Khoảng 40% doanh nghiệp khối FDI chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp

Phú Hương 02/10/2018 11:39

(Baonghean.vn) - Đó là thông tin được nêu ra tại Hội thảo giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài và hòa giải trong kỷ nguyên 4.0 diễn ra sáng 2/10 do Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, chi nhánh Nghệ An tổ chức.

Hội thảo nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu về các phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và an toàn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Tham gia hội thảo, ngoài các Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn, còn có đại diện lãnh đạo đến từ Tập đoàn tài chính quốc tế và Ngân hàng thế giới, TAND thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm trọng tài quốc tế…

Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Phú Hương
Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Phú Hương

Với các quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Nghị định 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại, khung pháp lý cho các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam đã được xây dựng với các quy định rõ ràng. Việc ban hành các văn bản pháp luật này cũng đã thế chế hóa Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách ngành Tư pháp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.

Theo một kết quả khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 66/190 nước về tỷ lệ thực thi hợp đồng; 29/190 về tiếp cận tín dụng. Những con số đó cho thấy, doanh nghiệp ở Việt Nam đã có điều kiện hoạt động kinh doanh tốt hơn, phương thức giải quyết tranh chấp nhanh và dễ dàng hơn.

Ông Phí Trọng Đức, giám đốc VCCI Nghệ An nêu rõ: Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ về gải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài và hòa giải. Ảnh: Phú Hương
Ông Phí Trọng Đức - Giám đốc VCCI Nghệ An nêu rõ: Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ về giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài và hòa giải. Ảnh: Phú Hương

Theo báo cáo của PCI năm 2016 và 2017 cho thấy, xu thế mới của các doanh nghiệp đang ưu tiên lựa chọn các phương thức khác ngoài Tòa án để giải quyết tranh chấp, trong đó lựa chọn nhiều là trọng tài thương mại. Ví dụ, trong khối DN đầu tư nước ngoài (FDI) hiện ước tính có khoảng 40% doanh nghiệp lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, hòa giải thương mại vẫn đang là vấn đề khá mới với các doanh nghiệp, doanh nhân khi Nghị định 22/2017/NĐ-CP mới ra đời tháng 2/2017; Trung tâm hòa giải đầu tiên thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cũng mới được hình thành từ tháng 4/2018.


Sản xuất tại Công ty may Lan Anh. Ảnh: Thu Huyền
Sản xuất tại Công ty may Lan Anh. Ảnh: Thu Huyền

Tại hội thảo, các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về phương thức hòa giải thương mại. Lãnh đạo các doanh nghiệp đã được nghe phổ biến một số nội dung về: Pháp luật hiện hành và hỗ trợ của ngành Tòa án đối với cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải; Trọng tài và hòa giải thương mại - vì sao doanh nghiệp nên lựa chọn?; Một số lưu ý dành cho doanh nghiệp khi sử dụng cơ chế trọng tài và hòa giải để giải quyết tranh chấp; Một số nội dung của Bộ luật Tố tụng dân sự về Thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án; Nghị định 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại.

Dịp này, VCCI Nghệ An tổ chức trao Giấy chứng nhận Hội viên mới.

Phú Hương