Nam thanh niên dân tộc Thổ “vang danh” với cây bưởi hồng Quang Tiến
(Baonghean) - Không ngại khó, mạnh dạn đầu tư đi theo hướng mới, chàng trai dân tộc Thổ đã vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Khi được hỏi về gương làm kinh tế giỏi của tuổi trẻ Thái Hòa, mọi người luôn nhắc đến anh Lê Văn Hùng, sinh năm 1991, chàng trai trẻ dân tộc Thổ có nguồn thu nhập cao từ mô hình trồng bưởi hồng Quang Tiến tại khối Lê Lợi, phường Quang Tiến.
Anh Lê Văn Hùng chăm sóc cây bưởi. Ảnh: Minh Thái |
Trước đây, gia đình anh Lê Văn Hùng có gần 1 ha đất, chủ yếu trồng các loại cây màu như lạc, đậu, hay cây công nghiệp là mía…Mặc dù tốn nhiều công sức vất vả, nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2011, anh được Đoàn phường cho đi tham quan học hỏi, các mô hình bưởi trồng tại địa phương. Nhận thấy giống bưởi hồng Quang Tiến dễ trồng, dễ chăm sóc, được nhiều người ưa chuộng lại có được giá bán cao, được sự ủng hộ của người thân, anh mạnh dạn đưa 220 gốc bưởi Quang Tiến về trồng tại vườn của gia đình.
Với những cây ăn quả dài ngày như bưởi thì phải từ năm thứ 4 trở đi mới bắt đầu cho quả. Do đó, những năm đầu tiên, thay vì tập trung vào lấy quả, thì anh Hùng đầu tư vào nuôi cây.
Nhờ nắm bắt rõ kinh nghiệm, cây bưởi phát triển tốt, và từ năm thứ tư trở đi vườn bưởi cho thu hoạch. Hàng năm, cứ đến tháng 8 (âm lịch), gia đình lại lại rộn ràng đón những thương lái khắp nơi tìm đến tận vườn đặt mua những quả bưởi ngon, mẫu mã đẹp. Cũng nhờ đó, trái bưởi của gia đình anh có mặt trên nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để tránh gãy cành, người trông bưởi phải chống cọc, dùng dây buộc đỡ lấy quả. Ảnh: Minh Thái |
Do biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên năm nào vườn bưởi cũng cho năng suất cao. Anh Hùng cho biết: “Vụ bưởi năm nay hơn hẳn mọi năm, bưởi trồng ít bị sâu bệnh, cho nhiều trái. Nhà có gần 220 gốc, trung bình mỗi gốc bưởi ở đây có từ 100 - 120 quả, trọng lượng mỗi quả khoảng 1,5 - 2 kg và cho năng suất khoảng 2,5 đến 3 tạ/cây. Năm ngoái, giá bán tại vườn cũng chỉ 20 - 22 nghìn đồng/kg, nhưng năm nay tăng lên gấp rưỡi, hiện giá bán tại vườn dao động từ 27 - 35 nghìn đồng/kg".
Dự kiến sau khi trừ chi phí, vườn bưởi của anh cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về bí quyết trồng bưởi Quang Tiến, anh Hùng nói: “Để trồng bưởi hồng Quang Tiến ngon, trước hết người trồng phải chọn mua được loại cây giống chất lượng, được chiết từ cành trung tán, tuyệt đối không lấy cành ngọn tán. Hàng năm, sau khi thu hoạch quả phải chăm bón cho cây bằng các loại phân bón lót, tưới nước giữ ẩm và cắt, tỉa cành cho cây rồi quét vôi từ trên xuống dưới gốc để cho bọ đỡ bám vào thân cây và cành lúc ra quả thì phun đậu hoa, đậu quả. Từ lúc này đến khi thu hoạch thì phải thường xuyên kiểm tra cây, quả để sớm phát hiện ra sâu bệnh và xử lý, đồng thời bổ sung thêm phân bón cho những cây yếu".
Không chỉ mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, anh Lê Văn Hùng được mọi người biết là một cán bộ Đoàn năng động, nhiệt huyết trong các phong trào hoạt động của tổ chức Đoàn cũng như của địa phương.
Bí thư Đoàn phường Quang Tiến Phan Thị Hoài Thương cho biết “Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hùng còn là người “thổi lửa” cho phong trào đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế ở địa phương. Trong thời gian tới, Đoàn phường đã tổ chức cho các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn phường học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi của đoàn viên Lê Văn Hùng. Từ mô hình này mà nhiều thanh niên trong phường có thêm niềm tin, động lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp tại quê nhà”.
Đoàn viên, thanh niên đến tham quan, học hỏi mô hình của anh Lê Văn Hùng. Ảnh: Minh Thái |
Chính bản lĩnh, sự kiên trì, quyết tâm vượt khó, tinh thần ham học hỏi đã mang lại những thành công bước đầu cho chàng trai dân tộc Thổ. Nhờ phát triển mô hình kinh tế bưởi hồng Quang Tiến mà gia đình anh Lê Văn Hùng đã có cuộc sống ổn định hơn, trở thành tấm gương thanh niên tiêu biểu về phát triển kinh tế, làm giàu tại địa phương.