Cấm học sinh bạo lực, bè phái trong trường học
Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông. Theo đó, học sinh cần tôn trọng sự khác biệt, không bạo lực, bè phái, gây mất đoàn kết.
Cấm học sinh bạo lực, bè phái, gây mất đoàn kết
Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến góp ý của dư luận cho Dự thảo của Thông tư (TT) này đến hết ngày 24/11/2018.
Trong đó, TT quy định cụ thể một số hành vi ứng xử với học sinh và giáo viên.
Đối với học sinh: Dự thảo TT quy định, trang phục, đầu tóc phải gọn gàng, sạch sẽ và phù hợp với lứa tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở trường; không sử dụng trang phục thiếu lịch sự, phản cảm.
Về ngôn ngữ, đối với thầy, cô giáo cần kính trọng, lễ phép; không dùng ngôn ngữ thiếu tôn trọng, xúc phạm thầy cô giáo. Đối với bạn bè cần đúng mực, tôn trọng, thân thiện; không nói tục, chửi bậy, thiếu tôn trọng gây tổn thương, hiềm khích, mất đoàn kết.
Đối với khách đến trường, ngôn ngữ cần đúng mực, tôn trọng, lễ phép. Về hành vi ứng xử, đối với thầy, cô giáo, học sinh phải kính trọng, lễ phép, trung thực, trách nhiệm, tôn trọng sự khác biệt; chấp hành sự phân công của thầy, cô giáo.
Học sinh cần tôn trọng sự khác biệt, không bạo lực, bè phái, gây mất đoàn kết. (Ảnh minh họa) |
Đối với bạn bè cần phải đúng mực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, đoàn kết, giúp đỡ, bao dung và trách nhiệm, tôn trọng sự khác biệt; không bạo lực, bè phái, gây mất đoàn kết. Với khách đến trường cần ứng xử tôn trọng, lễ phép, thân thiện.
Giáo viên không xúc phạm, gây tổn thương học sinh
Ngoài ra, TT cũng quy định hành vi ứng xử, trang phục và ngôn ngữ với Hiệu trưởng, Hiệu phó và cán bộ nhân viên trong nhà trường.
Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng: Trang phục phải lịch sự, giản dị, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục; không sử dụng trang phục thiếu lịch sự, phản cảm.
Ngôn ngữ đối với học sinh cần chuẩn mực, tôn trọng, giản dị, gần gũi, dễ hiểu; không dùng ngôn ngữ xúc phạm, gây tổn thương trẻ. Cần chuẩn mực, tôn trọng, khích lệ, động viên; không dùng lời lẽ hách dịch, xúc phạm, miệt thị gây tổn thương đối với giáo viên, nhân viên. Đối với cha mẹ trẻ em và khách đến trường cần chuẩn mực, tôn trọng.
Về hành vi ứng xử, đối với học sinh, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng phải chuẩn mực, yêu thương, bao dung và trách nhiệm; tôn trọng sự khác biệt; công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ sự tham gia tích cực, sáng tạo của trẻ; không xúc phạm, bạo hành, gây tổn thương trẻ.
Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cũng cần tôn trọng, gương mẫu, đồng hành trong công việc; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và phát huy năng lực của giáo viên, nhân viên; đoàn kết, dân chủ, công bằng, minh bạch; không định kiến, thiên vị, xúc phạm, trù dập, sách nhiễu, vụ lợi, né tránh trách nhiệm, đỗ lỗi hoặc che dấu vi phạm của đồng nghiệp, giáo viên, nhân viên.
Cần tôn trọng, đúng mực và hợp tác đối với cha mẹ trẻ và khách đến trường. Cần tổ chức xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tích cực phòng chống, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi bạo lực học đường.
Về hành vi ứng xử đối với học sinh, giáo viên cần mẫu mực, yêu thương, bao dung và trách nhiệm, không bạo hành trẻ. (Ảnh minh họa) |
Với giáo viên và nhân viên: Trang phục cần lịch sự, giản dị, phù hợp với môi trường giáo dục và với mỗi loại hoạt động; không sử dụng trang phục thiếu lịch sự, phản cảm. Ngôn ngữ đối với trẻ cần chuẩn mực, tôn trọng, giản dị, gần gũi, dễ hiểu; khích lệ hoặc nhắc nhở trẻ em phù hợp; không miệt thị gây tổn thương học sinh.
Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cần tôn trọng, cầu thị. Đối với đồng nghiệp cần đúng mực, tôn trọng, thân thiện; không xúc phạm, mỉa mai, gây hiềm khích. Đối với cha mẹ trẻ và khách đến trường cần tôn trọng, đúng mực.
Về hành vi ứng xử đối với học sinh, giáo viên cần mẫu mực, yêu thương, bao dung và trách nhiệm; tôn trọng sự khác biệt; công bằng, lắng nghe, đồng cảm và động viên, khích lệ sự tham gia tích cực, sáng tạo của trẻ; tạo sự an toàn và tin cậy cho trẻ; không bạo hành trẻ.
Với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, giáo viên cần tôn trọng, trung thực, thể hiện chính kiến; chủ động đề xuất, kiến nghị biện pháp quản lý và nâng cao chất lượng; chấp hành sự phân công của lãnh đạo; phản ánh đúng lúc, đúng chỗ.
Đối với đồng nghiệp, giáo viên cần tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên; đoàn kết, cầu thị, lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ; không vô cảm, bè phái, chia rẽ nội bộ.
Cần tôn trọng, hợp tác, thân thiện đối với cha mẹ trẻ em và khách đến trường. Tích cực tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng chống, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi bạo lực học đường.”