Bị Nga cáo buộc bắn rơi máy bay II-20 là cảnh báo “cấp độ cao” đối với Israel
(Baonghean) - Sau đúng một tuần để ngỏ không gian cho phía Israel “tự bào chữa” liên quan đến vụ việc máy bay quân sự Il-20 của Nga bị bắn rơi tại Syria, Bộ Quốc phòng Nga hôm 23/9 đã đưa ra kết luận cuối cùng, trong đó cáo buộc đích danh Israel phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov trong buổi công bố báo cáo điều tra vụ bắn rơi máy bay Il-20 (RT) |
Israel chắc chắn phải lo lắng và có tính toán sau tuyên bố này của Nga, bởi thực tế cho thấy Nga rất ít khi bỏ qua cho những hành động xâm phạm đến lợi ích cũng như vị thế của Nga.
Bằng chứng bất lợi cho Israel
Trong cuộc họp báo tại Moskva, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov đã khẳng định chắc chắn rằng lỗi gây ra vụ máy bay trinh sát Il-20 của Nga bị bắn rơi ở Syria “hoàn toàn thuộc về Lực lượng phòng không Israel”.
Theo phía Nga, máy bay của Israel đã cố tình tạo ra một tình thế nguy hiểm bằng việc sử dụng máy bay Nga làm lá chắn trước những hệ thống phòng không Syria. Do đó, máy bay Il-20 đã bị một tên lửa do hệ thống phòng không S-200 của Syria bắn nhầm, khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng. Ông Konashenkov cáo buộc phi công Israel cho biết thông tin sai lạc về vị trí tấn công của máy bay Israel. Cáo buộc này được phía Nga chứng minh bằng những chi tiết cụ thể, theo đó quân đội Nga nhận được cuộc gọi của chỉ huy Israel vào 18h39 GMT ngày 17/9 rằng Israel tấn công “miền Bắc Syria”, nơi Il-20 đang theo dõi khu vực giảm leo thang Idlib. Ngay lập tức máy bay Il-20 được chỉ thị rời khỏi khu vực làm nhiệm vụ sang phía nam và trở về căn cứ. Nhưng chỉ một phút sau cuộc gọi của Israel, F-16 của Israel lại tấn công các mục tiêu ở Latakia, thành phố miền tây Syria.
Việc quân đội Nga đổ lỗi hoàn toàn cho Israel về vụ máy bay Il-20 bị bắn rơi có thể khiến Putin cứng rắn hơn với Tel Aviv.Israel có thể phải trả giá khi phụ lòng tin của Nga ở Syria
Nga cáo buộc hành động của phi công Israel là “đỉnh điểm của sự không chuyên nghiệp hoặc ít nhất là sơ suất” khiến chiếc máy bay Il-20 của Nga không thể đến được khu vực an toàn. Liên quan đến tuyên bố của Israel rằng các máy bay của họ đã trở về không phận vào thời điểm máy bay Nga bị bắn rơi, ông Konashenkov nêu rõ ràng thời điểm các máy bay F-16 rời khu vực là khoảng 10 phút sau vụ bắn rơi máy bay.
Trước đó, Israel vẫn cố đổ lỗi cho sự thiếu chuyên nghiệp của lực lượng phòng không Syria, rằng dàn tên lửa phòng không Syria đã tung hỏa lực mà “không phân biệt mục tiêu”. Nhưng với những bằng chứng bất lợi mà phía Nga đưa ra, Israel gần như không còn cơ hội thanh minh nào nhằm thoái thác trách nhiệm trong vụ việc này.
(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều sự kiện như: Nga dọa đáp trả Israel sau khi trinh sát cơ bị bắn nhầm ở Syria; Chính thức khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng; Mỹ xếp gần cuối trong bảng xếp hạng về cam kết phát triển toàn cầu; Myanmar, Thái Lan siết chặt an ninh biên giới vì 30 tù nhân vượt ngục...Nga dọa đáp trả Israel vụ Il-20 rơi; Hội nghị liên Triều kết thúc ngày hội đàm thứ nhất
Thực tế cho thấy, ngay cả Mỹ khi tác chiến trong không phận Syria - nơi có sự hiện diện của các máy bay Nga, cũng phải rất thận trọng và thường xuyên thông báo cho nhau về kế hoạch tác chiến. Trong khi đó, Nga đã ban hành tới 310 thông báo về các hoạt động của nước này ở Syria so với 25 thông báo của phía Israel. Bởi vậy, dù đây là trường hợp bắn nhầm nghiêm trọng nhất kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào nước này theo đề nghị của Tổng thống Bashar Al Assad cuối năm 2015, và bên khai hỏa là Syria, nhưng Israel hiểu rõ rằng chính Israel mới là bên sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu Nga tiến hành các bước đi đáp trả.
“Đừng đùa với … gấu Nga”!
Bộ Quốc phòng Nga mô phỏng việc máy bay Israel (xanh) tiếp cận gần máy bay Il-20 của Nga (đỏ) để tránh hỏa lực Syria. Ảnh: RT |
Ngay sau khi vụ bắn nhầm xảy ra, một phái đoàn quân sự Israel, do Thiếu Tướng Amikam Norkin, Tư lệnh không quân Israel dẫn đầu đã tới Moskva nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng ngay lập tức lên tiếng đề xuất hỗ trợ Nga điều tra vụ việc này. Phản ứng mềm mỏng của phía Israel cho thấy nước này thực sự muốn “xoa dịu” Nga, bởi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã từng thẳng thắn cảnh báo với người đồng cấp phía Israel là Avigdor Liberman rằng hành động bắn hạ Il-20 là hành động không thể bỏ qua.
Israel có lý do để lo lắng sau khi trở thành “thủ phạm” bị Nga chỉ đích danh. Đến thời điểm này, phản ứng của phía Nga được cho là khá nhẹ nhàng, xuất phát từ tính toán chiến lược rằng Nga và Israel vẫn còn cần nhau trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông cũng như do áp lực của giới vận động hành lang Do Thái, vốn hiện diện đông đảo tại Nga. Nhưng với bước đi đầu tiên là tiến hành cuộc diễn tập trên vùng biển quốc tế ở Địa Trung Hải ngoài khơi lãnh thổ Israel và Syria kéo dài đến ngày mai (26/9), Nga vẫn muốn gửi một thông điệp cảnh báo rõ ràng đến Israel.
Theo bản đồ cảnh báo khu vực diễn tập, lực lượng Nga sẽ áp dụng vùng cấm bay bao phủ phần lớn diện tích biển Địa Trung Hải bao trùm cả phần bờ biển Israel, Nga muốn ám chỉ rằng nước này có khả năng phong tỏa toàn bộ hoạt động của không quân Israel trong khu vực. Cả Nga và Israel đều hiểu rõ, Israel không có động cơ để nhằm vào lực lượng Nga tại Syria cũng như lực lượng của chính phủ Syria. Đối tượng chính khiến Israel phải quan tâm đến tình hình chiến trường Syria chính là Iran và lực lượng Hebollaz do Iran hậu thuẫn. Nhưng dù mục tiêu của Israel là ai, nếu Israel không “biết điều”, Nga có thể khiến Israel không thể theo đuổi các mục tiêu của mình tại chiến trường Syria bằng cách thiết lập các vùng cấm bay gần các căn cứ Hmeymim và Tartous của Nga ở tỉnh Latakia - con đường mà không quân Israel buộc phải bay qua nếu muốn tiếp cận vùng lãnh thổ phía Bắc. Xa hơn nữa, Nga còn có thể tăng cường chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến như S-300 cho Syria – ý tưởng từng được Nga đề cập, song đã được trì hoãn lại sau cuộc thảo luận của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tháng 5 vừa qua. Nếu điều đó xảy ra, lực lượng không quân Israel sẽ càng khó xoay xở, cho dù là ngoài phạm vi các vùng cấm bay mà Nga thiết lập.
Sau khi Nga cáo buộc Israel phải chịu trách nhiệm về vụ bắn rơi Il-20, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman nêu rõ rằng Israel sẽ không ngừng các cuộc tấn công ở Syria vì đây là điều "cần thiết để đảm bảo an ninh cho các công dân Israel". Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn, ông Lieberman đã tránh khẳng định sự "tự do hành động" của Israel về Syria - một cụm từ mà ông từng sử dụng. Cũng như nhiều quốc gia khác, Israel hiểu rằng giờ đây, Nga mới là bên “áp đặt luật chơi” ở Syria, vì vậy Israel đã phải cam kết sẽ tăng cường cơ chế giảm xung đột với Nga để tránh các cuộc đụng độ tương tự trên bầu trời Syria. Nga và Israel vốn duy trì mối quan hệ tương đối tốt đẹp bất chấp những bất ổn ở Trung Đông. Với tình hình chiến trường Syria hiện nay, Israel sẽ là bên chịu thiệt thòi nhiều hơn nếu mối quan hệ này bị phá vỡ.
Câu chuyện bắn rơi máy bay Il-20 của Nga gợi nhớ lại vụ việc cách đây gần 3 năm, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc máy bay Su-24 của Nga cũng đang hoạt động tại chiến trường Syria. Những biện pháp đáp trả của Nga khi đó đã khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan phải “xuống nước” xin lỗi nhiều lần để cứu vãn mối quan hệ với Nga. Hành động của Israel bây giờ cũng vậy, bởi có lẽ cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ cùng hiểu rằng, với thực lực của Nga hiện nay, với tầm ảnh hưởng mà Nga đã thiết lập được Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, tốt nhất là không nên “đùa với gấu Nga”!