Lập đoàn đánh giá sạt lở đất đe dọa cuộc sống 197 hộ dân ở huyện biên giới Kỳ Sơn
(Baonghean.vn) - Các bản Xốp Phe, Vàng Phao, Na Mỳ, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có 197 hộ dân với 1.035 nhân khẩu, cùng 3 trường học gồm: Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Típ, Trường Tiểu học Mường Típ 1, Trường Mầm non Mường Típ với hơn 500 học sinh đang theo học ở trong khu vực có hiện tượng sạt lở đất, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân.
Sạt lở đe dọa dãy phòng học của Trường THPT DTBT THCS Nậm Típ trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 vừa qua. Ảnh tư liệu |
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An vừa có công văn hỏa tốc giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, GTVT, TN&MT, LĐ -TB&XH, UBND huyện Kỳ Sơn và các cơ quan có liên quan khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và bố trí để đi kiểm tra thực tế, đánh giá hiện trạng, nguy cơ và đề xuất giải pháp khắc phục để báo cáo UBND tỉnh xử lý.
Trước đó, UBND huyện Kỳ Sơn đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ kiểm tra, khảo sát, xử lý các điểm sạt lở có nguy cơ gây tai nạn cao tại xã Mường Típ để cho ý kiến tham vấn các giải pháp giúp huyện khắc phục, nhằm giúp đồng bào sớm có nơi ở ổn định, an toàn
Cụ thể, UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, các bản Xốp Phe, Vàng Phao, Na Mỳ, xã Mường Típ có 197 hộ dân với 1.035 nhân khẩu sinh sống ổn định từ năm 1990, cùng 3 trường học gồm: Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Típ, Trường Tiểu học Mường Típ 1, Trường Mầm non Mường Típ với hơn 500 học sinh đang theo học.
Khu dân cư của các bản trên có địa hình bên núi, bên sông và nằm dọc theo các tuyến đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền. Từ tháng 5/2018, đến nay, lượng mưa khu vực này cao hơn so với nhiều năm trước và kéo dài.
Đặc biệt, vừa qua do ảnh hưởng của bão số 3, số 4 gây ra mưa lớn kéo dài gây lũ ống, lũ quét, nhất là xuất hiện hiện tượng sạt lở đất tại khu vực dân cư sinh sống của các bản trên, đặc biệt nghiêm trọng là các vết nứt có chiều rộng 5 -10 cm, dài từ 100 -200 m dọc theo mái taluy dương nằm phía trên sát khu vực nhà ở của nhân dân.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định ngày 31/8 thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát hiện trường, chỉ đạo địa phương vận động nhân dân sơ tán đến những địa điểm an toàn, đặc biệt là trong những ngày có mưa, nhất là về ban đêm, đồng thời tổ chức theo dõi diễn biến của vết nứt nhằm có biện pháp ứng phó kịp thời.
Và đến ngày 11/9, thời điểm UBND huyện Kỳ Sơn có tờ trình gửi UBND tỉnh, một số hộ dân vẫn còn phải sơ tán, không dám về nhà vì về đêm vẫn nghe tiếng lở núi vang vọng.
Qua báo cáo của các đoàn kiểm tra huyện cho thấy diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp, khối lượng sạt trượt lớn, phạm vi rộng, nguy cơ sạt lở vùi lấp nhà dân, trường học bất cứ lúc nào, nhất là hiện nay đang trong mùa mưa.
(Baonghean.vn) - Dù mưa lũ đã đi qua hơn 10 ngày, nhưng nhiều bản làng ở huyện vùng cao Kỳ Sơn vẫn đang bị cô lập và chìm sâu trong bùn đất, khiến hàng trăm hộ dân của 2 xã biên giới Mường Típ và Mường Ải gặp rất nhiều khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả.Kỳ Sơn: Nhiều bản làng, trường học vẫn chưa thoát cảnh ngập bùn