Chuyện vui bên dòng sông Giăng

Hoài Thu 15/10/2018 17:57

(Baonghean.vn) - Đến xã biên giới Môn Sơn của huyện Con Cuông, qua những bản làng, ngược dòng sông Giăng, những câu chuyện về cuộc sống người dân nơi đây luôn cuốn hút lạ kỳ, khiến du khách cảm nhận rõ những đổi thay đang hiện hữu từng ngày.

Người Đan Lai ở bản Cò Phạt trồng lúa nước. Ảnh: Hoài Thu
Người Đan Lai ở bản Cò Phạt trồng lúa nước. Ảnh: Hoài Thu

Chở nụ cười về bản xa

Cò Phạt xã Môn Sơn là một trong những bản có đông người dân tộc Đan Lai sinh sống. Để đến được bản Cò Phạt, từ tờ mờ sáng chúng tôi đã rục rịch chuẩn bị hành lý. Bởi từ trung tâm huyện phải đi hơn nửa tiếng đồng hồ đường ô tô; và tiếp đó là chặng ngồi thuyền vượt dòng sông Giăng hơn 1 tiếng nữa mới cập bến tại bản Cò Phạt.

Chuyến đi của chúng tôi khá đặc biệt khi có sự tham gia của lãnh đạo Huyện ủy và Ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông cùng cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn. Trên chiếc thuyền máy đủ sức chở tối đa 7 người, chúng tôi phải “cắt giảm” một người ở lại bờ để nhường chỗ cho hai "hành khách" đặc biệt, đó là cặp lợn đen mà cán bộ, nhân viên Ban Dân vận Huyện ủy góp tiền mua tặng gia đình bà Hà Thị Tuất, một hộ nghèo của bản Cò Phạt.

Người dân vận chuyển lâm sản trên Sông Giăng. Ảnh: Hoài Thu

Thuyền lướt băng băng ngược dòng sông Giăng hướng về bản biên giới, cảnh vật hai bên bờ loang loáng trôi qua. Ấy là những nếp nhà sàn núp sau rặng cây, là những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh đồi; những đàn bò cổ đeo chuông leng keng ngước mũi nhìn con thuyền lướt giữa dòng; những bãi đá cuội to nhỏ đủ kích cỡ xen giữa các bụi cây gợi vẻ hoang sơ, tĩnh lặng.

Tiếng xuồng máy nổ rền rĩ có phần chói tai đã không ít lần khiến đàn bói cá giật mình vụt bay khỏi rặng cây. Qua các khúc cua, thuyền bẻ lái khiến nước bắn tung tóe, người ngồi nghiêng ngả không tránh khỏi bị ướt. Hai chú lợn đen ngơ ngác với chuyến “du lịch” và bị say sóng nằm lờ đờ sau khi nôn cả thức ăn xuống đáy thuyền.

Người dân Đan Lai lắp điện cù trên sông Giăng. Ảnh: Hoài Thu

Cập “bến Cò Phạt”, đón chúng tôi là Bí thư bản Cò Phạt La Văn Linh, người đàn ông nhỏ thó nhưng có đôi mắt sáng và nụ cười hiền từ. Ông là một người con của dân tộc Đan Lai, sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Pù Mát, gắn bó keo sơn với người dân Cò Phạt từ thuở thiếu thời. Đến nay đã qua nhiều “khóa” làm Trưởng bản, rồi hơn 2 nhiệm kỳ Bí thư Chi bộ, ông hiểu hơn ai hết cái nghèo, cái khổ của người dân Cò Phạt, bản người Đan Lai nơi vùng biên viễn này. Bởi vậy, khi biết tin đoàn cán bộ huyện đến tặng lợn giống cho bà con, ông La Văn Linh vui lắm, cả buổi sáng cứ lóng ngóng đứng đợi để đón đoàn, hết chạy sang Biên phòng Môn Sơn hỏi thăm tình hình lại chạy đến nhà bà Hà Thị Tuất để kiểm tra chuồng trại đã chắc chắn chưa.

Hộ bà Hà Thị Tuất được cán bộ, nhân viên Ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông góp tiền mua tặng 1 cặp lợn giống. Đây là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản Cò Phạt. Chồng bà Tuất là ông La Văn Bằng, là bộ đội xuất ngũ, hiện bị bệnh nằm một chỗ không có khả năng lao động nhiều năm nay.

Bà Hà Thị Tuất vui mừng đón nhận món quà của Ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông. Ảnh: Hoài Thu
Bà Hà Thị Tuất: “Bà vui lắm, có lợn để nuôi là khỏi phải lo đói nghèo rồi. Bà sẽ chăm lợn giống thật tốt để nó sinh sôi nhiều thêm. Cảm ơn cán bộ nhiều lắm”. Ảnh: Hoài Thu

Ban cán bộ bản Cò Phạt và Trạm Biên phòng đóng quân ở bản khi biết tin gia đình bà Tuất được tặng lợn giống đã phối hợp cùng nhau, vận động bà con giúp đỡ làm chuồng nuôi lợn giúp vợ chồng bà Tuất. Vậy là người thì giúp ngày công, người thì cho cây nứa cây mét, người đi chặt giúp tấm lá cọ.

Cảm động trước sự quan tâm của chính quyền và bà con xóm bản, bà Hà Thị Tuất ngượng nghịu nói lời cảm ơn. Khi đoàn mang đôi lợn giống đến tặng gia đình, bà Tuất cứ lóng ngóng chạy qua chạy lại, đôi mắt lấp lánh niềm vui.

Biết gia đình ông bà Hà Thị Tuất được nhận quà, bà con trong bản cũng kéo nhau đến. Trên những gương mặt còn hằn nét vất vả đã lấp lánh nụ cười vui. Đó là niềm vui của dân bản biên giới khi thấy mình được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện trong cuộc sống, động viên làm ăn vượt qua đói nghèo...

Ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông tặng lợn giống cho hộ bà Hà Thị Tuất bản Cò Phạt xã Môn Sơn. Ảnh: Hoài Thu
Ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông tặng lợn giống cho hộ bà Hà Thị Tuất ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn. Ảnh: Hoài Thu

Đến tháng 8/2018, các bộ, nhân viên Ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông góp tiền lương mua 4 cặp lợn giống tặng 4 hộ nghèo ở các bản thuộc 2 xã biên giới Môn Sơn và Châu Khê, mỗi cặp lợn trị giá 1,5 triệu đồng.

“Bản ta ngày càng đẹp”

Xuôi dòng sông Giăng quay trở lại bản Xiềng của xã Môn Sơn vào thời điểm cuối Thu, tiết trời thật chiều lòng người khi được dạo bước dưới những tán cây xanh mát quanh những con đường uốn lượn dưới các nếp nhà sàn đặc trưng. Đặt chân đến là bản văn hóa đặc sắc này, còn nhớ cách đó 2 năm chúng tôi cũng đã đặt chân đến nơi này, bây giờ quay trở lại thấy bao sự đổi khác. Điều dễ nhận thấy đầu tiên chính là quang cảnh xanh mát, nhiều hoa và sự sạch sẽ, quang đãng từ những nếp nhà đến các con ngõ, các tuyến đường.

Nông dân bản Xiềng xã Môn Sơn đạp xe ra đồng. Ảnh tư liệu
Nông dân bản Xiềng, xã Môn Sơn đạp xe ra đồng. Ảnh tư liệu

Bí thư Chi bộ bản Xiềng Hà Thị Thìn vui vẻ cho biết, kết quả của sự xanh - sạch - đẹp này là nhờ cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể tích cực hưởng ứng thực hiện các mô hình dân vận khéo về trồng hoa, cây cảnh làm đẹp bản làng. Bản Xiềng hôm nay không chỉ đổi thay về “bộ mặt” được tô điểm xinh đẹp bởi sự xanh mát, nhiều hoa khoe sắc mà còn là sự đổi thay trong đời sống người dân.

Bản Xiềng nằm dọc con đường dẫn đến khu du lịch sinh thái Phà Lài, vì vậy chính quyền xã Môn Sơn cũng như ban cán sự bản luôn ý thức được tầm quan trọng của “mắt xích” giúp kết nối Môn Sơn với du khách thập phương.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Giăng của người dân Môn Sơn. Ảnh tư liệu
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Giăng của người dân Môn Sơn. Riêng ở bản Xiềng người dân nuôi 23 lồng cá và đàn bò hơn 300 con, gần 5.000 con gia cầm”. Ảnh tư liệu

Ông Vi Văn Đoàn, một trong các hộ nuôi cá lồng khá nhiều của bản Xiềng cho biết, “dân bản giờ đây “mê” làm ăn phát triển kinh tế rồi đó”. Bà con đã thấy được hiệu quả kinh tế từ sự chăm chỉ của chính mình. Trời không phụ lòng người, cứ siêng năng góp nhặt, cùng với sự giúp đỡ quan tâm của chính quyền, chẳng ai lo sẽ thiếu đói. “Môn Sơn sẽ còn phát triển nhiều, bản Xiềng ta ngày càng đẹp lắm” - ông Vi Văn Đoàn vừa thả nắm cỏ cho đàn cá đang quẫy trong lồng vừa vui vẻ cho biết.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống của bản Xiềng, xã Môn Sơn. Ảnh: Hoài Thu
Gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống của bản Xiềng, xã Môn Sơn. Ảnh: Hoài Thu

Ngoài vươn lên trong sản xuất, người dân bản Xiềng còn có đam mê khác là giữ gìn nét văn hóa truyền thống bao đời. Ấy là văn hóa cồng chiêng và dệt thổ cẩm. Bản Xiềng đã được công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm với hơn 140 hộ thường xuyên tham gia sản xuất. Và điểm hội tụ của tinh hoa nghề dệt thổ cẩm bản Xiềng nhiều năm nay là điểm giới thiệu sản phẩm và bán hàng nằm ngay trên trục đường chính vào trung tâm bản. Gian hàng tuy khá nhỏ nhắn nhưng luôn sắp xếp gọn gàng và ấm cúng. Ở đó, những nếp vải, những chiếc áo, váy và các đồ thủ công truyền thống của đồng bào được bày biện trang trọng, bắt mắt người xem.

Người dân tộc Đan Lai ở Môn Sơn đã bắt đầu sử dụng các đồ dùng hiện đại. Ảnh tư liệu
Người dân tộc Đan Lai ở Môn Sơn đã bắt đầu sử dụng các đồ dùng hiện đại. Ảnh tư liệu

Đối với những du khách như chúng tôi, khi bước chân vào đây thì chẳng muốn rời đi bởi những lạ lẫm, những thú vị của các sản phẩm. Đó là chiếc khăn dệt từ sợi tơ mà bà con tự trồng dâu, nuôi tằm kéo sợi, nhuộm màu từ cây lá của núi rừng dệt nên. Đó là những chiếc túi nhỏ xinh được thêu hoa văn đằm thắm rất tiện dụng cho chị em đựng đồ đạc cá nhân khi đi ra ngoài...

Gian hàng đặc biệt đông khách khi “mùa du lịch” đến, trong đó không ít là khách nước ngoài ghé qua trên đường đến khu du lịch sinh thái Phà Lài – một trong những điểm đến trên cung đường kết nối du lịch cộng đồng mà huyện Con Cuông đang chú trọng đầu tư phát triển.

Khách du lịch tham quan đập Phà Lài. Ảnh: Hữu Vi
Theo Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Vi Văn Sơn, huyện đang xây dựng tuyến du lịch sinh thái kết nối nhiều điểm đến, trong đó Phà Lài xã Môn Sơn là một trong những điểm quan trọng với các hoạt động du lịch đặc sắc gắn với địa bàn và văn hóa truyền thống của người dân bên dòng sông Giăng. Trong tương lai hứa hẹn Môn Sơn sẽ còn nhiều đổi thay, đời sống người dân sẽ còn nhiều đổi khác tích cực hơn, vui tươi hơn.

Lễ hội Môn Sơn -Lục Dạ. Ảnh tư liệu
Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ. Ảnh tư liệu

Chúng tôi tạm biệt Môn Sơn, mang về phố thị những âm hưởng của núi rừng, của dòng sông Giăng thơ mộng cùng những niềm vui đổi thay của vùng đất trước đây đã chứng kiến sự thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của miền Tây Nghệ An./.

Hoài Thu