu học, Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An):Học sinh hứng thú khi học chương trình công nghệ

Thạc sỹ Trần Thị Hảo

Đã gần 10 năm nay, chúng tôi đã giảng dạy bộ môn Tiếng Việt công nghệ ở Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An và là môn học chính của sinh viên. Vì vậy, khi thực tập hay khi ra trường sinh viên không còn bỡ ngỡ với chương trình này nữa.

Qua giảng dạy, chúng tôi thấy thành công và ưu điểm của chương trình, đó là đã thực hiện được mục tiêu của môn Tiếng Việt 1 nói chung, hình thành được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng đọc, viết, góp phần rèn luyện tư duy và hình thành các phát triển các kiến thức về tự nhiên, về xã hội, về con người.

Thứ 2, điểm mới của chương trình, là học sinh được rèn luyện kỹ năng Tiếng Việt, đi từ âm đến chữ nên học sinh nắm được cấu trúc của tiếng. Học sinh cũng được chú trọng kỹ năng đọc, kỹ năng viết (vừa nghe, vừa viết khác với “tập chép” của chương trình hiện hành). Và, kết thúc lớp 1, các em đọc tốt và viết đúng chính tả.

Bên cạnh đó, khi dạy chương trình này, giáo viên đỡ áp lực hơn. Giáo viên chỉ cần thực hiện đúng quy trình mà sách thiết kế đã chỉ ra. Học sinh cũng thực hiện theo các quy trình hoạt động nên hứng thú hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chương trình cũng có những khó khăn: Đó là chương trình hơi nặng. Với một thời lượng có hạn, học sinh phải nắm được các vần, vần có âm đệm âm chính, vần có âm cuối, vần có đủ âm đệm, âm chính, âm cuối và đọc những bài đọc tương đối dài...nên có những khó khăn cho học sinh, nhất là với học sinh người dân tộc thiểu số và những lớp học có sĩ số đông. Vì vậy, để hoàn thành hết các kỹ năng là khó.

Giờ học của học sinh lớp 1. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học của học sinh lớp 1. Ảnh: Mỹ Hà

Chương trình, chú trọng kỹ năng đọc và viết nhưng lại hơi xem nhẹ “kỹ năng” nghe và nói như chương trình hiện hành. Ngoài ra với quan điểm “chân không” về nghĩa nên nghĩa của từ mới và nghĩa của bài đọc đang chưa được chú trọng và học sinh không nắm được nghĩa của từ và nghĩa của bài.

Để dạy được chương trình này thì giáo viên phải học và phải nắm chắc quy trình. Phụ huynh muốn dạy cho con cũng vậy.

Bên cạnh đó, nên chăng những người soạn sách cũng nên bổ cứu một số vấn đề như giảm tải, giảm độ dài một số bài đọc, viết, tăng thời lượng kỹ năng nghe nói cho học sinh, tăng giải nghĩa từ và tìm hiểu ý nghĩa một số bài đọc. Đối với mỗi lớp học, nên đảm bảo sĩ số thì việc dạy học sẽ hiệu quả hơn.

Cô giáo Phan Thị Hồng Mai (Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Trung Đô, TP Vinh): Nhiều phản ứng không chính thống, chưa hiểu toàn bộ chương trình

Tôi bắt đầu tiếp cận và được giảng dạy chương trình công nghệ từ những năm đầu thí điểm ở Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 cách đây hơn 20 năm. Thời điểm đó, bản thân tôi thấy rằng, chương trình mới, trái với chương trình cũ mà chúng tôi đã được học.

Tuy nhiên, cũng thấy được ưu điểm đó là nó dạy vào bản chất của Tiếng Việt nên học sinh học chương trình này nắm được bản chất của ngữ âm và các quy luật viết chính ta rất tốt. Hồi đó, có rất nhiều học xong lớp 1, kiến thức về ngữ âm của các em tốt hơn học sinh lớp 4, lớp 5.

Học sinh Trường Tiểu học Trung Đô thành phố Vinh. Ảnh - Mỹ Hà
Học sinh Trường Tiểu học Trung Đô, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Về phương pháp học, rất rành rọt và khoa học. Qua đó, cũng giúp cho học sinh việc tổ chức lớp học bài bản và kiểm soát được hiệu quả của học sinh ngay và uốn nắn kịp thời. Ngoài ra, khi học vào bản chất thì cũng sẽ hiểu đúng và cặn kẽ.

Ngay từ khi chưa biết đọc và biết viết, học sinh đã làm quen được với chuỗi câu thành những âm, thành tiếng và từ tiếng học sinh tách ra các bộ phận cụ thể và không tách máy móc mà biết nghe, biết thực hiện các thao tác bằng tay, biết tư duy.

Sau này, tôi không trực tiếp giảng dạy nhưng nhờ làm công tác quản lý chuyên môn tôi cũng thấy được những điều chỉnh của chương trình công nghệ sao cho ngày càng sát hơn với đối tượng người học và giáo viên cũng dễ tiếp cận để xây dựng, tổ chức dạy học.

Do thực hiện được các thao tác, những lứa học sinh những chương trình này, các em mạnh dạn, tự tin. Trước khi vào môn Tiếng Việt công nghệ, học sinh cũng đã được học các kỹ năng trong hai tuần không của chương trình nên các em tiếp cận cũng dễ dàng.

Tại thời điểm hiện nay, nghe nhiều tranh luận bàn cãi, thậm chí là có nhiều phản ứng. Nhưng tôi thấy nhiều cái phản ứng chưa chính thống. Người phản ứng chủ yếu là người không được học chương trình, không nghiên cứu. Số lượng là nhà sư phạm phản ứng không nhiều, hoặc nếu có phản ứng thì chưa hiểu toàn bộ chương trình.

Trước những phản ứng, ít nhiều gây hoang mang cho phụ huynh, nhưng chúng tôi đã lường trước tình hình đó. Thường trước mỗi năm học, khi tập trung lớp, chúng tôi đã chỉ đạo để giáo viên trò chuyện với phụ huynh và cô giáo hướng dẫn phụ huynh để cùng phối hợp cùng nhà trường.

Mỹ Hà