Hết vắc xin Quinvaxem, trẻ có thể tiêm bù vắc xin mới từ cuối tháng 9
Nhiều địa phương vắc xin Quinvaxem để tiêm cho trẻ đã hết và đang phải chờ vắc xin mới khiến nhiều người lo lắng cho sức khỏe của con em mình.
Ảnh minh họa. |
Được biết tháng 9, trung tâm y tế dự phòng quận 9, TP.HCM hết vắc xin Quinvaxem cho trẻ 2 đến 9 tháng. Khi nào có vắc xin, trạm y tế sẽ thông báo sau - trích từ nội dung thông báo từ trạm y tế phường Tăng Nhơn Phú.
Không chỉ riêng ở TP.HCM mà một vài địa phương cũng hết vắc xin Quivaxem và đang chờ vắc xin mới.Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem được tiêm cho trẻ em lúc 2, 3, 4 tháng tuổi, ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Theo GS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương nhà sản xuất tại Hàn Quốc đã ngừng sản xuất loại vắc xin này, vì thế, số vắc xin Quinvaxem còn lại được sử dụng đến hết và thay vắc xin mới. Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem sang một loại vắc xin 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh để thay thế vắc xin này.
Theo đó, vắc xin được lựa chọn có tên là ComBE Five. Đây là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/ viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010. Vắc xin ComBE Five đã được ký lưu hành tại Việt Nam (QĐ số 196/QĐ-QLD ngày 30/05/2017) có giá trị trong 5 năm.
Hiện nay, theo GS Đức Anh vắc xin ComBE Five này đã được nhập về Việt Nam và đang trong giai đoạn test thử nghiệm và có thể chỉ đến cuối tháng 9 là được đưa ra tiêm phòng cho trẻ thay thế Quivaxem.
Bác sĩ Đức Anh cho biết, vắc xin mới này đảm bảo an toàn đã được thử nghiệm nhưng theo quy định bất cứ vắc xin nào khi nhập khẩu đều được test thử nghiệm lại.
GS. Anh khuyên những trẻ nhỏ đang tiêm vắc xin Quivaxem mà hết vắc xin có thể chờ đợi tiêm muộn hơn cũng không sao. Những trẻ đến tuổi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 từ 2 tháng trở lên chờ đợi vắc xin mới đến cuối tháng, cha mẹ không cần lo lắng quá - vị GS này cho biết.
Trẻ đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin Quinvaxem thì sẽ được tiếp tục tiêm vắc xin ComBE Five liều tiếp theo và không phải tiêm lại từ đầu. Bộ Y tế khuyến các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Tại Việt Nam, vắc xin đã được sử dụng tại thực địa 4 huyện của tỉnh Hà Nam từ tháng 9/2016 đến 1/2017. Kết quả, sau tiêm chủng chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm vắc xin bao gồm: Phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ với tỷ lệ từ 5-15%. Sốt với tỷ lệ 34-39%. Không nghi nhận bất kỳ phản ứng nặng nào sau tiêm chủng.