Nga chứng minh Ukraine bắn rơi máy bay MH17

Hữu Quân 18/09/2018 06:09

(Baonghean.vn) - Nga tiết lộ thông tin “gây chấn động” về máy bay MH17; Bộ Giáo dục Pháp công bố kế hoạch cắt giảm hàng nghìn việc làm; Trung Quốc yêu cầu Đài Loan ngừng hoạt động gián điệp; Tổng thống Philippines muốn đóng cửa tất cả các khu mỏ khai thác... Đó là những sự kiện nổi bật của thế giới 24h qua.

Nga tiết lộ thông tin “gây chấn động” về máy bay MH17

Mảnh vỡ máy bay MH17 tại Ukraine ngày 20/11/2014. Ảnh: Reuters.

Mảnh vỡ máy bay MH17 tại Ukraine ngày 20/11/2014. Ảnh:Reuters.

Moskva cho biết tên lửa bắn hạ MH17 từng được chuyển cho Ukraine vào thời Liên Xô và nó không được đưa trở lại Nga. "Số seri trên tên lửa là 886847379. Đây là số hiệu của hệ thống tên lửa BUK vào ngày 29/12/1986 được gửi bằng đường sắt đến đơn vị quân đội 20152", quan chức quân đội Nga cấp cao Nikolai Parshin cho biết, theo AFP.

Ông cho biết đơn vị quân đội này nằm ở Ukraine, khi đó còn thuộc Liên Xô và nói thêm rằng đây là thông tin tuyệt mật. "Sau khi Liên Xô tan rã, tên lửa không được đưa về Nga mà được đưa vào lực lượng vũ trang Ukraine", ông nói. Nga cho biết họ đã gửi thông tin về tên lửa đến Hà Lan.

Chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị rơi bên ngoài thành trì Donetsk của phe ly khai ở đông Ukraine vào ngày 17/7/2014, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, hầu hết là người Hà Lan.

Thái Lan: 3 thành viên đảng đối lập bị cáo buộc phát tán thông tin giả

Ông Thanathorn Juangroongruangkit (giữa). Nguồn: Reuters

Cảnh sát Thái Lan đã cáo buộc nhà sáng lập cùng hai thành viên của một đảng đối lập vi phạm Luật Tội phạm Máy tính, với mức án có thể lên tới năm năm tù giam và 100.000 baht tiền phạt (hơn 3.000 USD).

Ông Thanathorn Juangroongruangkit, 39 tuổi, người sáng lập đảng Tương lai Tiến bước, cùng hai thành viên cấp cao của đảng này đã bị cáo buộc vi phạm đạo luật trên sau khi ra trình diện tại một sở cảnh sát ở Bangkok. Ba người bị cáo buộc phát tán thông tin giả trong một bài phát biểu đăng tải trên mạng xã hội Facebook ngày 29/6 của ông Thanathorn.

Trong khi đó, ông Thanatorn, một tỷ phú vừa chuyển sang hoạt động chính trị, cho biết ông cùng hai đồng nghiệp bác bỏ các cáo buộc trên.

15 cảnh sát Afghanistan thiệt mạng khi giao tranh với phiến quân Taliban

Cảnh sát Afghanistan gác tại chốt an ninh ở Ghazni. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Giới chức Afghanistan cho biết 15 cảnh sát đã thiệt mạng trong các vụ giao tranh dữ dội mới đây tại hai tỉnh miền Tây của quốc gia Nam Á này. Vụ việc đầu tiên xảy ra rạng sáng 17/9 khi phiến quân Taliban tấn công một đồn cảnh sát ở ngoại ô thành phố Qala-e-Naw, thủ phủ tỉnh Badghis, khiến năm cảnh sát, trong đó có một quan chức cấp cao, thiệt mạng. Trong suốt cuộc đấu súng với các phần tử Taliban, phía cảnh sát cũng tiêu diệt được một số phiến quân.

Trước đó, đêm 16/9, tại tỉnh Farah, giáp với biên giới Iran, 10 cảnh sát đã thiệt mạng sau khi bùng phát các cuộc đụng độ tại làng Gajgin thuộc huyện Pusht Rod, phía Bắc thành phố và là thủ phủ cùng tên của tỉnh này.

Các phiến quân Taliban còn cướp vũ khí, cũng như đạn dược sau khi tấn công các chốt kiểm soát an ninh tại đây. Sau đó, chúng phá hủy các chốt kiểm soát này. Theo một nguồn tin địa phương, hiện vẫn còn hai cảnh sát mất tích.

Bộ Giáo dục Pháp công bố kế hoạch cắt giảm hàng nghìn việc làm

Tổng thống Pháp Emmanuel Macro thăm một lớp học tiểu học.

Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer vừa công bố kế hoạch cắt giảm 1.800 nhân viên hưởng lương của Bộ này trong năm tới.

Kế hoạch tinh giản trên sẽ chỉ liên quan tới các trường trung học và các cơ sở hành chính nhằm tổ chức tốt hơn cơ cấu toàn ngành và vẫn đảm bảo công tác giám sát.

Theo đó, Bộ Giáo dục Pháp sẽ cắt giảm ít nhất 400 vị trí hành chính trong năm 2019. Tổng số việc làm bị cắt giảm (1.800 người) chiếm 0,2% trong tổng số hơn 1 triệu nhân viên của Bộ này.

Bộ trưởng Blanquer cho biết thêm Chính phủ Pháp dự kiến sẽ tăng chi ngân sách cho Bộ Giáo dục nước này khoảng 1,7%, chủ yếu dành để tăng lương cho các giáo viên và khuyến khích tạo thêm nhiều việc làm tại các trường tiểu học.

Trung Quốc yêu cầu Đài Loan ngừng hoạt động gián điệp

An Phong Sơn, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

An Phong Sơn, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc. Ảnh:Xinhua.

Xinhua dẫn lời An Phong Sơn, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, kêu gọi các cơ quan ở Đài Loan phải "chấm dứt hoạt động gián điệp ngay lập tức".

Thông báo này đưa ra trong bối cảnh truyền hình nhà nước Trung Quốc hôm 15/9 chiếu tập đầu tiên trong loạt chương trình công bố chi tiết các trường hợp sinh viên Trung Quốc theo học ở đảo Đài Loan bị thuyết phục tham gia hoạt động gián điệp. Chương trình cho biết điệp viên Đài Loan đã dùng tiền bạc hoặc tình cảm để khai thác thông tin từ các sinh viên đại lục.

Đáp lại, Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan tuyên bố Bắc Kinh đã "dàn dựng sự việc" để chống lại Đài Bắc và phủ nhận cáo buộc, đồng thời yêu cầu chính quyền Trung Quốc đại lục không lợi dụng các sinh viên đang học tại Đài Loan vì mục đích chính trị. Cơ quan này cho rằng động thái đó sẽ làm gia tăng sự nghi ngờ và hiểu lầm giữa hai bên.

Tổng thống Philippines muốn đóng cửa tất cả các khu mỏ khai thác

Nơi xảy ra vụ lở đất khiến 30 thợ mỏ thiệt mạng. Nguồn: rappler.com

Ngày 17/9, phát biểu trong cuộc họp của ủy ban ứng phó thảm họa của chính phủ, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tái khẳng định mong muốn đóng cửa tất cả các mỏ khai thác trên toàn quốc sau khi xảy ra các vụ sạt lở đất gây chết người do ảnh hưởng của siêu bão Mangkhut.

Trước đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Philippines Roy Cimatu đã yêu cầu đóng cửa tất cả các khu khai thác mỏ quy mô nhỏ tại vùng Cordillera trên đảo chính Luzon sau khi các vụ sạt lở đất tại khu vực này đã khiến 24 người thiệt mạng.

Khai thác mỏ trái phép diễn ra khá phổ biến tại Philippines. Các quan chức chính phủ cho rằng chính việc khai thác nhỏ lẻ, bất hợp pháp là nguyên nhân khiến con số thương vong trong những vụ tai nạn sạt lở tăng cao.

Châu Âu đưa ra những đề xuất mới đối với Iran

Ngày 17/9, Bộ Ngoại giao Iran thông báo Tehran đã nhận được những đề nghị mới từ châu Âu vốn có thể đáp ứng những yêu cầu của nước Cộng hòa Hồi giáo về việc đảm bảo tiếp tục hợp tác thương mại đồng thời duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi cho biết các đề xuất trước đó mà phía châu Âu đưa ra đã không đảm bảo được rằng Iran có thể tiếp tục bán dầu mỏ của mình ở mức như mong muốn cũng như việc tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, do đó, những đề nghị này đã bị "gạt sang một bên".

Trong bối cảnh những đề xuất thay thế đã được đưa ra, hai bên đang tìm kiếm các cơ chế để có thể tiếp tục hợp tác kinh tế sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử và đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Ông Qassemi bày tỏ hy vọng những đề xuất mới này sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Tehran.

Ấn Độ triển khai dự án xây dựng hàng rào thông minh dọc biên giới Pakistan

Khu vực biên giới giữa Pakistan và Ấn Độ. Nguồn: statetimes.in

Chính phủ Ấn Độ ngày 17/9 đã triển khai dự án xây dựng hàng rào thông minh đầu tiên dọc theo biên giới được cộng đồng quốc tế công nhận với Pakistan ở thành phố Jammu, vùng Kashmir.

Theo dự án này, các hàng rào sử dụng hệ thống laser sẽ được sử dụng để "bịt" những khoảng trống dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để qua lại tại các khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan, nhờ đó lực lượng biên phòng và Lục quân Ấn Độ có thể theo dõi được các hoạt động tại những khu vực này 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh, nước này hiện đang tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại để tăng cường an ninh tại các khu vực biên giới. Các hàng rào thông minh tại các khu vực biên giới là giải pháp công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề về an ninh và với những hàng rào này, các phần tử khủng bố hầu như không thể thâm nhập từ phía Pakistan sang lãnh thổ Ấn Độ.

Hữu Quân