Mỗi năm, hơn 1.564 tỷ đồng bị “thiêu” cùng hỏa hoạn

Phước Anh 21/09/2018 11:16

(Baonghean.vn) - Đây là số liệu được nêu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, do Bộ Công an tổ chức vào sáng 21/9. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; cùng đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ngành liên quan và cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh tham dự.

Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phước Anh
Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phước Anh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an nhắc lại vụ cháy tại chung cư Carina Plaza (TP. Hồ Chí Minh) vào ngày 23/3/2018 khiến 13 người chết và 51 người bị thương. Vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân, gióng lên tiếng chuông cảnh báo về công tác PCCC hiện nay.

Các sự cố cháy nổ đang diễn ra ngày càng phức tạp. Trong giai đoạn từ 2013 - 2017, cả nước xảy ra 14.871 vụ cháy, làm chết 406 người, bị thương 989 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 7.821 tỷ đồng; xảy ra 156 vụ nổ, làm chết 107 người, bị thương 248 người, thiệt hại về tài sản ước tính 18,6 tỷ đồng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phước Anh
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phước Anh

Theo tính toán, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 2.974 vụ cháy, làm chết 91 người, bị thương 198 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 1.564 tỷ đồng. Các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu tại các tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế, xã hội nhanh. Đáng chú ý, số vụ cháy lớn mặc dù chỉ chiếm 1% tổng số vụ nhưng thiệt hại về tài sản chiếm khoảng 70% tổng thiệt hại do cháy gây ra.

Giai đoạn 2013 - 2017, lực lượng cảnh sát PCCC đã tổ chức chữa cháy kịp thời, hiệu quả 9.727 vụ, cứu hộ cứu nạn 6.857 vụ; tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng chục nghìn người, trực tiếp cứu 2.262 người.


Hiện trường vụ cháy tại cửa hàng gần chợ Quán Lau (TP. Vinh) chiều 15/5. Ảnh tư liệu
Hiện trường vụ cháy tại cửa hàng gần chợ Quán Lau (TP. Vinh) chiều 15/5. Ảnh tư liệu

Trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy nổ, lực lượng công an mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC đã chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo với công tác PCCC. Hàng chục nghìn văn bản các cấp đã được ban hành; quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị… được triển khai; công tác tuyên truyền, tập huấn, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC thường xuyên được tổ chức; việc thanh, kiểm tra, cấp phép, hậu kiểm được siết chặt…

Tuy nhiên, công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Việc rà soát, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC còn chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ mạnh khiến nhiều chủ đầu tư cố tình chây ì, kéo dài không khắc phục lỗi...

Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị chưa thực sự coi trọng, quan tâm đến công tác PCCC, “khoán trắng” cho lực lượng cảnh sát PCCC; số lượng cơ sở, công trình thuộc diện quản lý về PCCC ngày càng gia tăng, gây áp lực lớn cho lực lượng chức năng; công tác quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng, nguồn nước phục vụ chữa cháy chưa đồng bộ…

Lớp học kiến thức PCCC cho học sinh tiểu học ở Nghệ An. Ảnh tư liệu
Lớp học kiến thức PCCC cho học sinh tiểu học ở Nghệ An. Ảnh tư liệu

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, trước hết phải tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến PCCC, cứu nạn cứu hộ; các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn để điều chỉnh, bổ sung, cập nhật và hoàn thiện.

Đặc biệt, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương; tăng cường giáo dục, tuyên truyền về PCCC, cứu nạn cứu hộ đến cộng đồng dân cư; nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ dự án, doanh nghiệp, hiệp hội… về chất lượng công trình xây dựng liên quan đến PCCC.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm, kiên quyết dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo đủ điều kiện PCCC; công khai danh sách những cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC để người dân tham gia giám sát.

Đáng chú ý, đồng chí Trịnh Đình Dũng yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công an đưa Tiêu chí an toàn PCCC thành một nội dung để xem xét, đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương trong cả nước./.

Phước Anh