Tương lai nào cho quần áo, giày dép Việt trong căng thẳng Mỹ - Trung?

Viễn Thông 28/09/2018 07:00

Dòng vốn đầu tư vào dệt may, da giày của Trung Quốc sang Việt Nam dự báo mạnh hơn, nhưng kèm theo đó là cả nguy cơ điều tra từ Mỹ.

"Hai lần tham gia trước, đoàn doanh nghiệp chúng tôi chốt được khá nhiều hợp đồng. Năm ngoái, có đơn vị còn bán được vài chục máy ngay tại triển lãm, với giá mỗi máy vài chục nghìn USD", ông Liang Qi Ming - Giám đốc quản lý dự án sự kiện, Đại diện Phòng thương mại Thiết bị May Quảng Đông (Trung Quốc) chia sẻ trước thềm triển lãm về công nghệ dệt may VTG 2018 sẽ diễn ra cuối tháng 11 tới ở TP HCM.

Dòng vốn FDI vào ngành dệt may Việt Nam đang là một trong những lý do làm háo hức các nhà sản xuất, kinh doanh máy móc, nguyên phụ liệu nước ngoài. Ông Liang Qi Ming nói rằng, thậm chí có doanh nghiệp Quảng Đông đã đăng ký trước cho lần triển lãm năm 2019.

Vốn FDI vào dệt may tăng mạnh từ khi Việt Nam bắt đầu đàm phán TPP. Trong cao điểm 2014 - 2015, vốn nước ngoài cam kết đổ vào lần lượt đến 1,75 và 2,6 tỷ USD. Năm 2017, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, tổng vốn FDI đổ vào dệt may còn 651,4 triệu USD. Tuy nhiên, CPTPP, EVFTA và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc là lý do giúp vốn FDI dệt may dự báo tăng trở lại.

"Cuộc chiến này sẽ làm tăng tốc tiến trình doanh nghiệp dệt may Trung Quốc rời khỏi đất nước. Họ muốn chuyển dịch nhà máy thì Đông Nam Á, châu Phi và Nam Á là 3 điểm họ đến. Riêng tại Đông Nam Á, Việt Nam là điểm sáng. Thực tế, trước khi có căng thẳng thì họ cũng vốn đã chuyển dịch rồi", ông Nguyễn Bình An - Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) bình luận.

Câu chuyện này cũng tương tự ở ngành da giày. "Đã có 30 doanh nghiệp da giày tỉnh chúng tôi có nhà máy hoặc văn phòng ở Việt Nam", bà Zhong Yan Li - Hiệp hội Máy làm giày Quảng Đông cho biết.

Việt Nam là quốc gia sản xuất giày quan trọng trên thế giới, với vị thế xuất khẩu thứ 2, chiếm 7,4% khối lượng xuất khẩu toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng như Nike, Adidas, The North Face, Timberland, Columbia... đều có đặt gia công tại Việt Nam.

Hơn 700 nhà sản xuất, 1,5 triệu công nhân tham gia vào lĩnh vực giày dép. Trong đó, hơn 200 doanh nghiệp nước ngoài, đóng góp 70% vào doanh số xuất khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra những nguy cơ nhất định, nếu không cẩn thận.

Mỹ không mua hàng thì chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam. Về lý thuyết, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung phần nào là cơ hội cho dệt may, giày dép đón làn sóng đầu tư và thêm cửa bán hàng sang Mỹ. Từ chi phí sản xuất đến giá lao động, thuê đất, điện nước thì Việt Nam lợi thế hơn Trung Quốc.

Sản xuất áo sơ mi tại một doanh nghiệp may xuất khẩu. Ảnh: Anh Quân.

Tuy nhiên, thách thức bên trong lẫn bên ngoài đều không ít. Mặt khách quan, cả dệt may và da giày Việt Nam đang chứng kiến những nhân tố mới. Nếu Việt Nam là ngôi sao dệt may ở Đông Nam Á thì Bangladesh chính là đối thủ trực diện. Với da giày, những xuất xứ mới hơn đang bắt đầu cạnh tranh với nhãn "Made in Vietnam".

"Cửa" vào Mỹ không chỉ dành cho Việt Nam. Ngành xuất khẩu giày trước năm 2010 có Việt Nam và Ấn Độ. Giờ có thêm Bangladesh, Myanmar. Hay như 4 - 5 năm trước, Campuchia không sản xuất giày nhưng giờ họ cũng làm được rồi.

Về mặt chủ quan, hai ngành này đang đối mặt hàng loạt thách thức về nguyên phụ liệu và lao động. Muốn thỏa mãn các nhà đầu tư, duy trì đà tăng trưởng thần kỳ của dệt may hay đáp ứng các điều kiện miễn giảm thuế của CPTPP hay EVFTA, thì hai trở ngại này phải sớm giải quyết.

Hiện tại, 75 - 85% nguyên liệu da làm giày phải nhập khẩu, 30% nguyên liệu làm đế cũng mua từ nước ngoài. Năm 2017, ngành may cần 9 tỷ m2 vải nhưng trong nước chỉ cung ứng khoảng hơn 4 tỷ m2, còn lại cũng nhập khẩu.

Theo số liệu của Đại học Dệt may Hà Nội, ngành dệt may đang có khoảng 2,5 triệu lao động nhưng 75% chưa qua đào tạo. Trong khi đó, các nhà đầu tư dần ứng dụng máy móc hiện đại và đòi hỏi tăng năng suất. Trước 2005, một công nhân dệt may chỉ cần ngồi một máy nhưng giờ một công nhân có tay nghề yêu cầu phải vận hành được 2-3 máy.

Trong 8 tháng đầu năm, ngành dệt may xuất khẩu được 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cán cân trong ngành này đang ở mức khoảng 70 - 30, với phần bé thuộc về doanh nghiệp nội. Cùng với đó, hàng dệt may Việt Nam xuất đi vẫn phần nhiều là hàng gia công đơn thuần (CMT).

Việc chuyển lên bậc xuất hàng FOB và ODM, tức được giao thêm quyền chủ động quyết định nguyên liệu cũng chưa dễ, cũng vì thiếu tự chủ nguyên phụ liệu. Khi bậc thang xuất FOB và ODM chưa chinh phục xong thì ước mơ dấn thân vào ngành công nghiệp thời trang thế giới còn tương đối xa.

Tuy nhiên, trong dệt may, Việt Nam thiếu nhất là vải, chưa chủ động được nguồn vải. Không có vải thì chúng ta không tiến cao hơn để phát triển công nghiệp thời trang được.

Viễn Thông