Thắt dây an toàn trên ôtô quan trọng thế nào?
Dây an toàn từ lâu đã trở thành một trang bị bắt buộc trên ôtô, tuy nhiên nhiều người vẫn thờ ơ không hề sử dụng thiết bị này gây nên các thương vong đáng tiếc.
Dây an toàn hay dây đai an toàn là một trang bị an toàn bị động cực kỳ quan trọng, kết hợp cùng túi khí trên ôtô giúp các hành khách trên xe tránh được va đập nhiều nhất khi tai nạn xảy ra. Hiện tại, dây an toàn đã trở thành một thiết bị bắt buộc trên mỗi ôtô.
Với việc di chuyển nhanh trên đường, một chiếc ôtô chưa cần tai nạn, chỉ cần dừng lại đột ngột, người ngồi phía trước không thắt dây an toàn có thể bị văng ra ngoài, các hành khách ngồi vị trí ghế sau có thể sẽ rơi ra khỏi ghế và lộn vòng.
Khi xe đang di chuyển với tốc độ 40 km/h thì các hành khách có thể chỉ va mặt vào bảng táp-lô hoặc vào ghế phía trước gây xây xát nhẹ, nhưng khi lên tốc độ cao như 60 km/h hoặc hơn thì có thể bị văng khỏi xe, hoặc quật sang hai bên và gây chấn thương rất nặng, thậm chí tử vong.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần túi khí là có thể an toàn. Tuy nhiên, chỉ dựa vào các túi khí sẽ không thể giúp bảo vệ mạng sống của người ngồi trong xe. Thậm chí, lực thổi túi khí có thể gây chấn thương hoặc tử vong nếu không đi cùng dây an toàn.
Hiện tại, trên các mẫu ôtô đều sử dụng dây an toàn 3 điểm (dây nối với 3 điểm cố định trên xe). Dây an toàn 3 điểm lần đầu tiên được Volvo giới thiệu năm 1959, và Volvo 122S (Volvo Amazon) được cho là mẫu xe đầu tiên trang bị hệ thống dây đai này. So với loại dây 2 điểm, dây an toàn 3 điểm có thể phân bố khả năng níu giữ tốt hơn vào các bộ phận như vai, ngực, và xương chậu.
Luật Liên Bang Mỹ đã quy định bắt buộc các xe phải trang bị dây đai an toàn cho từng ghế ngồi trên xe từ năm 1968. Theo Cơ Quan An Toàn Giao Thông Đường Bộ Quốc Gia Mỹ, năm 2016, có 37.461 vụ tai nạn ôtô chết người, trong số đó, khoảng 48% đã không thắt dây đai an toàn. Và cũng chỉ tính riêng trong năm này, 14.668 người đã bảo toàn được mạng sống nhờ thắt dây đai an toàn.
Cơ quan này cũng đưa ra nhiều lợi ích nếu thắt dây an toàn trên ôtô như: Giảm 45% nguy cơ bị chấn thương chết người và giảm 50% nguy cơ dính các chấn thương nghiêm trọng.
Còn ở Việt Nam, nhiều người đi đường còn chưa ý thức được sự nguy hiểm khi không thắt dây an toàn khi đi xe và phải cần các quy định pháp luật về điều này.
Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP có các quy định cụ thể về xử phạt với các hành vi không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy và chở người trên ôtô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.